Ông Darroch còn cho rằng việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran là "sự phá hoại về mặt ngoại giao". Biên bản ghi nhớ bị lộ mới đây từng được ông Darroch gửi cho cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson trong tháng 5/2018, sau khi ông Johnson có chuyến thăm Washington nhằm thuyết phục Nhà Trắng không rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (thỏa thuận hạt nhân Iran - JCPOA).
Nỗ lực phút chót của ông Johnson lúc đó cuối cùng bất thành và ông Darroch đã viết cho ông Johnson rằng ông Trump đang có "hành động hủy hoại ngoại giao". Ông Darroch còn nói rằng ông Trump thù hằn người tiền nhiệm Barack Obama, và "các vấn đề cá nhân" chính là động lực chính đằng sau việc ông rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân mà người tiền nhiệm ký kết.
"Việc Mỹ và Anh bất đồng trong hướng tiếp cận với vấn đề hạt nhân Iran vốn không có gì mới, nhưng sự việc cho thấy chúng tôi không ngại thảo luận về sự khác biệt là hợp tác với nhau" - một phát ngôn viên của Văn phòng Ngoại giao Anh nói với CNN về vụ rò rỉ thông tin ngoại giao - "Như trong tình hình căng thẳng ở vùng Vịnh hiện nay, chúng tôi luôn tích cực liên lạc với các đồng minh Mỹ và châu Âu để giảm thang tình hình".
Ông Darroch đã tuyên bố từ chức Đại sứ tại Mỹ hồi tuần trước sau khi tờ Daily Mail của Anh công bố các thông tin ngoại giao bị rỏ rỉ. Trong các biên bản ghi nhớ mà ông Darroch gửi cho Chính phủ Anh, vị quan chức này gọi chính quyền Trump là "không đủ khả năng", "kém cỏi" và "không đảm bảo". Ông cho rằng giới lãnh đạo Anh không nên kỳ vọng chính quyền Trump "bình thường hơn, bớt loạn hơn, bớt khó đoán hơn, bớt phe phái hơn, và bớt kém cỏi hơn".
Tổng thống Trump sau đó tung đòn trả đũa ông Darroch, gọi ông này là "gã ngốc" và tuyên bố rằng chính quyền của ông sẽ không làm việc với ông. Ông Trump còn chỉ trích luôn cả Thủ tướng Anh Theresa May, bất chấp cái gọi là "mối quan hệ đặc biệt" giữa London và Washington. Kết quả là ông Darroch phải từ chức, nói rằng ông không thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình một cách hiệu quả nữa.
JCPOA được ký dưới thời chính quyền Obama, cùng Chính phủ các nước Anh, Pháp, Đức, Liên minh châu Âu, Nga, Trung Quốc và Iran trong năm 2015. Theo thỏa thuận này, Iran được gỡ bỏ các lệnh trừng phạt cùng lợi ích kinh tế để đổi lại việc nước này hạn chế khả năng hạt nhân. Trong lúc Iran được xác nhận là tuân thủ thỏa thuận này và các cơ quan tình báo Mỹ cũng đánh giá tương tự; ông Trump bất ngờ rút Mỹ khỏi thỏa thuận hồi tháng 5 năm ngoái và áp đặt lại các đòn cấm vận hà khắc với Tehran.
Giới lãnh đạo Anh, cũng như các bên ký kết còn lại, đã chỉ trích kịch liệt quyết định của ông Trump và đang nỗ lực cứu vãn thỏa thuận này mà không có Mỹ. Nhưng căng thẳng giữa Washington và Tehran kể từ đó ngày một tăng nhiệt, và trong tháng trước, Iran bắt đầu ngừng tuân thủ một số điều khoản của thỏa thuận. Về phần mình, Mỹ triển khai thêm lực lượng tới Trung Đông.
Theo Newsweek