Cuộc thoát hiểm “nước sôi lửa bỏng” của ba bộ trưởng kinh tế

Ba bộ trưởng phụ trách ngân hàng gồm Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã nỗ lực như thế nào trong nhiệm kỳ có bức tranh kinh tế đầy tương phản?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao đổi với Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và Thống đốc Nguyễn Văn Bình

Nỗi niềm của Thống đốc

Một buổi sáng đầu tháng 9-2011, chỉ vài tuần sau khi Quốc hội khóa 13 phê chuẩn Chính phủ mới, một số tân bộ trưởng kinh tế được mời tham dự cuộc họp do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì ở Văn phòng Chính phủ. Cuộc họp đó nhằm nghe các chuyên gia đánh giá lại tình hình kinh tế vĩ mô đang lâm vào hỗn loạn với lạm phát như ngựa bất kham và lãi suất cao ngất ngưởng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình

Chuyên gia ngân hàng Lê Xuân Nghĩa, một trong những người thuyết trình chính, kể lại, ông tập trung nói về phương án ra đời Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng VAMC và kinh nghiệm quốc tế. Ông Nghĩa kể: “Sau khi tôi trình bày đề án xong, ông Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Tài chính đứng lên nhận ngay, bảo VAMC phải thuộc Bộ Tài chính. Song tôi cố gắng thuyết phục kinh nghiệm của Thụy Điển là thế này thế kia, rằng chúng ta không được dùng tiền ngân sách nên cần giao cho Ngân hàng Nhà nước. Đến cuối buổi họp, Thủ tướng quyết định giao cho Ngân hàng Nhà nước, thì ông Bình mới miễn cưỡng nhận”.

Thực ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình có nhiều lý do để do dự. Nguyên Thống đốc Cao Sỹ Kiêm kể lại: “Ông ấy do dự vì không có vốn, không có khuôn khổ pháp luật cho VAMC, mà bắt ông ấy làm thì ông ấy làm thế nào được”. Hơn nữa, lúc đó còn rất nhiều việc khác cấp bách không kém. Ông Kiêm nói: “Khi ông Bình bước vào nhiệm kỳ, tình hình hỗn loạn kinh khủng”.

Theo ông Kiêm, mọi việc bắt đầu từ trước đó rất lâu, khi các ngân hàng nông thôn được “bung ra” hoạt động ở thành thị. “Lúc đó có hơn 100 ngân hàng, nhiều trong số đó cho vay bừa bãi, quản lý lỏng lẻo nên gây ra tai họa”, ông nói. Song, tai họa đó trở thành “đại họa” - theo ông Kiêm - khi NHNN áp dụng lãi suất tự do. “Thế là các NHTM vào cuộc chạy đua lãi suất lên 23-25%, mở rộng tín dụng. Nhưng rồi, bất động sản bị đóng băng, tín dụng không có khả năng thu hồi, thành ra tất cả đều thành núi nợ. Làm sao mà đất nước này chịu đựng được”, ông Kiêm nhớ lại những gì xảy ra hồi năm 2010-2011.

Giai đoạn này, ông Nghĩa nhớ lại, lạm phát lên 20%, dự trữ chỉ còn vỏn vẹn 7 tỉ đô la Mỹ, lãi suất liên ngân hàng lên tới 35%, nợ xấu thực tế lên 17-20%. “Dân chúng hàng ngày đua nhau rút tiền từ ngân hàng này để gửi vào ngân hàng khác, hầu hết NHTM chạy đua lãi suất và khủng hoảng thanh khoản đã hiện hữu”.

Lúc đó, báo cáo FSAP của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế cho biết thêm tình hình đến cuối năm 2012: “chất lượng danh mục cho vay và mức vốn của một số ngân hàng rất đáng lo ngại, tỷ lệ nợ xấu (NPL) tăng lên 12%, làm giảm mạnh tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của một số ngân hàng”.

Sáng hôm sau, ông Nghĩa gặp Thủ tướng và được đề nghị “Các anh phải cân nhắc thêm xem xử lý ngân hàng trên nền tảng hiện đại các nước đã làm và có tham khảo kinh nghiệm trong nước 2000-2004”.

Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên, nhóm tư vấn của Thủ tướng từng đặt ra câu hỏi sau ba năm tái cơ cấu: “Liệu mục tiêu đặt ra có khó quá không vì làm toát mồ hôi mà vẫn chưa xoay chuyển. Trong tái cơ cấu một mình ngân hàng nhà nước có làm được không?”

Là người theo dõi tiến trình này lâu năm, nguyên Viện trưởng CIEM Lê Xuân Bá kết luận: “Nợ xấu, nợ công không còn là vấn đề kỹ thuật, chúng vượt lên các vấn đề kinh tế. Đó là hệ lụy của thể chế này”.

Rốt cuộc, những số liệu gần đây cho thấy băn khoăn của ông Thiên được giải đáp. Báo cáo trước Quốc hội ngày 20-10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên; thanh khoản và an toàn hệ thống được bảo đảm; chất lượng tín dụng từng bước được cải thiện”. Thủ tướng cho biết, đến tháng 9-2015, nợ xấu còn 2,9% (tháng 9-2012 là 17,43%); đã giảm 17 tổ chức tín dụng; mặt bằng lãi suất năm 2015 chỉ bằng 40% so với năm 2011; dư nợ tín dụng tăng 17%, cao nhất kể từ năm 2011; thị trường ngoại hối cơ bản ổn định...

Dù vậy, lãi suất cho vay hiện nay vẫn đang ở mức 10%, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung, vẫn là chi phí tài chính “quá lớn” đối với doanh nghiệp. “Lạm phát thấp mà lãi suất không thể giảm. Nghịch lý này nằm ở chỗ nào?” ông Cung đặt câu hỏi, rồi tự trả lời: “Nguyên nhân của nó có thể là nợ xấu và tài khóa. …Tài khóa thì vay mượn, phát hành trái phiếu tràn lan thế, hút hết nguồn lực của xã hội và không làm sao giúp giảm lãi suất ngân hàng được”.

Đau đầu Bộ trưởng Tài chính

Nhưng, huy động trái phiếu lại đang làm ông Đinh Tiến Dũng, người nhận trách nhiệm tay hòm chìa khóa quốc gia từ nửa sau nhiệm kỳ Chính phủ, đau đầu. Kết thúc năm 2013, năm mà ông nhận vị trí Bộ trưởng Tài chính hồi giữa năm sau khi người tiền nhiệm Vương Đình Huệ được thăng tiến làm Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, thu ngân sách nhà nước chỉ vượt 0,4% dự toán. Kết quả này là kém cỏi nhất trong bối cảnh thu NSNN luôn vượt dự toán hàng chục phần trăm dự toán trong nhiều năm trở lại đây, dẫn tới hệ lụy là bội chi lên tới 6,6% GDP từ mức 4,8% GDP được Quốc hội phê duyệt ban đầu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Đến năm nay là năm cuối nhiệm kỳ, khi nhu cầu chi tiêu được mở rộng, ông Dũng lại được yêu cầu huy động vay để đảo nợ, để đáp ứng nhu cầu vốn cho ngân sách nhà nước tới 436 ngàn tỉ đồng, một con số khổng lồ. Tuy nhiên, chín tháng đầu năm 2015, khối lượng phát hành TPCP (gồm cả trái phiếu nội tệ và ngoại tệ) mới đạt 127.473 tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch.

Điều trần trước Quốc hội gần đây, ông Dũng nói: “Theo ước tính, nếu không được phát hành đa dạng hóa các kỳ hạn TPCP thì dự kiến cả năm 2015 chỉ huy động được khoảng 160.000 tỉ đồng, hụt 90.000 tỉ đồng so với kế hoạch”.  Ông Dũng đang vận động Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu quốc tế trị giá 3 tỉ đô la Mỹ, và giảm kỳ hạn phát hành trái phiếu trong nước xuống dưới năm năm.

Thực ra, rất khó trách Bộ trưởng Tài chính khi không chỉ có mình ông tiêu tiền. Cơ chế chi tiêu ngân sách ở Việt Nam vẫn theo kiểu “thực đơn tôm hùm”, khi lãnh đạo các cấp đều được tiêu và không chịu trách nhiệm giải trình.

Bên cạnh đó, chính sách chi tiêu rộng mở đã vượt quá khả năng của ngân sách. Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tổng chi đầu tư phát triển nguồn NSNN giai đoạn 2011-2015 bằng khoảng 18,1% so với tổng chi NSNN, giảm mạnh so với 25% trong tổng chi NSNN giai đoạn 2006-2010. Điều này cho thấy phần rất lớn còn lại dùng để chi thường xuyên, chi trả nợ để nuôi bộ máy nhà nước ngày càng phình to.

Ông Cung nói rằng: “Có hai nguyên tắc vàng trong tài khóa chúng ta đang phạm phải. Tốc độ tăng chi nhanh hơn so với tăng thu, làm thâm hụt ngày càng lớn; và tăng chi đầu tư lại thấp hơn tăng chi thường xuyên, tức chi dài hạn để tạo ra tăng trưởng lại thấp hơn so với chi tiêu ăn uống hàng ngày. Vì thế, nợ công tăng lên, bội chi gia tăng. Xu hướng này vẫn tiếp tục, chưa thấy điểm dừng, và áp lực ngày càng lớn”.

Tại cuộc họp tổng kết công tác của Bộ Tài chính hồi giữa năm nay, ông Dũng thúc giục Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Văn Nam: “Hụt thu từ dầu thì phải dùng nội địa bù lại. Phải tăng trên thu nội địa 10% thì chúng ta mới đảm bảo thu ngân sách. Tinh thần là phải tăng thu trên 10% nhé”. Trước đó, ông Nam chỉ hứa tăng thu nội địa chỉ là 8%.

Đến đầu tuần này, thu NSNN qua báo cáo của Bộ Tài chính đang có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ doanh nghiệp có khả năng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đã tăng lên cao, chiếm 39-42% tổng số doanh nghiệp trong năm nay từ mức chỉ khoảng hơn 30% các năm trước, là cơ sở chính để thu ngân sách nhà nước dự kiến vượt dự toán 17.400 tỉ đồng.

Cơn đau đầu của Bộ trưởng Tài chính đã phần nào được giải tỏa nhưng lẽ ra nó đã có thể được chữa khỏi nếu như ông giữ được điều khoản về quy trách nhiệm cá nhân trong Luật Ngân sách Nhà nước gần đây. Điều khoản tiến bộ đó, thật đáng tiếc, đã không được chấp nhận.

Niềm trăn trở của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Chỉ vài ngày sau cuộc gặp kể trên của Thủ tướng với Thống đốc và Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng được mời lên phòng của Thủ tướng. Ông Vinh kể lại, Thủ tướng yêu cầu ông phải chấn chỉnh ngay tình trạng đầu tư công tràn lan, lãng phí đang đe dọa nền tài chính quốc gia và gây áp lực nợ công. Là người có gần 40 năm kinh nghiệm ở địa phương, ông Vinh hiểu rõ tình thế của lĩnh vực đầu tư công mà ông phụ trách. Kết quả là Chỉ thị 1792 được ban hành tháng 10-2011 và sau đó tháng 6-2014, Luật Đầu tư công - bộ luật bị lỡ hẹn trong nhiều đời bộ trưởng đầu tư trước đó, được thông qua.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh

Vào cuối năm 2011, nhu cầu đầu tư cho năm 2012 gửi về bộ lên tới gần 500.000 tỉ đồng, gấp 2,5 lần so với chi cho đầu tư phát triển được phép. “Nhu cầu các địa phương rất nhiều, mà được phân cấp rồi nên họ cứ quyết làm… Sau khi có chỉ thị 1792, có quá nhiều dự án bị phanh lại, dở dang làm các địa phương choáng váng”, ông Vinh nhớ lại.

Dù thiếu vốn trầm trọng, tầm nhìn của ông Vinh không bị trói buộc. Cuối năm 2011, vài tháng sau khi lên ghế bộ trưởng, ông đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng tổ chức một cuộc họp cấp cục trưởng, vụ trưởng để nghe ông trình bày về đường cao tốc Bắc Nam.

Ông Vinh nhớ lại: “Tôi nói giao thông là tiền đề để phát triển đất nước và phải làm cho được đường cao tốc Bắc Nam. Tôi là người phân bổ vốn, tôi sẽ cố gắng”. Tiếc thay, cuối cùng phương án mở rộng quốc lộ 1A được chọn, và ông lại được giao ra trình bày với Quốc hội cho phát hành trái phiếu cho con đường đó. Nhớ lại nỗ lực không thành, ông Vinh nói: “Một quốc gia như Việt Nam phải có đường cao tốc, nhưng chúng ta không làm được. Tôi lấy rất làm buồn”.

Nhưng cũng có chuyện thành công, bên cạnh đầu tư công. 16 chương trình quốc gia - những chương trình bị kêu ca là ít tiền mà đầy tham vọng nên hiệu quả chẳng đáng bao nhiêu - rốt cuộc sẽ được giảm xuống còn hai chương trình từ nhiệm kỳ tới. Nó là nỗ lực không mệt mỏi của ông Vinh.
                                            
                                                     * * *

Những nét chấm phá trên khó lòng mô tả hết những khó khăn, và nỗ lực của ba vị bộ trưởng kinh tế, những người giữ vai trò then chốt trong các chương trình cải tổ kinh tế của Chính phủ nhiệm kỳ này. Nỗ lực của họ là không thể phủ nhận. Thống đốc vẫn chưa có cơ chế để giải quyết đống nợ mà VACM ôm vào và còn nợ lời giải thích về việc mua ba ngân hàng với giá 0 đồng gây nhiều lo lắng trong xã hội, mà Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân từng yêu cầu. Đầu tư công vẫn chưa được chấn chỉnh trọn vẹn, thể hiện rõ qua các báo cáo kiểm toán hàng năm. Và đặc biệt, là xu thế mở rộng tài khóa, làm nợ công tăng cao vẫn chưa thấy điểm dừng. Nhưng liệu đó có phải là trách nhiệm cá nhân của các bộ trưởng trong cơ chế lãnh đạo tập thể?

Theo Tư Giang (TBKTSG)