Giới chủ một số ngân hàng giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 15%

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhiều ngân hàng thương mại đã kiện toàn nhân sự cấp cao và có sự thay đổi tỷ lệ sở hữu cổ phần để tuân thủ quy định của Luật Tổ chức tín dụng.

Theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, HĐQT của tổ chức tín dụng là CTCP phải có 5-11 thành viên. Ban kiểm soát của ngân hàng thương mại phải có ít nhất 5 thành viên.

Luật cũng quy định cổ đông và người có liên quan không được sở hữu quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Đồng thời cổ đông lớn và người liên quan không được sở hữu từ 5% vốn điều lệ trở lên tại một tổ chức tín dụng khác.

Trong mùa đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, nhiều ngân hàng đã nhanh chóng kiện toàn bộ máy lãnh đạo nhiệm kỳ mới, thể hiện sự chủ động tuân thủ quy định và nâng cao năng lực quản trị.

Kiện toàn nhân sự cấp cao

Tại Eximbank, ngân hàng đã bầu mới 5 thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ 2025-2030, trong đó Chủ tịch Nguyễn Cảnh Anh và Phó chủ tịch Đỗ Hà Phương được tái bổ nhiệm.

Ba thành viên mới gồm ông Phạm Tuấn Anh (đại diện Tập đoàn Gelex), ông Hoàng Thế Hưng và bà Phạm Thị Huyền Trang. Ngoài ra, ngân hàng cũng bổ nhiệm ông Phạm Quang Dũng và ông Trần Anh Thắng làm Phó tổng giám đốc nhiệm kỳ 3 năm, bắt đầu từ ngày 8/5.

VPBank cũng sớm hoàn tất kiện toàn nhân sự cấp cao. Cổ đông ngân hàng đã bầu 8 thành viên HĐQT và 5 thành viên BKS nhiệm kỳ 2025-2030. Như vậy HĐQT mới gồm 6 thành viên từ nhiệm kỳ trước, bao gồm Chủ tịch Ngô Chí Dũng và các Phó Chủ tịch Bùi Hải Quân, Lô Bằng Giang. Ba Thành viên HĐQT là ông Nguyễn Đức Vinh, bà Phạm Thị Nhung và ông Takeshi Kimoto.

Đáng chú ý, số thành viên HĐQT độc lập được nâng từ 1 lên 2 người, gồm ông Daniel Ashton Carroll và ông Mai Xuân Hùng.

vp-bank-dh-1745836532.jpg
VPBank đã hoàn tất kiện toàn nhân sự cấp cao gồm 8 thành viên HĐQT và 5 thành viên BKS nhiệm kỳ 2025-2030.

OCB cũng kiện toàn HĐQT nhiệm kỳ 2025-2030 với 7 thành viên, bao gồm ông Trịnh Văn Tuấn, ông Ngô Hà Bắc, bà Trịnh Thị Mai Anh, ông Yoshizawa Toshiki, ông Segawa Mitsuhiro, ông Phan Trung và ông Dương Kỳ Hiệp. Ban kiểm soát ngân hàng gồm 5 thành viên, tăng 2 người so với nhiệm kỳ trước.

Tại PGBank, sau quá trình tái cấu trúc và chuyển đổi sở hữu, ngân hàng đã bầu bà Cao Thị Thúy Nga làm Chủ tịch HĐQT. Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới gồm 4 thành viên là ông Trần Ngọc Dũng, ông Trịnh Mạnh Hoán, bà Đinh Thụy Trâm và bà Hạ Hồng Mai.

Ở nhóm ngân hàng quốc doanh, Vietcombank tổ chức đại hội vào ngày 26/4 và bầu bổ sung hai thành viên HĐQT là ông Kohei Matsuoka và bà Hoàng Thanh Nhàn. Ông Trần Sỹ Mạnh được bầu vào Ban kiểm soát, thay cho người tiền nhiệm từ chức theo nguyện vọng cá nhân. Các thành viên mới sẽ đảm nhiệm phần thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2023-2028.

VietinBank cũng tiến hành miễn nhiệm ông Nguyễn Đức Thành khỏi HĐQT để bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc, đồng thời bầu bổ sung ông Nguyễn Vân Anh - Cục trưởng Cục Quản lý dự trữ ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) - vào HĐQT nhiệm kỳ 2024-2029.

Ban kiểm soát VietinBank cũng được bổ sung 4 thành viên mới là ông Đào Xuân Tuyên, ông Nguyễn Hải Đăng, bà Mai Hương Thảo và bà Phạm Thị Thu Huyền.

Việc kiện toàn bộ máy lãnh đạo cấp cao cho thấy sự chuyển động tích cực của các tổ chức tín dụng trong việc nâng cao năng lực quản trị và đáp ứng kịp thời các yêu cầu pháp lý mới.

Cổ đông lớn đồng loạt thoái bớt vốn

Bên cạnh việc kiện toàn nhân sự cấp cao, nhiều ngân hàng cũng điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nhằm hạ tỷ lệ sở hữu xuống dưới ngưỡng 15%. Đơn cử tại Ngân hàng Phương Đông (OCB), theo thông báo ngày 23/4, bà Trịnh Mai Linh (con gái Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn) đã bán 10 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 1,84% vốn điều lệ, tương đương hơn 45,3 triệu cổ phiếu.

Trong cùng ngày, một người con gái khác của ông Tuấn là bà Trịnh Mai Vân cũng hoàn tất giao dịch bán 18 triệu cổ phiếu, đưa tỷ lệ nắm giữ về mức 1,19%, tương đương hơn 211 triệu cổ phiếu.

Như vậy sau khi 2 con gái thực hiện thành công giao dịch bán, tổng số cổ tỷ lệ sở hữu cổ phần của ông Trịnh Văn Tuấn và người có liên quan đã giảm xuống còn 14,937%.

64b48d23-be9f-4ebe-a74b-3afa0faa.jpg
PGBank cũng là tổ chức tín dụng có các cổ đông lớn vừa thực hiện việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phiếu.

Tại PGBank, 3 cổ đông lớn gồm CTCP Thương mại Vũ Anh Đức, CTCP Quốc tế Cường Phát và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh đã thông báo việc giảm sở hữu cổ phiếu diễn ra trong giai đoạn 8-14/4.

Tổng cộng, tỷ lệ sở hữu của ba cổ đông này tại PGBank giảm từ 40% xuống còn 33,6%. Trước đó, 3 doanh nghiệp trên là các nhà đầu tư đã mua lại 120 triệu cổ phiếu PGB, tương ứng 40% vốn điều lệ ngân hàng trong phiên đấu giá cổ phần do Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tổ chức vào tháng 4/2023.

Tương tự, tại Ngân hàng SHB, CTCP Tập đoàn T&T cũng thông báo kế hoạch bán 74,5 triệu cổ phiếu SHB trong thời gian 13/5-10/6. Nếu giao dịch thành công, T&T sẽ giảm tỷ lệ sở hữu từ gần 362 triệu cổ phiếu (9,99%) xuống hơn 287 triệu cổ phiếu (7,94%).

Nói về xu hướng này, TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - đánh giá hoạt động góp vốn tại các ngân hàng hiện được thực hiện và công bố công khai. So với trước đây, hoạt động này đang ngày càng trở nên minh bạch hơn nhờ các quy định mới. Trong đó, việc minh bạch được nguồn vốn góp của cổ đông sẽ đóng vai trò quan trọng để ngăn ngừa tình trạng thao túng, sở hữu chéo trong hệ thống tổ chức tín dụng.

TS Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản toàn cầu, cũng cho rằng việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa của các cổ đông, nhóm cổ đông tại ngân hàng, đồng thời yêu cầu công bố công khai tỷ lệ sở hữu có vai trò quan trọng trong việc quản lý và điều hành chính sách tiền tệ. Đặc biệt, các quy định mới đã hạn chế đáng kể tình trạng sở hữu chéo trong ngành ngân hàng.