|
Máy đào Bitcoin không nằm trong danh mục cấm nhập khẩu. Ảnh: HQO. |
Tại Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh, Cục Hải quan TP.HCM, tính đến 31/10 đã có 1.478 bộ máy xử lý dữ liệu tự động giải mã Bitcoin, Litecoin làm thủ tục nhập khẩu. Hiện tượng này đã được Cục Hải quan TP.HCM báo cáo Tổng cục Hải quan và Tổng cục Hải quan cũng đã có văn bản trao đổi với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phúc đáp.
"Chúng tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên sớm có ý kiến về vấn đề này nhằm thống nhất quản lý. Bởi, việc nhập khẩu loại máy này có thể gây ra nhiều hệ lụy khó lường", một cán bộ hải quan cho biết.
Tuy nhiên các loại máy này đều có liên quan đến hành vi phạm pháp theo Bộ Luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2017 vì đồng tiền ảo chưa cấp phép sử dụng Việt Nam. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, đồng tiền điện tử Bitcoin và các đồng tiền tương tự không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do đó, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các loại tiền ảo đều bị cấm.
Tổng cục Hải quan thừa nhận mặt hàng này "chưa được định danh cụ thể" nếu căn cứ Danh mục hàng hóa cấm xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, ngành hải quan dẫn Thông tư số 15/2014 của Bộ Thông tin & Truyền thông cho thấy, mặt hàng máy xử lý dữ liệu tự động giải mã Bitcoin, Litecoin thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ này.
"Thế nhưng lại không có quy định nào về thủ tục, điều kiện và hình thức quản lý nên không rõ thuộc đối tượng phải có giấy phép nhập khẩu hay nhập khẩu có điều kiện", Tổng cục Hải quan cho hay.
Trước đó, lô hàng 100 máy xử lý dữ liệu tự động khai thác tiền ảo trên mạng có trị giá 129.100 USD của Công ty cổ phần Ancarat Việt Nam đang bị tắc ở khâu thông quan bởi các quy định liên quan hiện nay chưa rõ ràng.
Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì và phối hợp cùng một số Bộ, ban ngành như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính... rà soát lại khung pháp lý hiện tại và đánh giá toàn diện về thực trạng nhằm đề xuất Chính phủ có hướng xử lý cũng như sửa đổi pháp luật về tiền điện tử cho phù hợp.
Báo cáo đánh giá thực trạng để sửa đổi khung pháp lý cần hoàn thành trước tháng 8/2018 và đến cuối năm 2018 phải xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo. Đồng thời, đến tháng 6/2019 cần xong hồ sơ đề nghị xây dựng khung pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo. Ngoài ra, những đề xuất để phòng,chống, xử lý các vi phạm liên quan đến loại hình tiền tệ này cũng được Chính phủ giao hoàn thành trước tháng 9/2019.