Lãnh đạo Tencent: Sự thiếu hụt chip đang cản trở việc áp dụng các mô hình AI tại Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nam miền Nam

“Vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay là nguồn cung card đồ họa và tài nguyên tính toán rất hạn chế”, Ông Wang Qi, Phó Chủ tịch mảng điện toán đám mây của Tập đoàn Tencent nhận định.

Chủ tịch Tencent nhận định sự khó khăn tại thị trường Trung Quốc Ảnh: Shutterstock.
Chủ tịch Tencent nhận định sự khó khăn tại thị trường Trung Quốc Ảnh: Shutterstock.

Trung Quốc đang nỗ lực tăng tốc phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), nhưng tham vọng này tiếp tục đối mặt với rào cản lớn từ việc thiếu hụt các bộ xử lý đồ họa (GPU) tiên tiến – thành phần then chốt để huấn luyện các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM). Nguyên nhân chủ yếu đến từ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ ngày càng nghiêm ngặt từ chính phủ Mỹ.

Ông Wang Qi, Phó Chủ tịch mảng điện toán đám mây của Tập đoàn Tencent, cho biết trong một cuộc trao đổi với truyền thông địa phương tại Quảng Châu hôm 16/5 rằng: “Vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay là nguồn cung card đồ họa và tài nguyên tính toán rất hạn chế”. Ông cho rằng tình hình càng trở nên tồi tệ sau khi Mỹ yêu cầu giấy phép xuất khẩu đối với dòng chip AI H20 – sản phẩm mới nhất của Nvidia dành cho thị trường Trung Quốc.

Trước đó, Washington đã cấm xuất khẩu các dòng GPU cao cấp hơn như A100, H100, A800 và H800 sang Trung Quốc vì lo ngại về an ninh quốc gia. Nvidia sau đó tung ra phiên bản H20 với hiệu năng hạn chế hơn, nhưng giờ đây cũng bị đưa vào danh sách kiểm soát chặt chẽ.

Ông Wang cảnh báo việc siết chặt kiểm soát chip sẽ “gia tăng khoảng cách trong ứng dụng AI giữa Trung Quốc và Mỹ trong ngắn hạn”. Hiện nay, các GPU tiên tiến từ các công ty Mỹ như Nvidia hay AMD vẫn là lựa chọn hàng đầu để phát triển và vận hành các ứng dụng AI quy mô lớn, trong đó có các dịch vụ dựa trên LLM như ChatGPT.

Trung Quốc tăng cường sự tự lực

Trước tình hình trên, ngành công nghệ Trung Quốc đang gấp rút tìm hướng đi mới để giảm phụ thuộc vào công nghệ Mỹ. Ông Wang cho biết các công ty trong nước đang “đẩy nhanh quá trình tinh chỉnh mô hình AI để phù hợp với khả năng sản xuất chất bán dẫn nội địa.”

Một trong những hy vọng lớn là Huawei – tập đoàn được cho là sẽ ra mắt dòng chip AI Ascend 920 mới vào cuối năm nay. Huawei được xem là ứng viên hàng đầu để thay thế Nvidia tại thị trường nội địa. Tuy nhiên, theo các hướng dẫn mới nhất từ Bộ Thương mại Mỹ, việc sử dụng chip Ascend của Huawei “ở bất kỳ đâu trên thế giới” đều có thể bị xem là vi phạm lệnh cấm xuất khẩu.

S&P Global nhận định trong một báo cáo rằng các biện pháp thắt chặt kiểm soát chip của Mỹ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu tư của Tencent trong lĩnh vực AI, đồng thời đặt ra thách thức cho toàn ngành công nghệ Trung Quốc.

Tencent và “kế hoạch B”

Trong buổi công bố kết quả kinh doanh quý I/2025, Chủ tịch Tencent – ông Martin Lau Chi-ping – cho biết tập đoàn vẫn đang kiểm soát được tình hình. “Đây là một môi trường rất năng động,” ông Lau nói và tiết lộ rằng Tencent hiện có “kho dự trữ chip khá lớn” được mua từ trước. Những con chip này sẽ được ưu tiên phân bổ cho các ứng dụng có thể tạo doanh thu tức thì, như quảng cáo và hệ thống đề xuất nội dung.

Ông Lau cũng cho rằng ngành công nghệ Trung Quốc đang dần thoát khỏi việc chạy theo các mô hình khổng lồ đòi hỏi nguồn lực khổng lồ. “Chúng tôi thấy rằng, ngay cả với lượng chip hạn chế, bạn vẫn có thể đạt được hiệu quả đào tạo rất tốt”, ông nói.

Minh chứng rõ ràng là DeepSeek – một startup AI có trụ sở tại Hàng Châu – đã gây chú ý toàn cầu khi lần lượt ra mắt hai mô hình AI mã nguồn mở là DeepSeek-V3 và R1. Các mô hình này được phát triển với chi phí và yêu cầu tính toán thấp hơn đáng kể so với tiêu chuẩn của các công ty công nghệ lớn trên thế giới.

Tương tự, Ant Group – công ty công nghệ tài chính thuộc Alibaba – cũng cho biết họ đã huấn luyện thành công mô hình LLM sử dụng GPU sản xuất trong nước, qua đó giúp giảm chi phí tới 20%.

Doanh thu AI bắt đầu "sinh quả ngọt"

Bất chấp những thách thức về công nghệ, Tencent vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh quý đầu năm rất khả quan. Doanh thu quý I đạt 180 tỷ nhân dân tệ (tương đương 25 tỷ USD), mức cao nhất kể từ khi tập đoàn niêm yết tại Hồng Kông vào năm 2004. Kết quả này phản ánh một phần thành công từ việc ứng dụng AI vào các lĩnh vực quảng cáo, trò chơi và nền tảng mạng xã hội WeChat.

Cụ thể, doanh thu từ dịch vụ tiếp thị tăng 20% so với cùng kỳ, nhờ khả năng tạo hình ảnh, chỉnh sửa video và đề xuất sản phẩm hiệu quả hơn nhờ các công cụ AI. Trong khi đó, mảng điện toán đám mây – nơi tích hợp nhiều công nghệ AI của Tencent – cũng tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ nhờ nhu cầu từ doanh nghiệp.

Dù còn nhiều khó khăn phía trước, những nỗ lực tự cường trong AI và bước tiến trong ứng dụng thực tế đang giúp các tập đoàn công nghệ Trung Quốc như Tencent duy trì đà tăng trưởng, đồng thời giảm dần sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp chip phương Tây.

Theo SCMP