Cụ thể, lúc 10h 25' sáng 31/12/2019, tại TP.HCM, Tòa sơ thẩm tuyên phạt ông Nguyễn Hữu Tín (62 tuổi, cựu Phó chủ tịch UBND TP HCM phụ trách đất đai, môi trường giai đoạn 2011-2016) án tù giam 7 năm.
Bị cáo Đào Anh Kiệt (62 tuổi, nguyên Giám đốc Sở tài nguyên - Môi trường) bị phạt 6 năm 6 tháng tù giam.
Bị cáo Trương Văn Út ( nguyên Phó Phòng quản lý đất đai) bị phạt 5 năm tù giam.
Bị cáo Lê Văn Thanh (nguyên Chánh Văn phòng UBND TP.HCM) bị phạt 4 năm tù giam.
Nguyễn Thanh Chương (Trưởng Phòng đô thị UBND TP HCM) bị tuyên phạt 3 năm tù giam.
Hội đồng xét xử nhận định 5 bị cáo có hành vi sai phạm khi giao nhà đất 15 Thi Sách (Q.1) cho Công ty CPXD Bắc Nam (do bị án Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm” làm Chủ tịch HĐQT), gây thiệt hại hơn 6,7 tỉ đồng tiền khấu trừ, hỗ trợ trái pháp luật cho công ty của Vũ “nhôm” và hơn 802 tỉ đồng giá trị quyền sử dụng đất chưa thu hồi được (tính đến thời điểm khởi tố vụ án ngày 17.9.2018).
Các bị cáo bị dẫn giải rời tòa án nhân dân TP.HCM về trại giam sau khi lĩnh án tù tại phiên sơ thẩm. Ảnh: GVT.
|
Từ năm 2014 đến 2016, Bộ Công an do Thứ trưởng Bùi Việt Tân ký các công văn đề nghị UBND TP HCM, Bộ Văn hóa Thể thao - Du lịch "tạo điều kiện" cho Công ty Bắc Nam 79 do Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "Nhôm") làm Chủ tịch HĐQT (công ty bình phong) được thuê nhà đất 15 Thi Sách phục vụ mục đích an ninh quốc phòng.
Ông Nguyễn Hữu Tín bị xác định không báo cho Trưởng ban chỉ đạo 09 và Sở Tài chính tham mưu mà bút phê cho Lê Văn Thanh (Chánh Văn phòng UBND TP HCM) giao Sở Tài nguyên - Môi trường hướng dẫn thủ tục.
“Âm mưu từ đầu”
Trước đó, trong phần tranh luận tại tòa, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố không ngần ngại khẳng định việc bán nhà, đất số 15 Thi Sách là “một âm mưu ngay từ đầu”, chứ không hẳn là giúp đỡ công ty Bắc Nam 79 của Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) có địa điểm làm cơ sở nghiệp vụ “bình phong” của Bộ Công an như các bị cáo tự bào chữa.
Dẫn diễn trình hồ sơ vụ án, từ quyết định 927 do bị cáo Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) ký giao nhà, đất, miễn 6,7 tỷ tiền nhà; tới công văn 48 do bị cáo Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM) ký, thậm chí cả dự thảo công văn 48…, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định quan điểm các bị cáo trong vụ án này đã vượt quyền Thủ tướng, tự ý ký bán công sản của nhà nước cho công ty của Vũ “nhôm”.
“4/5 bị cáo đã thành khẩn nhận tội. Như bị cáo Nguyễn Hữu Tín đã chủ động khắc phục hậu quả 1,5 tỷ. Riêng bị cáo Đào Anh Kiệt trong 2 ngày xét xử đầu tiên khẳng định mình không sai. Tới phiên tranh tụng này bị cáo Kiệt có thay đổi quan điểm lời khai là vì mục đích An ninh quốc phòng. Đó là quyền của bị cáo. Bị cáo vẫn còn cơ hội trong lời nói cuối cùng”, đại diện VKS khẳng định.
Chứng minh về việc bị xâm hại, VKS lặp đi lặp lại việc “rõ như ban ngày” khi các bị cáo giao nhà, đất công sản số 15 Thi Sách cho Vũ “nhôm” là đã gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước, cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khu đất 15 Thi Sách (Q.1, TPHCM) hiện đã được xây thành tòa nhà cao tầng, bán cho khách hàng thu 1.003 tỷ đồng nhưng nhiều năm chưa bàn giao cho khách. Cáo trạng kết luận Nhà nước thiệt hại hơn 808,7 tỷ do việc bán đất, nhà công sản trái phép này. Ảnh: GVT.
|
Với biện giải với mục đích An ninh quốc phòng, giúp đỡ công ty “bình phong” của Vũ “nhôm” của các bị cáo, đại diện VKS khẳng định theo quy định của pháp luật, phải báo cáo Thủ tướng và trình Ban chỉ đạo (BCĐ) 09 của UBND TP.HCM.
Tuy nhiên, các bị cáo trong vụ án này chẳng những không trình BCĐ 09, còn không báo cáo cả Thủ tướng Chính phủ, tự ý ký quyết định, gây thiệt hại lớn. “Hỗ trợ công ty bình phong không có nghĩa thích cho ai là cho”, dù chưa có các hướng dẫn chi tiết như luật sư Huyền Trang đã nêu ra, được VKS ghi nhận.
Khẳng định “đây chỉ là vụ án một nửa”, đại diện VKS cho biết một nửa của vụ án đã được giải quyết tại Hà Nội, với bản án 3 năm tuyên phạt nguyên Thứ trưởng Bộ Công an Trần Việt Tân và 15 năm tù giam đối với Phan Văn Anh Vũ. Vì vậy, việc đưa vụ án này ra xét xử tại TP.HCM để “không để lọt bất kỳ ai” vi phạm pháp luật.
Theo quy định của pháp luật “gây thiệt hại tài sản Nhà nước trên 1 tỷ đồng, khung hình phạt là 10-20 năm tù giam”, vị đại diện VKS cho hay phía cơ quan công tố đã xem xét rất kỹ các tình tiết tăng, giảm, vai trò của các bị cáo trong vụ án nên mới đề nghị mức án phạt “dưới khung” đối với các bị cáo Nguyễn Hữu Tín (7-8 năm tù), Đào Anh Kiệt (7-8 năm tù).
Riêng việc miễn tiền nhà công sản của các bị cáo trong vụ án, “đã gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước 6,7 tỷ đồng, gấp 6 lần khung hình phạt”.
Ngoài ra, việc Vũ nhôm bán căn hộ cho hơn 100 khách hàng, thu về 1.003 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước 802 tỷ đồng, phía VKS nhận định “đây chỉ mới là thiệt hại tương đối. Cả trăm khách hàng mua nhà suốt mấy năm nay chưa nhận được nhà, dù tiền đã nộp. Sắp tới UBND TP còn phải tiếp tục xử lý hậu quả này”. Thiệt hại đó chưa thể định lượng được chính xác.
Khẳng định, nhà thuộc sở hữu Nhà nước khi xử lý phải tuân thủ theo Nghị định 09, muốn chuyển đổi mục đích thành thương mại – dịch vụ phải mang ra đấu giá. Còn việc thuê đất phải tuân thủ theo luật Đất đai, vị đại diện VKS dẫn trường hợp “một chuyên viên rất nhỏ, không giữ chức vụ gì lớn ở UBND TP như bà Nguyễn Lan Châu đã tham mưu đúng, thậm chí tham mưu 2 lần, ngăn cản khi đề nghị phải mang ra đấu giá, nhưng các bị cáo vẫn tiến hành”.
Bị cáo Đào Anh Kiệt tại tòa. Ảnh: GVT.
|
Đây là vụ án, như đại diện VKS khẳng định, là điển hình cảnh tỉnh, hồi chuông cảnh báo các công chức, viên chức phải thượng tôn pháp luật trong khi thực thi công việc.
Dẫn trường hợp công văn 48 do bị cáo Đào Anh Kiệt ký việc giao nhà, đất 15 Thi Sách cho Vũ “nhôm”, đại diện VKS đề nghị Hội đồng xét xử xem xét hành vi Cố ý làm trái khi “các bị cáo biết rõ là làm sai, nhưng vẫn tiến hành”.
Cụ thể, công văn số 48 do bị cáo Kiệt ký, đại diện VKS cho rằng bị cáo Kiệt vẫn viện dẫn đây là đất xem xét để chuyển sang thương mại – dịch vụ. Tuy nhiên, tại phần đề xuất trong công văn 48, bị cáo Kiệt vẫn đề nghị làm việc với Sở Tài chính để có phương án hỗ trợ bồi thường; liên hệ với Sở TN&MT để hoàn thành nghĩa vụ đất đai. Thậm chí, trong dự thảo công văn 48 cũng thể hiện rõ ý chí.
Đến khi có quyết định 927 “thể hiện rõ nội dung này. Ở đây có dấu hiệu Cố ý, biết sai vẫn làm”, đại diện VKS nhấn mạnh.
Giành hơn 1 giờ đồng hồ tranh luận, đại diện VKS khẳng định, nếu cần “nhanh” để giúp đỡ công ty bình phong của Bộ Công an là Bắc Nam 79, các bị cáo chỉ cần tuân thủ quy định báo cáo Thủ tướng Chính phủ, thì “theo quy định của TP.HCM là 15 ngày, nhưng nếu báo cáo Chính phủ thì có thể chỉ mất 5-7 ngày, hoặc 10 ngày”, càng nhanh hơn.
Không giấu diếm bản thân đã tham gia xử lý đến 7 vụ án nhà và đất công sản, vị đại diện VKS bộc lộ “chúng tôi đã đọc nát tất cả các điều luật, nghị định, quy định”, nên chốt lại phần tranh luận với các bị cáo và luật sư bào chữa: “15 Thi Sách là vị trí đắc địa. Nếu các bị cáo trình Thủ tướng là lộ âm mưu ngay”.
Ngay sau khi nghe xong tranh luận của đại diện cơ quan công tố, bị cáo Nguyễn Hữu Tín ngồi ủ rũ, còn bị cáo Đào Anh Kiệt không còn khoanh tay trước ngực nữa, mà cúi đầu trên hàng ghế bị cáo, trước tòa.
Sau phiên xét xử sơ thẩm, các bị cáo có 15 ngày để kháng cáo./.