Theo lý giải của Lầu Năm Góc, kế hoạch điều quân như vậy là liên quan đến mối lo ngại của các nước Đông Âu trong NATO trước mối đe dọa từ phía Nga. Một đại biểu của đảng cánh tả Đức là nghị sĩ Alexander Noah cho rằng trong lời giải thích này bộc lộ chỗ hổng "không kết nối".
"Nếu mối đe dọa thực sự là to lớn như Mỹ tuyên bố, thì lẽ ra việc triển khai quân đội cần phải xúc tiến nhanh chóng hơn nhiều. Chỗ hổng không ăn nhập này cho thấy việc không phải là mối đe dọa từ Nga, mà là cái cớ do người Mỹ cố ý thổi phồng ngụy tạo", ông Alexander Noah tuyên bố trên Sputnik.
"Tôi không nhận thấy cái gọi là "cuộc xâm lăng của Nga" ở đâu. Dĩ nhiên, Crimea vẫn là vấn đề tranh cãi, mà từ góc độ pháp lý quốc tế đang có đánh giá theo những cách khác nhau. Cá nhân tôi cũng có đánh giá của riêng mình, đặc biệt là trong bối cảnh phương Tây xóa bỏ Nam Tư rồi công nhận các nước Cộng hòa thuộc Nam Tư cũ và khu vực Kosovo là những quốc gia độc lập. Vì vậy, không thể áp dụng logic khác cho Crimea.
Về chuyện miền đông Ukraine thì cần lưu ý rằng cuộc đảo chính ở Kiev xảy ra không do sự kích động từ Nga mà là từ phương Tây, bởi Chính phủ hợp pháp của ông Yanukovych không muốn ký thỏa thuận liên kết. Do đó, tôi không thấy các nước Baltic, Ba Lan, Romania, Bulgaria vì sao đó lại hóa ra đang chịu áp chế hay là nằm trong vòng nguy cơ đe dọa của Nga. Mối đe dọa này là không có thật", nghị sĩ Alexander Noah khẳng định.
Nghị sĩ Đức cho rằng mục tiêu của Mỹ không phải là để bảo vệ Đông Âu, mà thực chất chỉ là nhằm bảo tồn áp lực đối với Nga.
Kể từ tháng 2/2017, một lữ đoàn thiết giáp sẽ được Mỹ triển khai thường trực ở Đông Âu. Sự kiện được Lầu Năm Góc tiết lộ ngày 30/03/2016 được xem là một dấu hiệu răn đe mạnh, nhằm ngăn ngừa mọi mưu toan tấn công của Nga, sau khi lực lượng dân quân thân Nga chiếm đóng một phần lãnh thổ Ukraine. Đây sẽ là một biểu tượng quan trọng, vì như vậy, chiến xa Mỹ sẽ hiện diện thường trực trở lại trên lãnh thổ châu Âu, sau khi đã được rút dần trong hai thập niên sau ngày khối Xô Viết sụp đổ.
Lầu Năm Góc và NATO đã gợi lên việc triển khai xoay vòng của các lữ đoàn thiết giáp, bao gồm 4.200 lính ở Đông Âu, nhưng không đưa ra lịch trình cụ thể. Việc triển khai này nằm trong một loạt các biện pháp đề ra từ năm 2014, để trấn an các đồng minh Đông Âu như mở các trung tâm hậu cần, đưa thiết bị, chiến đấu cơ đến các quốc gia Baltic hay triển khai thêm tàu ở biển Baltic và Hắc Hải.
Phía Nga đã thường xuyên lên tiếng cảnh cáo về sự hiện diện thường trực của lực lượng chiến đấu quan trọng các quốc gia trong NATO ở khu vực giáp giới Nga, bị Moscow cho là đi ngược lại với hiệp định căn bản quy định quan hệ Nga – NATO ký năm 1997. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc hôm 30/3 đã xác định rằng lữ đoàn thiết giáp Mỹ không «đóng quân thường trực», mà đó là các đơn vị đóng ngoài châu Âu luân phiên đến Đông Âu.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng nói rõ thêm là 6 quốc gia liên quan đến kế hoạch triển khai chiến xa này là Estonia, Látvia ; LitVa, cũng như Ba Lan, Rumani, Bulgari. Có điều là triển khai như thế nào thì chưa được thông báo. Quân đội Mỹ hiện đã có một đơn vị pháo binh Stryker đóng ở Vilseck (Đức), một lữ đoàn không vận ở Vicenza (Ý). Với đơn vị mới vừa được thông báo, quân đội Mỹ sẽ có khả năng có nguyên một sư đoàn sẵn sàng chiến đấu.
Ngay từ năm ngoái, quân đội Mỹ đã điều động đến châu Âu đầy đủ trang thiết bị của một lữ đoàn thiết giáp, tức là 250 chiến xa, xe bọc thép, súng đại bác.
Mục tiêu của Mỹ rõ ràng bằng cách lưu trữ tại chỗ các thiết bị có thể nhanh chóng được sử dụng trong trường hợp có xung đột, và có thể được các lực lượng Mỹ sử dụng khi đến tập trận ở châu Âu.
Theo Sputnik/AP