Ông Trump và ông Putin không dự hòa đàm Nga-Ukraine: Kỳ vọng đột phá giảm sâu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tổng thống Trump và Putin sẽ không tham dự hòa đàm Ukraine–Nga tại Istanbul ngày 15/5, khiến kỳ vọng đột phá trong xung đột giảm mạnh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump đi dạo trong hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 tại Osaka, Nhật Bản ngày 28/6/2019. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump đi dạo trong hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 tại Osaka, Nhật Bản ngày 28/6/2019. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đều cho biết sẽ không tham dự cuộc hòa đàm trực tiếp đầu tiên giữa Moscow và Kiev trong năm qua, dự kiến tổ chức vào ngày 15/5 giờ địa phương. Thay vào đó, Điện Kremlin sẽ cử một nhóm các quan chức dày dạn kinh nghiệm.

Hôm Chủ nhật tuần trước, ông Putin đã đề xuất đàm phán trực tiếp với Ukraine tại Istanbul vào thứ Năm, "không kèm bất kỳ điều kiện tiên quyết nào". Tuy nhiên, đến cuối ngày 14/5, Điện Kremlin công bố phái đoàn sẽ gồm cố vấn Tổng thống Vladimir Medinsky và Thứ trưởng Quốc phòng Alexander Fomin – nhưng không có tên ông Putin trong danh sách.

Sau thông báo từ phía Nga, một quan chức Mỹ xác nhận rằng ông Trump, hiện đang có chuyến công du ba nước Trung Đông, sẽ không tham dự. Trước đó, Tổng thống Mỹ từng nói đang cân nhắc khả năng góp mặt.

Dù ông Putin chưa từng xác nhận sẽ đích thân tham gia, việc cả hai nhà lãnh đạo Nga–Mỹ đều vắng mặt khiến kỳ vọng về một đột phá lớn trong xung đột giảm sút đáng kể.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thách thức ông Putin tham gia đàm phán với thông điệp: “Nếu ông ta không sợ”, như một cách ngầm so sánh để cho thấy ai mới là người thực sự muốn hòa bình hơn, kể cả với ông Trump.

Vào cuối ngày thứ Tư, khi đang trên đường tới Thổ Nhĩ Kỳ, một quan chức Ukraine cho biết ông Zelensky sẽ chỉ tham gia đàm phán nếu ông Putin cũng có mặt.

Trong bài phát biểu video hằng đêm hôm thứ Tư, ông Zelensky nói rằng Ukraine sẽ đưa ra quyết định về bước đi tiếp theo cho hòa đàm tại Thổ Nhĩ Kỳ khi có sự rõ ràng về việc ông Putin có tham gia hay không.

“Câu trả lời cho tất cả câu hỏi về cuộc chiến này – vì sao nó bắt đầu, vì sao nó tiếp diễn – tất cả đều nằm ở Moscow”, ông nói. “Cuộc chiến này sẽ kết thúc ra sao là điều phụ thuộc vào cả thế giới”.

Ông Trump muốn hai bên đồng ý ngừng bắn 30 ngày để tạm dừng cuộc chiến trên bộ lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến II. Một nghị sĩ Nga hôm thứ Tư cho biết các cuộc đàm phán cũng có thể bao gồm trao đổi tù binh với quy mô lớn.

Ông Zelensky ủng hộ lệnh ngừng bắn ngay lập tức kéo dài 30 ngày, nhưng ông Putin cho rằng cần phải đàm phán trước để thống nhất các chi tiết của thỏa thuận ngừng bắn này.

Thêm các lệnh trừng phạt với Nga?

Ông Trump – người ngày càng tỏ ra bực bội với cả Nga và Ukraine khi cố gắng thúc đẩy một giải pháp hòa bình – cho biết ông “luôn cân nhắc” áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với Moscow nếu cảm thấy nước này đang cản trở tiến trình hòa đàm.

Các quan chức Mỹ đã đề cập đến các biện pháp trừng phạt tài chính cũng như khả năng trừng phạt thứ cấp đối với các bên mua dầu của Nga.

Phái đoàn Mỹ tới Thổ Nhĩ Kỳ lần này bao gồm Ngoại trưởng Marco Rubio và hai đặc phái viên cấp cao Steve Witkoff và Keith Kellogg.

Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha cho biết vào đầu ngày 15/5 rằng ông đã gặp ông Rubio để chia sẻ tầm nhìn hòa bình của ông Zelensky và “phối hợp lập trường trong tuần lễ mang tính bước ngoặt này”.

Hai đại diện của Nga là Medinsky và Fomin đều từng tham gia vòng đàm phán trực tiếp gần nhất giữa hai bên vào những tuần đầu của cuộc chiến.

Các cuộc đàm phán trực tiếp cuối cùng giữa các nhà đàm phán Nga và Ukraine diễn ra tại Istanbul vào tháng 3/2022 – chỉ một tháng sau khi Nga khởi động “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm loại bỏ các phần tử tân phát xít. Ukraine và các đồng minh gọi đó là cuộc tấn công vô cớ mang tính bành trướng lãnh thổ.

Trong khi quân Nga vẫn tiếp tục giành thêm lãnh thổ và hiện kiểm soát khoảng 1/5 diện tích Ukraine, ông Putin vẫn gần như không đưa ra bất kỳ nhượng bộ đáng kể nào. Trong đề xuất cuối tuần qua, ông nói rằng các cuộc đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hướng tới một nền hòa bình bền vững.

Ông đặc biệt nhắc lại các cuộc đàm phán năm 2022 và bản dự thảo thỏa thuận từng thất bại.

Theo bản dự thảo mà Reuters đăng tải, Ukraine sẽ đồng ý trở thành quốc gia trung lập vĩnh viễn, đổi lại là những đảm bảo an ninh từ năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc – gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ – cùng một số quốc gia khác như Belarus, Canada, Đức, Israel, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, các quan chức Kiev cho biết việc chấp nhận quy chế trung lập là “lằn ranh đỏ” mà họ sẽ không bao giờ vượt qua.