Sáng 17/5, Khu công nghệ cao TP.HCM phối hợp với các đối tác tổ chức chung kết trao giải cuộc thi Thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh lần thứ 2 dành cho học sinh, sinh viên, nhà khởi nghiệp đam mê vi mạch bán dẫn quy mô toàn quốc.
Vượt qua 7 dự án khác tại vòng chung kết, công trình thiết kế vi điều khiển RISC-V tích hợp mã hóa cứng, tiết kiệm năng lượng của sinh viên Nguyễn Đoàn Hoàng Phúc, Khoa kỹ thuật máy tính, Trường ĐH Công nghệ Thông tin, ĐH Quốc gia TP.HCM xuất sắc giành giải nhất với phần thưởng 50 triệu đồng và ưu đãi khóa đào tạo thiết kế vi mạch tại Khu công nghệ cao TP.HCM.

Chia sẻ với Viettimes, Phúc cho biết, RISC-V là một dạng kiến trúc thiết kế mở, nên rất dễ tiếp cận với sinh viên và được cộng đồng sử dụng nhiều. Điều này giúp Phúc thuận lợi trong việc cải tiến, tối ưu hóa thiết kế phục vụ các ứng dụng thực tế. Mục tiêu của nghiên cứu hướng đến thiết kế vi điều khiển tiết kiệm năng lượng. Để đạt được yêu cầu tiết kiệm năng lượng, Phúc cho biết, quá trình này đòi hỏi nhiều kỹ thuật khác nhau trong thiết kế vật lý nên trong 6 tháng phát triển phải trải qua nhiều bước, tự tìm kiếm tài liệu, chỉ dẫn thầy cô.
Theo thạc sĩ Tạ Trí Đức, giảng viên Khoa kỹ thuật máy tính, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM hướng nghiên cứu thiết kế vi điều khiển tiết kiệm năng lượng khá tiềm năng, được nhiều nước như Mỹ, Nhật Bản… sử dụng phổ biến. Không yêu cầu hiệu suất quá cao, tuy nhiên các con chip dùng tiết kiệm năng lượng rất phù hợp cho hệ thống IoT. Ông cho rằng, vấn đề năng lượng rất quan trọng cho các hệ thống IoT vì đây là các thiết bị đặt ở ngoài trời thường phải sử dụng pin.
Ngoài ra hướng nghiên cứu này còn áp dụng kỹ thuật mã hóa nhằm tăng cường hệ thống bảo mật, bảo đảm an toàn dữ liệu, phòng chống việc đưa dữ liệu ra ngoài.
“Với dự án này, Phúc đã hoàn thành thiết kế đầy đủ về vi điều khiển RISC-V có thể gửi đi các nhà máy để sản xuất, tiếp cận gần hơn với sản xuất công nghiệp”, thạc sĩ Phúc nói. Sản phẩm thiết kế có thể sản xuất trên tiến trình 45 nm, tuy nhiên giai đoạn thử nghiệm có thể sản xuất ở tiến trình 65 nm hoặc 180 nm để phù hợp với yêu cầu của nhà máy sản xuất.
Cùng với giải nhất, Ban tổ chức cuộc thi trao giải Nhì trị giá 30 triệu đồng cho dự án Digital camera ASIC (Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM). Hai giải Ba trị giá 20 triệu đồng thuộc về nhóm sinh viên Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng với dự án thiết kế IP mã hoá/giải mã AES-128 trên ASICs và dự án bộ chuyển đổi Buck DC-DC đáp ứng kịp thời với dải tải rộng của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao 3 giải Khuyến khích, 4 giải Triển vọng, một giải Ươm Mầm Khát Vọng và các giải thưởng phụ như "Poster đẹp nhất, nhóm trình bày ấn tượng nhất… cho các đội thi có thành tích nổi bật.

Cuộc thi Thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh lần 2 có 68 dự án thiết kế đến từ 27 trường đại học cả nước, tăng 71% so với mùa đầu tiên. Gần 300 thí sinh từ cả ba miền Bắc – Trung – Nam cùng hội tụ, thể hiện khát vọng làm chủ công nghệ lõi ngay từ giảng đường.
Theo PGS.TS Lê Quốc Cường, Phó ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, các dự án tham gia cuộc thi năm nay được đánh giá cao bởi tư duy đổi mới, bắt kịp xu hướng công nghệ toàn cầu cao hơn hẳn, khi các thí sinh tập trung chủ yếu vào các IP cơ bản và vi điều khiển, vi xử lý truyền thống.
“Nhiều thiết kế đã đạt mức độ hoàn thiện từ 60–90%, sẵn sàng bước vào giai đoạn thử nghiệm và thương mại hóa. Đây là tín hiệu rất tích cực, cho thấy tiềm năng phát triển của lực lượng kỹ sư thiết kế vi mạch trẻ tại Việt Nam”, ông Cường nói.