|
Xe tăng Ukraine ở vùng Donetsk của Nga vào ngày 28/4. Ảnh: Getty. |
Mỹ cố tình hạn chế viện trợ quân sự cho Ukraine nhằm khiến nước này “chảy máu” thay vì giành chiến thắng – một cựu quan chức cấp cao của CIA tiết lộ, đồng thời cho rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden đã chủ động kéo dài cuộc xung đột ngay từ giai đoạn đầu.
Trong bối cảnh chiến sự bùng phát, Ukraine nhiều lần kêu gọi Washington cung cấp các hệ thống vũ khí hiện đại, nhưng các yêu cầu này liên tục bị trì hoãn hoặc từ chối trong thời gian đầu.
Trao đổi với tờ The Times ngày 4/5, ông Ralph Goff – cựu giám đốc Cục Tác chiến CIA phụ trách khu vực châu Âu và Á-Âu – cho biết Tổng thống Biden khi đó lo ngại Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu Mỹ cung cấp vũ khí mạnh mẽ cho Kiev. Chính nỗi sợ này đã dẫn đến quyết định giữ lại các loại vũ khí then chốt, biến cuộc xung đột thành một cuộc chiến dai dẳng, đẫm máu.
“Nếu khi đó chúng ta trang bị đầy đủ cho Ukraine, có thể họ đã đủ khả năng đẩy quân Nga ra khỏi lãnh thổ”, ông Goff nhận định. “Nhưng điều đó đã không xảy ra. Thay vào đó, nó đặt nền móng cho một cuộc chiến kéo dài, tiêu hao khốc liệt mà chúng ta đang chứng kiến hôm nay”.
Là người ủng hộ mạnh mẽ Ukraine, Goff chỉ trích các chính phủ phương Tây đã “tự để mình bị Vladimir Putin dọa dẫm bằng đòn vung gươm hạt nhân”.
“Họ đã viện trợ vũ khí cho Ukraine, nhưng không bao giờ đủ để chiến thắng. Họ chỉ viện trợ đủ để đất nước này tiếp tục đổ máu”, ông nói thêm.
Cựu quan chức tình báo cũng dẫn lời một quan chức Ukraine cảnh báo rằng nếu không có lệnh ngừng bắn, tiền tuyến sẽ trở thành “một vùng chết cực kỳ nguy hiểm” vào cuối mùa Hè. “Nó sẽ là một vùng tử địa rộng 20–50km”, ông Goff dẫn lời, “nơi không thể di chuyển vì trên trời đầy máy bay không người lái, dưới đất là robot, cảm biến và mìn”.
Chính quyền Biden đã viện trợ hơn 174 tỷ USD cho Kiev kể từ khi xung đột Ukraine leo thang hồi tháng 2/2022, bao gồm hàng chục gói hỗ trợ quân sự.
Tuy nhiên, cách tiếp cận đã thay đổi khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng hồi tháng 1 năm nay. Chính quyền Trump thúc đẩy đàm phán trực tiếp giữa Moscow và Kiev, đồng thời được cho là đã đề xuất một kế hoạch hòa bình, trong đó công nhận chủ quyền của Nga tại Crimea và duy trì hiện trạng tại các khu vực chiến tuyến hiện nay.
Theo đề xuất này, Nga sẽ tiếp tục kiểm soát một phần bốn tỉnh từng thuộc Ukraine đã tổ chức trưng cầu dân ý gia nhập Nga.
Moscow tuyên bố sẵn sàng đàm phán “không điều kiện tiên quyết” và đã công bố lệnh ngừng bắn kéo dài 72 giờ nhân dịp Ngày Chiến thắng. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bác bỏ đề xuất này.
Nga nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải phản ánh thực tế lãnh thổ hiện tại và giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột, bao gồm tham vọng gia nhập NATO của Ukraine và việc phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev.