Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các ứng dụng đặt xe online trên điện thoại cũng phát triển vô cùng nhanh chóng. Tại thị trường Việt Nam, hiện đang có rất nhiều ứng dụng đặt xe online của các hãng xe khác nhau, trong đó 3 hãng xe công nghệ phổ biến nhất là Grab, Go-Viet và Be Group.
Không chỉ riêng dịch vụ gọi xe, các ứng dụng này còn cung cấp nhiều dịch vụ khác như giao hàng, giao đồ ăn, dịch vụ thanh toán, ví điện tử, …
Từ "ngôi vương" của Grab
Grab (trước đây gọi là GrabTaxi) là một công ty công nghệ có trụ sở tại Singapore cung cấp các dịch vụ vận chuyển và đi lại bằng xe hơi tại Singapore và các quốc gia Đông Nam Á khác như Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Campuchia.
Bắt đầu xuất hiện tại thị trường Việt Nam từ năm 2014, ứng dụng Grab được điều hành và quản lý bởi Công ty TNHH Grab (Grab). Tháng 10/2014, Grab cho ra mắt dịch vụ GrabBike, tuy nhiên thời điểm này lượng người sử dụng các dịch vụ của công ty này chưa cao.
Năm 2015, Grab Việt Nam được Bộ Giao thông Vận tải cấp phép thí điểm hoạt động tại Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng. Đến nay, Grab đang là ứng dụng gọi xe online được ưa chuộng nhất tại thị trường Việt Nam với quy mô hoạt động kinh doanh tại 43 tỉnh, thành phố.
Đáng chú ý, tháng 3/2018, Grab đã thu mua toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á. Đây là thỏa thuận sáp nhập lớn nhất từ trước tới nay tại khu vực.
Cuối tháng 8/2019, Grab công bố sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam để thúc đẩy phát triển nền kinh tế số và đặt mục tiêu mở rộng thị trường tại khắp 63 tỉnh thành trên toàn quốc.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Grab đã áp đảo thị trường đặt xe công nghệ khi hoàn thành 146 triệu cuốc xe, tương đương 73% thị phần.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, song song với sự tăng trưởng về số lượng người dùng, doanh thu của Grab trong giai đoạn 2016 – 2019 cũng tăng trưởng mạnh sau mỗi năm. Riêng năm 2019, doanh thu thuần của Grab đạt 3.382,48 tỷ đồng, gấp 18 lần so với năm 2016.
Tuy nhiên, trong 4 năm gần đây Grab chưa hề báo lãi, thậm chí là lỗ nặng và mức lỗ thuần mỗi năm một sâu thêm. Như năm 2016 và 2017, mức lỗ thuần của Grab lần lượt là 444,74 tỷ đồng và 788,9 tỷ đồng.
Năm 2019, Grab có lỗ thuần ở mức 1.696,7 tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với năm trước (năm 2018 lỗ thuần 884,8 tỷ đồng).
Về cơ cấu nguồn vốn, tổng tài sản của Grab tăng trưởng mạnh mẽ trong 4 năm trở lại đây. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Grab đạt 2.696,7 tỷ đồng, gấp 33,5 lần so với năm 2016.
Đồng thời, do khoản lỗ lũy kế lớn, vốn chủ sở hữu của Grab trong 4 năm trở lại đây luôn trong tình trạng âm và càng âm sâu thêm qua các năm. Tính đến cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu của Grab ở mức âm 4.288,77 tỷ đồng.
Tính đến ngày 27/3/2020, Grab có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, gồm 2 cổ đông là Grab Inc (có trụ sở tại Cayman Islands, nắm giữ 49% VĐL) và bà Lý Thụy Bích Huyền (nắm giữ 51% VĐL). Giám đốc điều hành kiêm người đại diện theo pháp luật là bà Nguyễn Thái Hải Vân (SN 1980).
Đến kẻ bám đuổi Go-Viet
Xuất hiện sau Grab khoảng 2 năm, Go-Viet là một thành viên của Tập đoàn Gojek, có mặt tại thị trường Việt Nam vào tháng 8/2018, được điều hành và quản lý bởi Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ GoViet (GoViet). Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật hiện do ông Phùng Tuấn Đức (SN 1987) đảm nhiệm.
Vừa qua, ứng dụng GoViet đã được hợp nhất chuyển thành Gojek, ban lãnh đạo tập đoàn cho biết đây là cột mốc quan trọng trong chiến lược dài hạn của GoViet để mở rộng hơn nữa hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Theo giới thiệu trên trang chủ, hiện GoViet đã kết nối hơn 150.000 đối tác tài xế và 80.000 đối tác nhà hàng với hàng triệu người dùng Việt qua 3 dịch vụ đặt xe (GoRide), đặt món (GoFood), và đặt giao hàng (GoSend).
Tuy nhiên, giống với Grab, GoViet cũng không tránh khỏi tình trạng thua lỗ để tranh giành thị phần. Năm 2019, GoViet báo lỗ thuần ở mức 1.681,7 tỷ đồng, cao gấp hơn 3 lần so với năm trước (năm 2018 lỗ thuần 549,26 tỷ đồng).
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của GoViet đạt 368,64 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu giảm mạnh từ âm 547,26 tỷ đồng xuống mức âm 2.228,9 tỷ đồng.
"Tay chơi" Be Group cũng chìm trong thua lỗ
Be là ứng dụng gọi xe công nghệ đươc phát triển bởi Công ty cổ phần Be Group (Be Group) – một startup công nghệ Việt Nam.
Be Group được thành lập ngày 11/5/2018 với số vốn điều lệ chỉ 200 triệu đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Ngọc Bảo Lâm (nắm giữ 50% VĐL), ông Bùi Huy Hướng (nắm giữ 25% VĐL) và ông Hà Anh Tuấn (nắm giữ 25% VĐL).
Tính đến ngày 24/2/2020, Be Group có vốn điều lệ 755,89 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông thời điểm này không được tiết lộ. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật do bà Nguyễn Hoàng Phương (SN 1985) đảm nhiệm.
Ứng dụng be bắt đầu được ra mắt vào ngày 13/12/2018 tại Hà Nội và TP. HCM với 2 dịch vụ chính là beBike và beCar, và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 17/12/2018. Đây là ứng dụng được đầu tư và hợp tác từ các đối tác chiến lược là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VBBank) và Công ty Bảo hiểm Opes.
Sau 1 năm ra mắt, be đã có mặt tại 10 tỉnh thành và cung cấp tổng cộng 5 dịch vụ cho khách hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, ứng dụng be đã được tải xuống trên 5,5 triệu thiết bị di động, hoàn thành khoảng 38 triệu chuyến xe (beBike và beCar) và thu về hơn 16% thị phần.
Ngoài ra, be cũng nhanh chóng mở ra hệ sinh thái số với nhiều dịch vụ mới như beFinancial (dịch vụ cung cấp giải pháp tài chính), beExpress (dịch vụ chuyển phát, bưu chính), beDelivery (dịch vụ giao hàng).
Cũng giống với 2 hãng xe công nghệ “ngoại” kể trên, Be Group cũng có kết quả kinh doanh thua lỗ để cạnh tranh thị phần. Năm 2019, doanh thu thuần của Be Group đạt 456,2 tỷ đồng, lỗ thuần ở mức 1.502,3 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Be Group đạt 272,45 tỷ đồng, tăng gần 50% so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu giảm mạnh từ 17,21 tỷ đồng xuống âm 440,96 tỷ đồng.
Thị trường xe công nghệ tại Việt Nam đang là “miếng bánh” khổng lồ được nhiều ông lớn nhắm đến. Việc Grab, GoViet và Be Group đều báo lỗ trong nhiều năm và chưa có dấu hiệu dừng lại cho thấy cuộc đua thị phần vẫn là mục tiêu được các hãng xe này nhắm đến./.