Cuộc đua tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng quý I: Ông lớn "hụt hơi", top dưới bật lên

Lợi nhuận ngành ngân hàng quý đầu năm 2025 có sự phân hoá sâu sắc khi các "ông lớn" tăng trưởng thấp, thậm chí sụt giảm còn các nhà băng quy mô nhỏ lại bật lên mạnh mẽ.
Lợi nhuận nhiều ngân hàng quy mô nhỏ tăng trưởng mạnh trong quý I

Các ông lớn "hụt hơi"

Thống kê của VietTimes đối với 27 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy tổng lợi nhuận trước thuế quý I đạt 82.532 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, niềm vui không dành cho tất cả.

Theo đó, có 5 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế sụt giảm, phần lớn lại nằm ở các ngân hàng quy mô lớn. Có thể kể tới Techcombank với lợi nhuận trước thuế giảm 7% chỉ đạt 7.236 tỷ đồng, do giảm thu nhập lãi và dịch vụ dù có lợi thế tiền gửi không kỳ hạn (CASA).

Kế đến là ACB (giảm 6%, đạt 4.597 tỷ đồng), VIB (giảm 3%, đạt 2.421 tỷ đồng), OCB (giảm 26%, đạt 893 tỷ đồng), PGBank (giảm 17%, đạt 96 tỷ đồng).

Ngược lại, 14 ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận cao hơn trung bình của ngành, chủ yếu lại nằm ở các nhà băng quy mô nhỏ. Trong đó, Vietbank đứng đầu về tăng trưởng lợi nhuận với mức tăng cực mạnh 238% lên 248 tỷ đồng nhờ nền lợi nhuận thấp của cùng kỳ và thu nhập lãi cải thiện rõ nét.

Ấn tượng không kém là SeABank với mức tăng 189% lên 4.350 tỷ đồng, do trong kỳ ghi nhận 2.600 tỷ đồng từ việc bán Công ty Tài chính PTF với tổng giá trị hợp đồng chuyển nhượng là 4.300 tỷ đồng.

Theo sau là những cái tên khác như: ABBANK (tăng 116%, đạt 416 tỷ đồng), KienlongBank (tăng 67%, đạt 356 tỷ đồng), MBBANK (tăng 45%, đạt 8.386 tỷ đồng), VietABank (tăng 42%, đạt 353 tỷ đồng), Saigonbank (tăng 44%, đạt 98 tỷ đồng), Sacombank (tăng 38%, đạt 3.674 tỷ đồng), HDBank (tăng 33%, đạt 5.355 tỷ đồng), Eximbank (tăng 26%, đạt 832 tỷ đồng), NamABank (tăng 22%, đạt 1.225 tỷ đồng), VPBank (tăng 20%, đạt 5.015 tỷ đồng), BVBank (tăng 16%, đạt 80 tỷ đồng) và TPBank (tăng 15%, đạt 2.109 tỷ đồng).

Còn nhóm ngân hàng quốc doanh vẫn cho thấy sự tăng trưởng ổn định, tuy nhiên thiếu đột phá. VietinBank có kết quả tích cực nhất với lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 10%, đạt 6.823 tỷ đồng.

Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank chỉ nhích nhẹ 1,3% so với cùng kỳ năm trước, nhờ tăng mạnh thu nhập từ kinh doanh ngoại hối và giảm chi phí dự phòng, trong khi mảng cốt lõi là thu nhập lãi và thu nhập dịch vụ lại sụt giảm.

Tương tự, BIDV cũng đi ngang về lợi nhuận trước thuế với 7.413 tỷ đồng, áp lực chi phí hoạt động (5.907 tỷ đồng) và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng (4.579 tỷ đồng) còn tương đối lớn.

Bóc tách cơ cấu lợi nhuận

Động lực tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng quý đầu năm một phần nhờ tín dụng cải thiện mạnh.

Cụ thể, theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết quý I/2025, tăng trưởng tín dụng đạt 3,93%, gấp 2,5 lần so với mức 1,42% của cùng kỳ.

Bóc tách sâu hơn cơ cấu lợi nhuận của 27 ngân hàng cho thấy mảng cốt lõi là thu nhập lãi thuần và hoạt động dịch vụ của các ngân hàng đang có dấu hiệu chững lại.

Cụ thể, thu nhập lãi thuần (biểu thị doanh thu mảng tín dụng) của 27 ngân hàng trong quý I đạt 129.178 tỷ đồng, chỉ tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

Còn thu nhập ngoài lãi (gồm thu nhập từ hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, kinh doanh chứng khoán, đầu tư chứng khoán…) đạt 35.945 tỷ đồng, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập từ hoạt động dịch vụ đóng vai trò chủ lực ở nguồn thu ngoài lãi với tỷ trọng hơn 40%, đạt 14.447 tỷ đồng, song lại sụt giảm 3% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, lãi thuần từ hoạt động khác và thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần lại có sự tăng trưởng đột biến trong nguồn thu ngoài lãi, lần lượt tăng 151% và 1.231%, đạt 8.596 tỷ đồng và 2.946 tỷ đồng.

Trong bối cảnh đó, các ngân hàng đã mạnh tay kiểm soát chi phí để duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận.

Thống kê cho thấy tổng chi phí hoạt động của 27 ngân hàng chỉ tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 51.724 tỷ đồng. Các nhà băng cũng nỗ lực giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng xuống 30.870 tỷ đồng, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước.

Một điểm đáng lưu ý nữa là biên lãi ròng (NIM) - chỉ số phản ánh lợi nhuận cốt lõi của ngành ngân hàng, đang thu hẹp. Dữ liệu thống kê cho thấy mức NIM bình quân của ngành ngân hàng trong quý I/2025 đã giảm về 3,31% từ mức 3,42% của cùng kỳ và đi ngang so với quý IV/2024, chủ yếu do các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay nhằm đạt mức tăng trưởng tín dụng kế hoạch mới (17-18%).

Theo đánh giá của các chuyên gia, NIM năm 2025 khó tăng mạnh, mà chỉ kỳ vọng không giảm do các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng, trong khi lãi suất huy động khó duy trì ở mức thấp vì áp lực thanh khoản và tỷ giá.

Công ty Chứng khoán SSI dự báo NIM ngân hàng năm 2025 sẽ ổn định ở mức 3,48%, với sự khác biệt giữa khối quốc doanh đạt 2,77% (tăng 0,05 điểm %) và khối cổ phần đạt 4,24% (giảm 0,07 điểm %).