Cuộc đua sản xuất robot hình người: Mỹ hay Trung Quốc nắm lợi thế?

Lĩnh vực robot hình người có thể bị kéo lùi trong thương chiến Mỹ - Trung khi một bên phụ thuộc công nghệ, một bên phụ thuộc sản xuất.

"Bộ não" và chip là hai yếu tố quan trọng nhất của robot hình người

Mỹ và Trung Quốc đang chạy đua triển khai robot hình người làm trong nhà máy, cơ sở chăm sóc người già, cũng như công việc gia đình. Một số công ty đã lên kế hoạch sản xuất hàng nghìn robot trong năm nay.

Theo giới chuyên gia, Mỹ đang dẫn đầu về phần mềm hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI), trong khi Trung Quốc nổi trội về phần cứng cũng như sản xuất. "Các quốc gia hoặc công ty có hệ sinh thái AI và năng lực bán dẫn mạnh hơn sẽ có vị thế tốt hơn", Yunzhu Li, phó giáo sư khoa học máy tính của Đại học Columbia, nói với Rest of World.

Mẫu robot hình người G1 của hãng Unitree (Trung Quốc) với khả năng bật ngửa và nhiều cử động phức tạp. Video: Unitree Robotics.

Công nghệ Mỹ hiện cung cấp năng lượng cho "bộ não" hầu hết robot thông qua chip và các mô hình AI. Một báo cáo khoa học đăng tháng 1 trên tạp chí Foreign Policy đánh giá "bộ não" và chip là hai yếu tố quan trọng nhất của robot hình người, chiếm khoảng 80% giá trị của nó.

Còn theo báo cáo của Morgan Stanley công bố tháng 2, những công ty dẫn đầu như Microsoft, Nvidia và Google đều đến từ Mỹ. Do đó, các biện pháp kiểm soát chip và công nghệ từ Washington có thể ngăn Bắc Kinh tiếp cận những công nghệ tiên tiến nhất.

Tuy nhiên, Trung Quốc đang chiếm nhiều ưu thế về sản xuất. Được mệnh danh là "công xưởng của thế giới", nước này dễ dàng mở rộng chuỗi cung ứng nhờ hệ thống sản xuất linh kiện, lắp ráp cũng như thiết kế nguyên mẫu sẵn có. Theo số liệu của Liên đoàn Robot Quốc tế năm 2023, hơn nửa số robot trên toàn cầu được lắp ráp tại Trung Quốc. Còn theo Morgan Stanley, nước này chiếm 63% chuỗi cung ứng robot hình người toàn cầu, chủ yếu cung cấp bộ phận cho thân máy như linh kiện phần cứng, bộ truyền động, cảm biến và pin lithium-ion.

Tuy nhiên, cuộc chiến diễn ra đều không có bên thắng. "Cả Mỹ và Trung Quốc đều bị ảnh hưởng theo nhiều cách xét theo góc độ cung - cầu, tình huống đôi bên cùng thua thiệt", nhà phân tích Wei Sun của Counterpoint nói với Rest of World.

"Điểm thắt cổ chai" của mỗi bên

Robot công nghiệp được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc - quốc gia đứng thứ ba trên toàn cầu về mức độ áp dụng sau Hàn Quốc và Singapore, theo số liệu thống kê World Robotics năm 2024 của Liên đoàn Robot Quốc tế (IFR) công bố cuối năm ngoái. Nhưng robot hình người, các cỗ máy vốn thiết kế để mô phỏng chuyển động và bộ não thông minh như con người, phức tạp hơn nhiều. Dù phát triển nhanh chóng, chưa có công ty nào trên thế giới bán loại robot này ở quy mô lớn.

"Về bản chất, việc tạo ra một robot hình người phức tạp và đòi hỏi tính linh hoạt. Khả năng sử dụng người máy trong các nhà máy cần sự kết hợp cả về phần cứng và phần mềm, nhưng hầu hết vẫn chưa đạt đến mức đó", Lily Li, giám đốc phụ trách nghiên cứu công nghệ mới nổi của IDC, nhận xét.

Cuộc chiến robot hình người giữa Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: xAI Grok

Cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều muốn tăng tốc phát triển robot hình người. Agibot, công ty có trụ sở tại Thượng Hải cho biết sẽ sản xuất 5.000 robot hình người vào cuối năm nay, cao hơn nhiều con số 731 robot tính đến tháng 1. Ubtech, công ty robot tại Hong Kong, cũng có kế hoạch sản xuất 1.000 robot hình người trong năm nay. Nổi tiếng hơn cả là Unitree Robotics cũng đã thương mại hóa một số sản phẩm.

Các công ty Mỹ đang hướng đến mục tiêu cao hơn. Figure AI cho biết sẽ sản xuất 12.000 đơn vị mỗi năm, còn Tesla dự kiến 5.000 robot Optimus trong năm nay. Trước đó, CEO Elon Musk dự đoán robot hình người sẽ vượt mặt con người trong vòng 20 năm tới. Dù vậy, tháng trước, ông cảnh báo lệnh hạn chế xuất khẩu kim loại đất hiếm của Bắc Kinh có thể làm chậm quá trình sản xuất của Tesla.

Đến nay, các công ty Mỹ vẫn phụ thuộc nhiều vào sản xuất Trung Quốc. Do đó, các đòn thuế từ Washington đưa ra khiến chi phí tăng cao, thời gian sản xuất lùi lại, thậm chí việc sản xuất trở nên khó khăn. "Nó giống như chế tạo một chiếc smartphone vậy", phó giáo sư Danfei Xu của Viện Georgia Tech nhận xét. "Chúng không chỉ là những bộ phận siêu đắt tiền, mà rất, rất nhiều bộ phận lắp ráp lại với nhau. Công ty Mỹ sẽ gặp khó khi sản xuất các thành phần nếu như bị đánh thuế cao như hiện nay".

Với doanh nghiệp Trung Quốc, rào cản lớn nhất phải đối mặt là khả năng tiếp cận chip và công nghệ tiên tiến. Theo Yunzhu Li của Đại học Columbia, AI tiên tiến là chìa khóa để chế tạo những robot có khả năng đưa ra quyết định theo thời gian thực và học hỏi từ thế giới. Điều này cần đến một hệ thống chip mạnh mẽ nhất kết hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo thông minh nhất.

Đầu năm nay, Wang Xingxing, nhà sáng lập Unitree Robotics, cũng thừa nhận rào cản tiềm ẩn lớn nhất trong lĩnh vực robot hình người là khả năng tiếp cận chip tiên tiến. "Nếu có những nút thắt cổ chai trong tương lai, điểm nghẽn lớn nhất là chip. Không phải chip được sử dụng trong robot, mà là chip cần thiết cung cấp năng lượng tính toán để đào tạo robot", Xingxing nói tại sự kiện Snowball Finance hồi tháng 1.

Trung Quốc nhận thức rõ vấn đề này. Thời gian qua, Bắc Kinh đã rót hàng triệu USD tiền tài trợ để hỗ trợ chuỗi cung ứng trong nước. Theo Caixin Global, những công ty như Baidu, Huawei hay Horizon Robotics đang phát triển thuật toán và chip cho robot hình người với một số thành tựu nhất định. Gần nhất, hiện tượng DeepSeek mở ra kỳ vọng phát triển các mô hình AI giá rẻ.

"Những đổi mới về thuật toán của DeepSeek nhắc nhở chúng ta rằng Trung Quốc và Mỹ đang cạnh tranh quyết liệt, và lợi thế công nghệ của chúng ta có thể không còn được đảm bảo. Điều này thúc đẩy ngành công nghiệp Mỹ phải làm cho AI hiệu quả hơn", Eric Schmidt, cựu CEO Google, cho biết trong cuộc phỏng vấn với Financial Times đầu năm nay.

Robot hình người Optimus của hãng Tesla (Mỹ). Ảnh: Tesla Optimus.

Xu của Viện Georgia Tech đánh giá cả Mỹ lẫn Trung Quốc vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Theo ông, thế hệ robot hình người hiện nay vẫn trong giai đoạn nguyên thủy, chỉ có thể thực hiện nhiệm vụ cơ bản như di chuyển bằng hai chân, nhặt đồ không để bị rơi, cung cấp thông tin thay vì công việc nặng và phức tạp hơn.

"Thay thế con người là mục tiêu quan trọng nhất với robot, nhưng với công nghệ hiện nay, mọi thứ còn rất xa", Xu nhận xét.