Chấm dứt “mơ hồ chiến lược”
Lời kêu gọi được đưa ra bởi cựu Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Elbridge Colby. Vị cựu quan chức cũng kêu gọi Washington chấm dứt chính sách “mơ hồ chiến lược” về vấn đề Đài Loan, trong cuốn sách mới ra mắt của ông, có tên “The Strategy of Denial” (Chiến lược chống xâm nhập).
Nhiều nhà quan sát địa chính trị tin rằng Đài Loan sẽ trở thành tâm điểm của bất kỳ cuộc xung đột nào nếu như có một cuộc chiến tranh trong thế kỷ này, khi mà thế đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc đang lan tới nhiều khu vực hơn bao giờ hết.
Đối với ông Colby, một quan chức dưới thời chính quyền Donald Trump, viễn cảnh một cuộc chiến lớn giữa hai nước ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Và để chuẩn bị cho tình huống đó, ông vạch ra chiến lược “phòng thủ chống xâm nhập” mà ông cho rằng Mỹ nên áp dụng.
Ông Elbridge Colby (Ảnh: US Army) |
Ông Colby chính là nhân vật chủ yếu hình thành nên chiến lược quốc phòng quốc gia Mỹ 2018 dưới thời chính quyền Trump, từ đó dịch chuyển quan ngại của Mỹ từ chủ nghĩa khủng bố sang cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường và nêu đích danh Trung Quốc là “nước cạnh tranh chiến lược” với Mỹ.
Theo quan điểm của ông Colby, Trung Quốc đang tìm cách nắm bá quyền trong khu vực và sẽ làm như vậy nếu như Mỹ không tích cực ngăn chặn. “Chiến lược tốt nhất” mà Trung Quốc nắm trong tay là bắt giữ một đồng minh yếu của Mỹ, mà ông nhận diện là Đài Loan.
Việc tái thống nhất Đài Loan là một mục tiêu mà Trung Quốc nêu rất rõ, và Chủ tịch Tập Cận Bình từng tuyên bố sẽ lấy lại hòn đảo này bằng mọi giá, dù có phải sử dụng vũ lực. Trong suốt nhiều thập kỷ, Washington vẫn theo đuổi chính sách “mơ hồ chiến lược”, tức không nói rõ họ có bảo vệ hòn đảo này trong trường hợp bị đại lục tấn công hay không.
Nhưng trong tháng 10 vừa qua, một tháng sau khi cuốn sách của ông Colby được xuất bản, Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như đưa ra tín hiệu phá vỡ chính sách đó khi trả lời “Có” khi được hỏi rằng Mỹ có bảo vệ Đài Loan hay không. Nhà Trắng sau đó phải lên tiếng khẳng định rằng chính sách mơ hồ chiến lược không thay đổi.
Trong hội nghị thượng đỉnh trực tuyến tổ chức vào tháng 11, Chủ tịch Tập cảnh báo Tổng thống Biden không khuyến khích độc lập Đài Loan, gọi đây là hành động “cực kỳ nguy hiểm, như đùa với lửa”. Mặc dù cả hai nhà lãnh đạo đều nói họ muốn tránh xung đột, nhưng còn nhiều câu hỏi liên quan tới khả năng xung đột Đài Loan vẫn chưa được giải quyết.
Được 7 nước giúp sức, dự án tàu ngầm của Đài Loan có thể hoàn thiện sớm hơn dự định
“Chiến tranh giới hạn” với Trung Quốc
Theo quan điểm của ông Colby, Mỹ và các đồng minh cần phải chuẩn bị trước cho một cuộc xung đột vũ trang. Vốn là một chính trị gia “diều hâu” trong số các đảng viên Cộng hòa, ông cho rằng một “cuộc chiến tranh giới hạn” gây ít ảnh hưởng nhất cho khu vực chính là giải pháp.
“Chiến lược quân sự tốt nhất của Mỹ chính là phòng thủ chống xâm nhập, hoặc một chiến lược ngăn chặn khả năng sử dụng quân lực của Trung Quốc, không cho họ đạt được các mục tiêu chính trị”, ông viết. Theo Colby, các mục tiêu của Bắc Kinh bao gồm đạt được bá quyền ở khu vực có tầm quan trọng nhất thế giới – châu Á.
“Một chiến lược phòng thủ như vậy cần phải chuẩn bị cho Mỹ và các đồng minh, đối tác chiến đấu và đạt được mục tiêu của họ trong một cuộc chiến giới hạn với Trung Quốc”, ông viết thêm.
Colby cũng kêu gọi thành lập “liên minh chống bá quyền” bao gồm các đồng minh và đối tác như Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Philippines, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Đài Loan. Theo ông, một đòn tấn công của Trung Quốc với Đài Loan sẽ khiến liên minh này phản ứng bằng một “cuộc chiến giới hạn”, mà trong đó cả hai phe đều không muốn leo thang căng thẳng.
Vị cựu quan chức muốn Mỹ giảm các cam kết quân sự ở cả châu Âu lẫn Trung Đông, kêu gọi sự hỗ trợ quân sự lớn hơn từ phía Nhật Bản và Anh. Ông nói rằng đây là lúc để từ bỏ chính sách “mơ hồ chiến lược” liên quan tới Đài Loan.
Ông Colby đặt lời kết cho cuốn sách của mình bằng một đoạn viết rằng ông “rất tôn trọng” Trung Quốc và rằng Mỹ sẽ không thách thức cách điều hành đất nước, tư tưởng hệ của Trung Quốc hay cố gắng thống trị họ - miễn là Bắc Kinh không trở thành bá chủ của khu vực.
Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo Trung Quốc và gọi Đài Loan là “quốc gia”, Trung Quốc tức giận…
Chiến lược này có khả thi?
Zhao Tong – chuyên gia đến từ Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh – cho rằng Trung Quốc có thể coi chiến lược mà ông Colby đưa ra là phòng thủ - nó sẽ gây ra những đánh giá sai lầm ở cả hai phía và làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc chiến phủ đầu.
“Tôi e rằng chiến lược này là kết quả của sự hiểu sai về chính sách của Trung Quốc, và cũng có thể khiến phía Trung Quốc hiểu sai” – ông Zhao nói – “Nếu Washington áp dụng chiến lược mà ông Colby đề xuất, như tăng cường hệ thống đồng minh trong khu vực, và rõ ràng hơn trong việc bảo vệ Đài Loan, tất cả những điều này sẽ được hiểu là đòn công kích trực tiếp nhằm vào Trung Quốc.”
Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế thì sẽ thấy một phần nào đó trong chiến lược của ông Colby đang trở thành hiện thực.
Mỹ hiện đang tăng cường các mối quan hệ với các nước đồng minh và hình thành nên hoặc vực lại các khối đồng minh trong khu vực – như hiệp định an ninh AUKUS với Australia và Anh, Bộ Tứ Kim cương với Ấn Độ, Nhật Bản và Australia.
Nhưng đề xuất của ông Colby về việc kéo thêm các nước khác vào một liên minh quân sự là khó xảy ra, bởi Bắc Kinh vừa nâng cấp quan hệ với ASEAN thành “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” vào tháng trước. Seoul và Bắc Kinh cũng thường xuyên đối thoại để thúc đẩy tuyên bố chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên.
Theo SCMP