Cuộc đua hút tiền gửi tiếp tục "nóng": VIB đẩy lãi suất lên 9,1%, VPBank cũng không chịu ngồi yên

Kỳ hạn 6 tháng ở nhiều ngân hàng lớn đã lên đến đỉnh trên dưới 8%/năm...

Cuộc đua lãi suất tiền gửi của các ngân hàng những ngày gần đây trở nên sôi động hơn khi nhà băng nào cũng sẵn sàng dùng lãi cao để hút khách gửi tiền. 

Mới nhất, VIB đưa ra chính sách ngày vàng hút tiền khi đẩy lãi suất lên đến đỉnh 9,1%, áp dụng từ ngày 20-24/8, gửi kỳ hạn càng dài lãi càng lớn. Cụ thể, kỳ hạn 6 tháng có lãi suất là 8,1%/năm, 12 tháng là 8,3%/năm, kỳ hạn 18 tháng có lãi suất là 8,6%/năm và 61 tháng có lãi suất là 9,1%/năm. Riêng kỳ hạn 61 tháng được phát hành dưới dạng chứng chỉ tiền gửi.

Như vậy mức lãi suất này cao hơn 0,7% so với các ngày trước.

Trong vai một người đến gửi tiền ở VIB, chúng tôi được nhân viên ngân hàng tư vấn khá tận tình về lãi suất. Theo đó, ngân hàng sẽ ghi trên sổ tiết kiệm lãi suất thấp hơn 0,1 - 0,2% so với lãi suất thực trả, ví dụ kỳ hạn 6 tháng thì sổ tiết kiệm chỉ ghi 7,96%/năm trong khi thực trả là 8,1%. Phần chênh lệch được ngân hàng lý giải là phần thưởng của chương trình "gửi 1 tặng 3" và không ghi trong sổ, đồng thời sẽ được ngân hàng hạch toán trả vào tài khoản thanh toán của khách hàng và "treo" trong tài khoản cho đến khi cuối kỳ hạn khách hàng mới có thể rút ra.

Ngoài ra, ngân hàng này cũng tư vấn cho khách hàng cá nhân gửi tiền dạng Hợp đồng tiền gửi, Chứng chỉ tiền gửi để được lãi suất cao hơn nữa. Nếu khách gửi dạng hợp đồng tiền gửi là 24 tháng ngân hàng vẫn cho khách hàng rút theo kỳ hạn 6 tháng. Và không chỉ gửi trong giờ, nhân viên ngân hàng còn tư vấn cho khách hàng có thể đến ngoài giờ cũng được, tiền vẫn chạy vào hệ thống bình thường và khách hàng có thể check ngay lập tức qua mobile banking hoặc internet banking.

Ở một ngân hàng khác là VPBank, lãi suất cũng vừa được điều chỉnh tăng mạnh kể từ hôm nay 22/8. Theo biểu lãi suất mới nhất gửi tới khách hàng, nếu gửi dưới 300 triệu thì lãi là 7,4%/năm còn 300 triệu đến dưới 1 tỷ là 7,7%/năm và 1 tỷ trở lên là 7,9 - 8%/năm cho kỳ hạn 6 tháng. Nếu gửi từ 18 tháng trở lên, tùy từng khoản tiền mà lãi suất dao động từ 7,6 - 8,2%/năm. Các mức lãi suất này cao hơn so với trước đó 0,2- 0,4 điểm phần trăm.

Một nhân viên chăm sóc khách hàng VIP ở ngân hàng VPBank chia sẻ, những ngày qua lãi suất các ngân hàng khác tăng mà VPBank không tăng nên đã bị rút tiền để đi gửi ở chỗ khác với lãi cao hơn. "Lãi suất chênh lệch nhau, một bên là 7,3 - 7,4% còn một bên hơn 8%, gửi tiền tỷ là số chênh rất lớn nên dù có là khách hàng thân thiết gắn bó bao nhiêu với ngân hàng thì cũng khó có thể níu giữ được họ ở lại", nhân viên này nói.

Trong khi đó tại HDBank, ngân hàng cũng đã đẩy lãi suất lên cao nhất là 7,9%/năm đi kèm một trong hai điều kiện. Thứ nhất là không phân biệt bao nhiêu tiền, song phải là khách hàng có giao dịch với HDBank từ 60 tháng trở lên, đồng thời trong tài khoản thanh toán tồn tại số dư tối thiểu 500.000 đồng trong thời gian 30 ngày kể từ ngày tham gia gửi tiền. Hoăc là Thứ hai khách hàng tái tục sổ tiết kiệm ở ngân hàng gửi lại số tiền gửi tăng thêm tối thiểu 50% so với số tiền đã gửi trước đó. Với các khách hàng cao tuổi, ngân hàng không yêu cầu bất cứ điều kiện nào.

Cách đây vài ngày, ABBank cũng thông báo tăng lãi suất thêm 0,7 - 0,8% với mức cao nhất là 8,5%/năm; SHB cũng điều chỉnh tương tự lên cao nhất 8,1 - 8,2%/năm còn Viet Capital Bank thì đẩy lãi suất lên cao nhất là 8,6%/năm cho sản phẩm tiền gửi thông thường còn chứng chỉ tiền gửi thì vượt 10%/năm.

Lãi suất của các ngân hàng tăng mạnh, chủ yếu là kỳ hạn 6 tháng trở lên, được bản thân ngân hàng lý giải do nhu cầu vốn trung và dài hạn để đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước về tỷ trọng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, bên cạnh việc chuẩn bị nguồn lực cho mùa kinh doanh cuối năm. Ngoài ra, lãi suất cao còn được cho là để cạnh tranh trực tiếp với dòng tiền đang chảy mạnh vào trái phiếu doanh nghiệp khi không ít các doanh nghiệp đã đẩy lãi suất lên đến 13 - 15%/năm.

Theo Trí thức trẻ

Link gốc: http://cafef.vn/cuoc-dua-hut-tien-gui-tiep-tuc-nong-vib-day-lai-suat-len-91-vpbank-cung-khong-chiu-ngoi-yen-20190822141627133.chn