Cần Thơ, Lâm Đồng, Hải Phòng có dịch vụ GrabCar

VietTimes – Grab Việt Nam mở rộng thị trường dịch vụ gọi xe công nghệ GrabCar, có mặt thêm ở 3 tỉnh thành tại Việt Nam là Cần Thơ, Lâm Đồng và Hải Phòng.
Ảnh minh họa (Nguồn: Grab)
Ảnh minh họa (Nguồn: Grab)

Từ ngày 15/6, Grab Việt Nam đã mở rộng dịch vụ GrabCar thêm ở 3 tỉnh thành là Cần Thơ, Lâm Đồng và Hải Phòng. Như vậy, GrabCar đã có mặt ở 8 tỉnh thành trên cả nước, trước đó hãng gọi xe công nghệ này đã cung cấp dịch vụ GrabCar ở Hà Nội, Tp. HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh.

Theo đó, cước phí dịch vụ GrabCar 4 chỗ ở các tỉnh thành mới mở có giá cước tối thiểu từ 22.000-23.000 đồng, giá cước mỗi km dao động trong khoảng 9.500-11.000 đồng/km. Tuy nhiên, dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Cần Thơ và Lâm Đồng sẽ không áp dụng cách tính giá cước theo phút, tại Hải Phòng giá cước theo phút là 400 đồng/phút.

Trong khi đó, dịch vụ GrabCar 7 chỗ chỉ có tại Cần Thơ và Lâm Đồng với giá cước tối thiểu là 30.000 đồng. Giá cước mỗi km trong khoảng 14.000-15.000 đồng/km.

Được biết, nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã tạo điều kiện cho hãng Grab mở rộng phạm vi kinh doanh trên toàn quốc, không bị hạn chế ở 5 tỉnh thành như khi triển khai đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử trước đây.

Bên cạnh việc cho phép mở rộng phạm vi hoạt động dịch vụ gọi xe công nghệ 4 bánh, nghị định 10 còn quy định các hãng gọi xe công nghệ phải dán phù hiệu “xe hợp đồng” ở trước và sau xe.

Trước đó, ứng dụng gọi xe công nghệ Vato cũng đã mở rộng thị trường Cần Thơ với dịch vụ xe máy (VatoBike) và ô tô (VatoCar). Thị trường gọi xe công nghệ nội địa, đặc biệt là khu vực phía Nam đang rất sôi động. Tuy nhiên, tại Việt Nam chỉ có Grab, Be, FastGo và Vato là những công ty cung cấp dịch vụ 4 bánh.

Đại diện Grab Việt Nam khẳng định, sẽ mở rộng thị trường với các dịch vụ như di chuyển (GrabCar, GrabBike), đặt thức ăn (GrabFood) và giao hàng (GrabExpress). Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các dịch vụ, đảm bảo tuân thủ quy định mới theo nghị định của Chính phủ để triển khai mở rộng dịch vụ ở nhiều tỉnh thành khác.

Từ đầu năm 2020, các hãng xe công nghệ phải tích cực phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước để hỗ trợ đối tác tài xế, hợp tác xã vận tải triển khai theo những yêu cầu của Nghị định 10/2020/NĐ-CP (như trang bị camera hành trình, cấp lại phù hiệu hợp đồng). Sau khi đáp ứng đầy đủ theo quy định, các hãng xe công nghệ mới có thể tiếp tục cung cấp dịch vụ ở những thị trường hiện hữu và hướng tới mở rộng kinh doanh sang các tỉnh thành khác./.

Theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP, sẽ có ba mô hình hoạt động vận tải là kinh doanh hoạt động vận tải hành khách bằng taxi; kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải. Tất cả các doanh nghiệp có thể tham gia hoạt động cung cấp ứng dụng gọi xe công nghệ mà không cần xin giấy phép thí điểm xe hợp đồng điện tử như trước kia, không bị giới hạn số tỉnh thành cung cấp dịch vụ.