Đã bắt được 3 bị can trong vụ Ocean Bank Hải Phòng

VietTimes -- Nguồn tin từ Bộ Công an tối 26/9 cho biết, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã phát hiện và bắt giữ 3 bị can bị truy nã trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Ngân hàng Đại Dương - Chi nhánh Hải Phòng.
Từ trái qua phải, 3 bị can Trần Thị Kim Chi, Lê Vương Hoàng, Nguyễn Thị Minh Huệ, Nguồn ảnh: Bộ Công An
Từ trái qua phải, 3 bị can Trần Thị Kim Chi, Lê Vương Hoàng, Nguyễn Thị Minh Huệ, Nguồn ảnh: Bộ Công An
Theo đó, ngày 23/9, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã phát hiện và bắt giữ 3 bị can gồm: Trần Thị Kim Chi (Giám đốc OceanBank chi nhánh Hải Phòng); Lê Vương Hoàng (Kiểm soát viên OceanBank chi nhánh Hải Phòng); Nguyễn Thị Minh Huệ (cán bộ OceanBank chi nhánh Hải Phòng), các bị can bị bắt khi đang lẩn trốn tại TP. HCM.

Trần Thị Kim Chi, sinh năm 1974 tại Nam Định, thường trú số 126 Cầu Đất, phường Cầu Đất, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng. Nghề nghiệp: Giám đốc Chi nhánh Hải Phòng - Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank).

Lê Vương Hoàng, sinh năm 1981 tại Thái Bình, thường trú tại Số 9/103 Hai Bà Trưng, phường An Biên, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng, là Kiểm soát viên Chi nhánh Oceanbank Hải Phòng.

Nguyễn Thị Minh Huệ, sinh năm 1982 tại Thái Bình, thường trú tại Số 1I Minh Khai, phường Minh Khai, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng, là Trưởng phòng kế toán kho quỹ Chi nhánh Oceanbank Hải Phòng.

Trước đó, sau khi phát hiện các đối tượng bỏ trốn, ngày 13/9, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã ra quyết định truy nã đối với 3 bị can, với tội danh bị khởi tố “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 139 Bộ Luật hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo cơ quan điều tra, các bị can trên bị khởi tố liên quan đến vi phạm tại OceanBank chi nhánh Hải Phòng về nghiệp vụ huy động tiền gửi tiết kiệm. Có khoảng 20 khách hàng có sổ tiết kiệm gặp sự cố không có trên hệ thống kiểm soát của OceanBank, với số tiền hơn 400 tỷ đồng.

Cụ thể, từ cuối tháng 8 và đầu tháng 9, các khách hàng của OceanBank chi nhánh Hải Phòng đến chi nhánh để rút tiền trong sổ tiết kiệm nhưng nhận được câu trả lời là sổ tiết kiệm không có trong hệ thống. Nhiều khách hàng có khoản tiền rất lớn, tổng cộng hơn 24 khách hàng có số dư tới 400 tỷ đồng. Sau đó các khách hàng này đã có đơn kêu cứu khẩn cấp gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng, đề nghị giải quyết, trả lại số tiền mà họ đã gửi tiết kiệm tại ngân hàng Đại Dương.

Trong số 24 khách hàng, người gửi lâu nhất là từ năm 2012, người gửi mới nhất là năm 2016. 

17 khách hàng đã có đơn kêu cứu gửi cơ quan chức năng đề nghị xử lý vụ việc.

Đến nay, đã có tới 4 buổi đối thoại giữa Ngân hàng OceanBank với các khách hàng nhưngướng giải quyết vụ việc vẫn đang bế tắc, khi các bên liên quan không có phương án giải quyết được đồng thuận.

Khách hàng thì một mực nói đúng và không chờ kết luận điều tra, trong khi phía ngân hàng lại nói rằng họ phát hiện một số có dấu hiệu làm giả, và mọi việc đang chờ cơ quan điều tra vào cuộc, nếu lỗi thuộc về ngân hàng thì họ sẽ chịu trách nhiệm.

Vụ án đang được làm rõ.