
Một hướng dẫn mới từ Bộ Thương mại Mỹ vừa ban hành đã đẩy các công ty công nghệ Trung Quốc vào thế khó khi cảnh báo rằng việc sử dụng chip Ascend của Huawei “ở bất kỳ đâu trên thế giới” có thể vi phạm các quy định kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Đây được xem là động thái mở rộng ảnh hưởng ngoài lãnh thổ trong cuộc chiến công nghệ ngày càng gay gắt giữa Washington và Bắc Kinh.
Chip thay thế cũng có thể vi phạm luật Mỹ
Theo các nhà phân tích và giới công nghệ, quy định mới này làm dấy lên sự bất ổn trong làn sóng đầu tư mạnh vào hạ tầng trí tuệ nhân tạo (AI) tại Trung Quốc. Trong bối cảnh các công ty Trung Quốc bị cấm tiếp cận chip AI tiên tiến từ Nvidia (Mỹ), họ buộc phải chuyển sang dùng chip nội địa như Ascend 910B, 910C và 910D của Huawei. Tuy nhiên, với hướng dẫn mới từ Mỹ, ngay cả các sản phẩm thay thế trong nước cũng tiềm ẩn rủi ro pháp lý nghiêm trọng.
Ông Ray Wang, chuyên gia phân tích tại Washington, nhận định đây là một “biện pháp kiểm soát ngoài lãnh thổ” nhằm ngăn cản các doanh nghiệp Trung Quốc có tham vọng toàn cầu sử dụng chip Huawei do lo ngại bị xử phạt.
Báo cáo mới nhất từ công ty tư vấn ICWise (Thượng Hải) cảnh báo rằng các doanh nghiệp AI tại Trung Quốc có thể đối mặt với rủi ro tuân thủ nếu tiếp tục sử dụng chip Ascend. Theo các nhà phân tích, AI là một lĩnh vực mang tính toàn cầu cao, nên nếu các mô hình lớn của Trung Quốc muốn vươn ra thị trường quốc tế, họ phải làm rõ vấn đề pháp lý liên quan đến quá trình đào tạo AI sử dụng các chip này.
Hệ sinh thái AI Trung Quốc gặp khó khi không có Nvidia
Lý do khiến các doanh nghiệp Trung Quốc buộc phải chuyển sang chip Ascend là do không thể mua được chip Nvidia, vốn bị hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, nền tảng phần mềm CANN của Huawei hiện chưa thể so sánh với CUDA của Nvidia – hệ sinh thái quen thuộc được giới kỹ sư AI sử dụng rộng rãi. Một chuyên gia AI tại một công ty Trung Quốc cho biết nhóm của ông đã nỗ lực tối ưu hóa việc đào tạo mô hình AI trên nền tảng của Huawei, song vẫn gặp nhiều “điểm nghẽn” kỹ thuật.
Bên cạnh đó, không ít nguồn lực điện toán đang bị bỏ phí. Các khách hàng lớn của Ascend hiện chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước như China Mobile, China Telecom và China Unicom, cùng các trung tâm dữ liệu địa phương nằm trong các chương trình phát triển AI quốc gia. Tuy nhiên, việc sử dụng thực tế vẫn chưa đạt kỳ vọng.
Mỹ gia tăng sức ép, Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ
Chính phủ Mỹ cho rằng chip Ascend của Huawei được phát triển dựa trên công nghệ Mỹ, do đó các hoạt động liên quan đến thiết kế, sản xuất hoặc bán chip này đều nằm trong phạm vi kiểm soát xuất khẩu. Tuy nhiên, Huawei không xác nhận cũng không phủ nhận điều này.
Báo cáo của công ty nghiên cứu SemiAnalysis cho biết, chip Ascend có thể được sản xuất bởi SMIC – nhà máy đúc hàng đầu Trung Quốc – nhưng Huawei vẫn phải phụ thuộc vào linh kiện từ nhiều nước khác như chip nhớ từ Hàn Quốc, wafer từ Đài Loan và thiết bị từ Mỹ, Nhật, Hà Lan.
Bộ Thương mại Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích chính sách mới của Washington. Phát ngôn viên He Yongqian gọi đây là hành vi “bắt nạt đơn phương và đi ngược với quy tắc thị trường”.
Trong khi đó, Huawei vẫn giữ kín các thông tin liên quan đến dòng chip Ascend, từ danh sách khách hàng, sản lượng đến tiến độ phát triển. Một số thông tin cho thấy chip 910B đã được thương mại hóa, trong khi 910C mới đang ở giai đoạn thử nghiệm. Mẫu 910C đã được gửi tới một số khách hàng từ tháng 9/2024, còn chip 910D đang được đánh giá tính khả thi kỹ thuật với sự hợp tác từ các công ty công nghệ Trung Quốc.
Với việc Mỹ siết chặt kiểm soát công nghệ, con đường phát triển AI của Trung Quốc đang gặp thêm nhiều rào cản. Dù Bắc Kinh đang đầu tư mạnh mẽ và tích cực nội địa hóa chuỗi cung ứng bán dẫn, thách thức về phần cứng lẫn phần mềm vẫn còn lớn. Trong khi Huawei và các doanh nghiệp Trung Quốc nỗ lực phát triển giải pháp thay thế, giới đầu tư AI trong nước phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn giữa rủi ro pháp lý và nhu cầu phát triển công nghệ.
Theo SCMP