Ngày 24/5, Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, trong quá trình thi công bờ kè biển tại phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), đơn vị thi công đã phát hiện một khẩu súng thần công có chất liệu bằng đồng dưới lớp cát và đã báo với cơ quan chức năng.
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện - Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, theo nhận định ban đầu, khẩu súng này được đúc bằng đồng của triều đình nhà Nguyễn, có niên đại khoảng 200 năm. Có khả năng khẩu súng được trang bị cho hệ thống phòng thủ ở Đà Nẵng trong giai đoạn đó.
"Súng thần công được phát hiện trong tình trạng còn nguyên vẹn, thân súng dài 1,75m, đường kính đầu nòng 15cm, đường kính đuôi nòng 25cm, trọng lượng khoảng 200kg. Trên thân súng có hoa văn đường diềm, quai chạm vảy rồng, có khắc chữ ở thanh trục quay" - Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng thông tin.
Súng được phát hiện trong tình trạng còn nguyên vẹn, trọng lượng khoảng 200kg
|
Cũng theo ông Thiện, đây là hiện vật rất có giá trị về mặt lịch sử, góp phần khẳng định thêm về ý nghĩa của cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp-Tây Ban Nha của quân dân Đà Nẵng giai đoạn 1858-1860.
"Khẩu súng thần công này sẽ góp phần bổ sung để tôn thêm toàn bộ giá trị lịch sử của bộ sưu tập súng thần công ở thành Điện Hải”- ông Thiện cho biết thêm.
Cũng theo các nhà nghiên cứu lịch sử, vị trí phát hiện súng thần công có thể là khu vực làng Chơn Sảng thuộc huyện Hòa Vang ngày xưa, nay là phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu.
Vào thời chúa Nguyễn, tại đây có đặt một nhà trạm thuộc hệ thống nhà trạm trên đường thiên lý Bắc - Nam. Dưới thời Thiệu Trị (1840-1847) và Tự Đức (1847-1883), tại làng Chơn Sảng có một đồn lính phòng thủ bờ tây vịnh Đà Nẵng.
Trong lịch sử kháng Pháp, tại khu vực này đã diễn ra 2 trận đánh do quân Pháp tấn công vào ngày 18/11/1859 và trận tiếp theo là quân dân ta tấn công quân Pháp vào ngày 1/3/1886.
Cận cảnh họa tiết trên thân súng
|
Hiện Bảo tàng Đà Nẵng đã làm việc để tiếp nhận khẩu súng thần công đưa về bảo quản, xử lý, phục vụ cho công tác nghiên cứu, trưng bày và phát huy giá trị lịch sử của hiện vật.