|
Ứng dụng đặt lịch khám bệnh tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi TP Đà Nẵng |
Giảm thời gian chờ từ 120 phút còn 10 phút
Với mục tiêu xây dựng TP thông minh, từ năm 2017, UBND TP Đà Nẵng đã xây dựng đề án ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong ngành y tế địa phương đến năm 2025, tầm nhìn 2030, nhằm xây dựng ngành y tế số hóa, minh bạch với các ứng dụng bệnh viện thông minh, bệnh án điện tử, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.
Để hiện thực mục tiêu đó, Đà Nẵng đã xây dựng lộ trình đề án theo 2 giai đoạn: 2017-2020, 2020-2025 và tầm nhìn đến 2030. Ở giai đoạn từ 2020-2025 và tầm nhìn 2030, các ứng dụng, dịch vụ triển khai đã hoàn thiện và nhân rộng, nhất là các chủ trương của Bộ Y tế trong việc số hoá ngành và mục tiêu, lộ trình đạt được trong giai đoạn từ 2020-2025.
Bác sĩ Võ Thu Tùng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng - cho biết, từ năm 2018, khi triển khai Thông tư 46 của Bộ Y tế về hồ sơ bệnh án điện tử, các bệnh viện hạng I ở TP Đà Nẵng đã đồng loạt triển khai nhiều giải pháp ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong y tế.
Các bệnh viện đã nâng cấp máy chủ, hệ thống mạng nội bộ, thiết kế các đầu đọc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đặc biệt, các bệnh viện đã triển khai hệ thống xét nghiệm nâng cao (LIS), hệ thống tự động trả kết quả xét nghiệm và liên thông với hệ thống quản lý bệnh viện (HIT), thực hiện chữ ký số, thanh toán không dùng tiền mặt…
Cũng theo bác sĩ Võ Thu Tùng, ngoài các bệnh viện cấp I trực thuộc sở quản lý đã đẩy mạnh chuyển đổi số, các trung tâm y tế cấp II cũng đang chuyển đổi số mạnh mẽ, thực hiện lộ trình bệnh viện thông minh theo đề án “TP thông minh” của Đà Nẵng.
“Sau 5 năm thực hiện, đến nay, Đà Nẵng đã triển khai giai đoạn 1 bệnh án điện tử tại 3 bệnh viện hạng I trực thuộc Sở Y tế quản lý gồm: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản-Nhi và Bệnh viện Ung bướu. Riêng các trung tâm y tế, bệnh viện cấp 2 cũng đang triển khai lộ trình bệnh viện thông minh theo đề án “TP thông minh” của TP Đà Nẵng.
Tuy nhiên, để triển khai giai đoạn 2, ngành y tế vẫn đang chờ kết quả đánh giá của giai đoạn 1 để làm cơ sở cho giai đoạn tiếp theo”- bác sĩ Võ Thu Tùng cho hay.
100% cơ sở y tế công lập có bệnh án điện tử
Riêng đối với việc triển khai đơn thuốc điện tử, lãnh đạo Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết, hiện 100% bệnh viện công lập trực thuộc Sở Y tế TP đã sử dụng đơn thuốc điện tử. Ngành y tế Đà Nẵng đang tiếp tục triển khai tại các bệnh viện tư và các nhà thuốc trên địa bàn. Trong thời gian tới, ngành y tế sẽ hoàn thiện và thống nhất liên thông đơn thuốc điện tử đối với các phòng khám tư nhân và cửa hàng thuốc trên địa bàn.
Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng đã ứng dụng CNTT trong việc khám, chữa bệnh từ năm 2014. Đến năm 2020, Bệnh viện đã sử dụng phần mềm FPT trong quản lý bệnh viện, bệnh án điện tử và quản lý Dược, Tài chính kế toán. Các hoạt động khám, chữa bệnh tại bệnh viện diễn ra thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, việc sử dụng CCCD thay cho thẻ BHYT đã được áp dụng tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng. Việc đẩy giấy chứng sinh, giấy báo tử lên cổng BHXH đã góp phần thực hiện giấy khai sinh online, đảm bảo quản lý trẻ em từ lúc sinh ra, cấp thẻ Bảo hiểm y tế ngay sau khi có giấy khai sinh.
“Từ khi áp dụng bệnh án điện tử, đăng ký lịch khám qua mạng, áp lực ùn ứ bệnh nhân đã giảm đáng kể, tỷ lệ giảm ùn ứ lên đến 50% so với trước. Không chỉ vậy, với việc đặt lịch khám qua mạng và ứng dụng quét mã ID bệnh nhân giúp bệnh nhân không phải chờ đăng ký tại quầy phát phiếu bác sĩ theo dõi được tình trạng bệnh và thăm khám hiệu quả hơn” - TS.BS Phạm Chí Kông – Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng cho hay.
Cũng theo TS.BS Phạm Chí Kông, từ khi ứng dụng CNTT và chuyển đổi số, hồ sơ bệnh án được tổng hợp một cách đầy đủ rõ ràng, dễ đọc dễ theo dõi, dễ hệ thống các phương pháp điều trị để đưa ra hướng điều trị chính xác. Dữ liệu dễ dàng được tổng hợp qua từng ngày, từng tháng, từng năm để theo dõi, quản lý và điều chỉnh. Công tác quản lý liên khoa cũng dễ dàng hơn, chính xác hơn, nhất là công tác kiểm tra, truy xuất thông tin bệnh sử bệnh nhân qua các khoa, cũng như chỉ định, kê đơn thuốc nhanh chóng và chính xác.
"Đặc biệt, thời gian chờ đăng ký khám của bệnh nhân đã giảm từ 1-2 tiếng xuống còn 5-10 phút, số lượng nhân viên tiếp đón thủ công so với tiếp đón bằng hệ thống đăng ký khám giảm từ 15-20 nhân viên xuống còn 7-nhân viên/1.000 người bệnh/ buổi." - TS.BS Phạm Chí Kông cho hay.
Còn tại Bệnh viện Đà Nẵng, TS.BS Lê Đức Nhân – Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng - cho biết, mô hình bệnh viện thông minh luôn được chú trọng phát triển với nhiều hình thức hiệu quả, giúp rút ngắn thời gian và thủ tục hành chính, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng đến sự hài lòng người bệnh.
Ngoài việc ứng dụng CNTT trong việc quét mã thẻ BHYT, CCCD hoặc sử dụng phần mềm trực tuyến… giúp việc đăng ký khám, chữa bệnh được nhanh chóng, thuận tiện, Bệnh viện cũng đã triển khai hệ thống giao nhận kết quả xét nghiệm trong toàn bệnh viện, giúp tiết kiệm công sức, thời gian chuyển mẫu và nhận kết quả xét nghiệm ở các khoa phòng, rút ngắn thời gian chẩn đoán, điều trị.
"Đặc biệt, việc ứng dụng CNTT trong triển khai hồ sơ bệnh án điện tử từ năm 2017 đến nay đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác khám, chữa bệnh, khi đã giảm đáng kể thời gian bệnh nhân phải chờ đợi. Hiện tại, 100% khoa, phòng trong Bệnh viện đã áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử”- bác sĩ Nhân cho hay.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng theo lãnh đạo Sở Y tế Đà Nẵng, việc triển khai và hoàn thiện đề án còn gặp nhiều khó khăn.
“Lợi ích của chuyển đổi số thì đã rõ. Tuy nhiên, để triển khai đầy đủ các nội dung này, cần có nguồn kinh phí khá lớn và cần thời gian. Trong khi đó, chi phí CNTT vẫn chưa được tính đúng, tính đủ vào giá khám, chữa bệnh. Thêm vào đó, hiện vẫn chưa có quy định về việc bổ sung nhân lực chuyên ngành về CNTT cho ngành y tế, nên việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử cũng gặp khó khăn”- bác sĩ Võ Thu Tùng chia sẻ.
TS.BS Lê Đức Nhân thì cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc triển khai ứng dụng bệnh viện thông tin, bệnh án điện tử là kinh phí duy trì, cải tiến.
“Hiện nay, chi phí khám, chữa bệnh chưa tính đúng, tính đủ so với sự đầu tư của bệnh viện, khi chưa tính đến kinh phí đầu tư cho ứng dụng CNTT. Mặc dầu Bệnh viện đã liên tục có các sáng kiến cải tiến để nâng cao hiệu quả ứng dụng thực tiễn của phần mềm, nhưng việc cải tiến này cũng đồng nghĩa với việc phải đầu tư kinh phí hơn nữa cho việc nâng cấp các phần mềm CNTT”- bác sĩ Nhân nói.
Tuy vậy, trong thời gian tới, Bệnh viện Đà Nẵng vẫn tiếp tục đầu tư để triển khai hiệu quả hơn nữa mô hình bệnh viện thông minh, bệnh án điện tử, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng tăng của người dân.
“Vì vậy, đội ngũ y bác sĩ bệnh viện luôn nỗ lực học hỏi, hiểu được nhu cầu của người bệnh và bám sát thực tiễn xã hội để phát huy tối đa hiệu quả ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, công tác khám, chữa bệnh. Đây là phương châm hàng đầu mà Bệnh viện thực hiện để nâng cao hơn nữa chất lượng, thương hiệu và sự tin yêu của người dân đối, bởi Bệnh viện hiểu rằng, “chất lượng dịch vụ là nền tảng của sự phát triển”- Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng khẳng định.
Còn TS.BS Phạm Chí Kông – Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng - cho biết: Sau khi tiếp nhận Bệnh viện Phụ nữ trở thành Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng cơ sở 2, Bệnh viện vẫn áp dụng phần mềm cũ, với tính năng không thể đáp ứng hoàn toàn nhu cầu khám chữa bệnh BHYT và bệnh án điện tử.
“Chính vì vậy, Bệnh viện đang cố gắng để nâng cấp phần mềm cơ sở 2, hoặc tiến tới thống nhất 1 phần mềm cho 2 cơ sở để đảm bảo công tác quản lý. Về việc hoàn chỉnh bệnh án điện tử, yếu tố then chốt là ứng dụng chữ ký số trong hồ sơ, đây là hoạt động cần chi phí đầu tư lớn và quy trình quản lý việc ký số chặt chẽ khi số lượng nhân viên của bệnh viện quá lớn đến hơn 1000 người”- bác sĩ Kông chia sẻ.
Nhìn thẳng vào những khó khăn thực tế, bác sĩ Tùng cho biết, các cơ sở y tế vẫn chưa thiết lập mạng riêng để kết nối với nhau một cách đồng bộ; nhân lực chuyên trách CNTT còn kiêm nhiệm nhiều công tác khác; nhân sự CNTT quá mỏng nên chưa sẵn sàng để chủ động triển khai và vận hành các hệ thống thông tin của ngành; chưa thiết lập được một nền tảng CSDL tập trung toàn ngành.
“Bên cạnh đó, hồ sơ y tế điện tử, dữ liệu hồ sơ khám, chữa bệnh của bệnh nhân còn nằm phân tán ở các cơ sở y tế hoặc trên trung tâm dữ liệu của các nhà cung cấp phần mềm… đó là những khó khăn khiến việc triển khai dự án gặp không ít khó khăn”- bác sĩ Tùng cho hay.