Phúc thẩm vụ án chạy thận Hòa Bình:

Cựu bác sĩ Hoàng Công Lương và nguyên Giám đốc Trương Quý Dương đều bị tuyên 30 tháng tù

VietTimes -- HĐXX thống nhất, bản án phúc thẩm giữ nguyên tội danh “Vô ý làm chết người” đối với Hoàng Công Lương và tuyên phạt cựu bác sĩ 30 tháng tù, giảm 12 tháng tù so với bản án sơ thẩm. Cựu Giám đốc Bệnh viện - Trương Quý Dương - không được giảm án và vẫn phải chịu mức án 30 tháng tù.
Hoàng Công Lương tới hầu tòa sáng 19/6
Hoàng Công Lương tới hầu tòa sáng 19/6

Sau thời gian nghị án, sáng nay, 19/6, Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình tuyên án phúc thẩm cho 5 bị cáo của vụ án chạy thận làm 9 người chết tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình gồm: Hoàng Công Lương – cựu bác sĩ tại Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện, Trương Quý Dương – cựu Giám đốc Bệnh viện, Hoàng Đình Khiếu – cựu Phó Giám đốc Bệnh viện, Trần Văn Thắng – cựu Trưởng phòng vật tư, Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn.

Thẩm phán chủ tọa phiên tòa cũng cho biết, mức án dành cho Hoàng Công Lương được quyết định dựa trên việc chấp nhận một phần đơn kháng cáo của Hoàng Công Lương, những tình tiết mới được luật sư đưa ra nhằm giảm nhẹ hình phạt cho Lương, đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho cựu bác sĩ của các gia đình bị hại.

Một số tình tiết mới được cấp phúc thẩm chấp nhận, như ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả cho nạn nhân, có con nhỏ bị bệnh tim, bản thân bị bệnh trầm cảm, đại diện của người bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Trước đó, HĐXX sơ thẩm đã tuyên phạt Hoàng Công Lương 42 tháng tù. Nhưng cựu bác sĩ đã kháng cáo, xin xem xét lại tội danh và xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và xin hưởng án treo.

Các bị cáo Trần Văn Thắng, Trương Quý Dương, Hoàng Đình Khiếu cũng cùng chịu mức án 30 tháng tù với tội danh "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Theo HĐXX, bị cáo Trương Quý Dương là người đứng đầu Bệnh viện, nhưng đã không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao, buông lỏng công tác quản lý, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra đối với cấp dưới để cấp dưới có những vi phạm nghiêm trọng trong một thời gian dài.

Ông Dương là người đã ký quyết định thành lập đơn nguyên thận nhân tạo cũng như ký các hợp đồng liên kết máy chạy thận, sửa chữa hệ thống, nhưng lại không bố trí kỹ sư, kỹ thuật viên và buông lỏng công tác quản lý trong thời gian dài.

Đặc biệt, mặc dù ông Dương biết Công ty Thiên Sơn không lấy mẫu nước để xét nghiệm sau khi sửa chữa, nhưng vẫn ký thanh lý hợp đồng. 

Vì vậy, HĐXX cho rằng không có cơ sở xét kháng cáo nên Trương Quý Dương vẫn phải chịu mức án 30 tháng tù như Tòa sơ thẩm đã tuyên.

Riêng bị cáo Đỗ Anh Tuấn bị phạt 24 tháng tù, được hưởng án treo, chịu thời gian thử thách tại địa phương là 48 tháng.

Như vậy, các bị cáo đều được giảm thời gian phạt tù.

Theo đại diện HĐXX Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình, do vụ án chạy thận gây hậu quả nghiêm trọng làm 8 người chết, 10 người bị ảnh hưởng sức khỏe, bên cạnh đó được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, nên cần đảm bảo tính nghiêm minh trong xét xử.

Sau khi phiên phúc thẩm kết thúc, bản án dành cho các bị cáo sẽ có hiêu lực pháp luật ngay.

Khi phiên tòa kết thúc, trả lời phóng viên báo chí, bị cáo Đỗ Anh Tuấn cho biết không đồng tình với bản án phúc thẩm và sẽ tiếp tục kháng cáo.