Cuộc chiến với các “ông trùm” núp bóng doanh nhân

Năm 2014, hoạt động của các băng nhóm tội phạm có tổ chức đi vào chiều sâu, hướng đến các hoạt động về kinh tế, núp bóng doanh nghiệp để tạo ra nguồn tài chính phục vụ duy trì hoạt động, thu lợi bất chính.
Lực lượng công an thu giữ vũ khí nguy hiểm của băng nhóm tội phạm có tổ chức do Nhật “khùng” cầm đầu

Thành lập doanh nghiệp, vỏ bọc tinh vi của tội phạm có tổ chức

Tối 13/8, hàng trăm cảnh sát bất ngờ bao vây, đồng loạt khám xét, bắt giữ Nguyễn Ngọc Minh (tức Minh "Sâm" SN 1960, ở phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; Giám đốc Công ty TNHH Đại An) và Nguyễn Thành Hưng (tức Hưng “sóc”, SN 1953, ở xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, Giám đốc Công ty TNHH Thành Hưng), thu giữ 1 lựu đạn, 6 súng ngắn, 7 ô tô, 1 cây gỗ sưa và nhiều tài sản liên quan. Từ đây, bức bình phong che phủ hoạt động tội ác  của băng nhóm  tội phạm “xã hội đen” hoạt động núp bóng doanh nghiệp thành đạt trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh được vạch trần.

Cơ quan Công an đã làm rõ, đằng sau vỏ bọc doanh nhân, Nguyễn Ngọc Minh đã gây ra nhiều vụ phạm pháp, từ buôn lậu đến cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích... Lấy nguồn lực phi pháp để phát triển doanh nghiệp, Nguyễn Ngọc Minh dần thao túng thị trường gỗ tại địa phương lũng đoạn hoạt động xã hội một vùng.

Mới đây nhất, rạng sáng ngày 8/11, trên 200 cán bộ chiến sĩ các lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát hình sự - Bộ Công an đồng loạt tấn công “sào huyệt” của băng nhóm tội phạm “cát tặc” trên sông Hồng  thuộc địa bàn huyện Phúc Thọ (Hà Nội) do Vũ Anh Toàn tức Toàn “cụt” cầm đầu, tạm giữ 51 tàu trong đó có 21 tàu hút, 30 tàu chuyên chở cùng 30 đối tượng đang hoạt động khai thác cát trái phép. Đây là băng nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động lộng hành trong một thời gian dài, gây bức xúc trong nhân dân.

Cũng giống như Minh “sâm”, Toàn “cụt” tạo vỏ bọc hợp pháp cho hoạt động khai thác bến, hút cát, đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi cho đến cắt phế tàu phà và mua bán đất cát bằng việc thành lập Công ty TNHH Đầu tư thương mại Biển Đông từ năm 2007, sau đổi tên thành  Công ty TNHH Cứu nạn và cứu hộ Biển Đông, tiếp đó là Công ty Cổ phần Vân Phúc, chỉ đạo đàn em thao túng cả một vùng sông Hồng.

Kết quả điều tra cho thấy, chỉ tính riêng  trong thời gian 2 tháng (từ tháng 9/2014 đến khi vụ án được triệt phá), Vũ Anh Toàn và người anh em đồng hao Nguyễn Văn Hiểu đã chỉ đạo 19 tàu khai thác và bán được khoảng 243.382m3 cát, thu về số tiền hơn 12 tỉ đồng. Trừ số tiền phải chi phí cho các chủ tàu, nhóm của Toàn "cụt" bỏ túi khoảng 6 đến 8 tỉ đồng tiền khai thác cát trái phép.

Tang vật trong vụ án Nhật “khùng”.

Thành lập doanh nghiệp, xây dựng vỏ bọc hợp pháp che giấu hoạt động tội phạm là một trong những thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm của tội phạm hình sự có tổ chức đã và đang áp dụng để đối phó với sự phát hiện, xử lý của công an.

Theo đánh giá của Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C45) Bộ Công an, trong năm 2014, hoạt động phạm tội của các băng nhóm tội phạm có tổ chức đi vào chiều sâu, hướng đến các hoạt động về kinh tế, núp bóng doanh nghiệp để tạo ra nguồn tài chính phục vụ duy trì hoạt động của băng nhóm và thu lợi bất chính như: bảo kê thu phế hoạt động hàng tháng đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT; bảo kê khai thác trái phép tài nguyên, khoáng sản; bảo kê, chèn ép hoạt động kinh doanh vận tải xe khách, taxi; bảo kê buôn lậu, kinh doanh xuất nhập khẩu; bảo kê thâu tóm các nguồn nguyên vật liệu xây dựng, phế liệu, chất thải tại các khu công nghiệp.

Sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, khủng bố tinh thầng để chèn ép hoạt động đấu thầu các dự án, công trình, các đầu mối thi công xây dựng; lợi dụng hoạt động kinh doanh cầm đồ, công ty tài chính để cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê nhằm cưỡng đoạt tài sản. Tổ chức đánh bạc gắn với hoạt động tín dụng đen, cá độ, đánh bạc trên mạng Internet. Lấn chiếm, sử dụng trái phép đất đai, đặc biệt là đất công, đất xen kẹt, đất thuộc diện giải tỏa…

Các đối tượng cầm đầu trong băng nhóm thường đứng phía sau chỉ đạo hoạt động của đàn em, rất hạn chế tham gia trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội, ít gây ra những vụ việc lớn hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Sau khi gây án, các đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội lập tức bỏ trốn hoặc “giả điên”, hoặc tìm mọi cách vừa đe dọa, khống chế bị hại, vừa bồi thường số tiền lớn buộc bị hại phải rút đơn và từ chối giám định thương tích.

Chúng dựa vào các mối quan hệ móc nối với các cán bộ, lãnh đạo thoái hóa trong các cơ quan Nhà nước kết hợp với việc sử dụng vũ lực, uy hiếp tinh thần để cạnh tranh kinh doanh không bình đẳng, lợi dụng những kẽ hở trong quy định của pháp luật để kinh doanh thu lợi bất chính…

Quyết liệt đấu tranh

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của loại tội phạm có tổ chức, lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm và Cục CSHS đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này.

Đặc biệt là việc  thành lập Ban chỉ đạo giải quyết tình hình tội phạm có tổ chức do một đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng ban và việc ban hành Kế hoạch số 03 ngày 6/1/2014  về đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức triển khai đến Công an các đơn vị, địa phương trong toàn quốc.

Đây là một quyết định đúng đắn, kịp thời, thể hiện quyết tâm của lãnh đạo Bộ Công an trong giải quyết tình hình  tội phạm có tổ chức, tạo sự chỉ đạo tập trung, cao độ, quyết liệt và toàn diện để giải quyết loại tội phạm này; Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng trong việc giải quyết tội phạm có tổ chức cho công an các cấp, gắn trách nhiệm các cấp ủy Đảng, chính quyền và người đứng đầu Công an các cấp.

Với phương châm “bóp chết từ trong trứng”, công an các địa phương đã thể hiện sự chủ động trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức, kiên quyết giải quyết các  băng nhóm tội phạm mới manh nha hoạt động, không để hình thành các băng nhóm tội phạm nguy hiểm, hoạt động theo kiểu “xã hội đen”.

Đặc biệt tập trung vào các băng nhóm tội phạm sử dụng hung khí, vũ khí nóng, sử dụng công nghệ cao để hoạt động phạm tội; các băng nhóm cho vay lãi nặng, bảo kê, siết nợ, đòi nợ thuê, đâm thuê chém mướn; các đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ; các băng nhóm núp dưới danh nghĩa doanh nghiệp hoạt động tranh giành địa bàn, tổ chức đường dây buôn lậu, bảo kê trong thu mua hải sản, lâm sản, khai thác khoáng sản trái phép; các đối tượng hình sự cộm cán hoạt động lưu động, nhất là các đối tượng hình sự ở phía Bắc di chuyển vào phía Nam hoạt động.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các địa phương tập trung điều tra các vụ án xảy ra trước đây nghi có liên quan đến các băng nhóm tội phạm có tổ chức để xử lý triệt để, tận gốc loại tội phạm

Do chủ động khoanh vùng, lên danh sách các băng nhóm tội phạm hình sự hoạt động trên địa bàn để tập trung đấu tranh nên trong thời gian qua, lực lượng Công an toàn quốc đã đánh mạnh, đánh trúng nhiều băng nhóm tội phạm nguy hiểm, bắt giữ các đối tượng hình sự cộm cán, tạo sức răn đe mạnh mẽ đối với tội phạm có tổ chức.

Quán triệt quan điểm: “Nơi nào, lực lượng nào, cá nhân nào để tội phạm, tệ nạn xã hội hoạt động lộng hành, kéo dài hoặc làm ngơ, đấu tranh hình thức, ngụy tạo để che chắn bên trong thì sẽ bị xử lý trách nhiệm nghiêm túc”, công an một số địa phương như Hà Nội, Hải Phòng đã xử lý nghiêm, điều chuyển công tác một số lãnh đạo, cán bộ quản lý các địa bàn để xảy ra tình trạng tội phạm lộng hành. Điều đó cho thấy thái độ nghiêm túc, quyết liệt giải quyết tình trạng bảo kê tội phạm.

Một số đơn vị, địa phương đã đấu tranh có hiệu quả với các thủ đoạn mới của tội phạm có tổ chức như Công an TP Hải Phòng đấu tranh thành công với thủ đoạn “giả điên chạy sổ tâm thần”, Công an Thanh Hóa đấu tranh thành công với các băng nhóm hoạt động “tín dụng đen”, Cục C45 triệt phá thành công đường dây sản xuất vũ khí quân dụng.

Đặc biệt, ngày 21/10, Cục C45 đã triệt phá băng nhóm tội phạm mua bán trái phép ma túy, vũ khí quân dụng, cưỡng đoạt tài sản do Trần Hòang Nhật tức Nhật “khùng” cầm đầu, bước đầu bắt giữ 5 đối tượng, thu 13 khẩu súng các loại, 1 quả lựu đạn mỏ vịt;  1 kg ma túy tổng hợp và nhiều hung khí, tài liệu khác liên quan đến hoạt động tội phạm.

Đây là băng nhóm hội tụ đủ các yếu tố của tội phạm có tổ chức như: Hoạt động đâm thuê chém mướn; cho vay nặng lãi, tổ chức cưỡng đoạt tài sản khi người vay không trả tiền và tổ chức tham gia đánh bạc, cá độ bóng đá; hoạt động trên nhiều địa bàn khác nhau; có sự  câu kết các đối  tượng hình sự gốc Bắc đang hoạt động tại TP HCM hình thành nên băng nhóm.

Theo nhận định của Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến do tác động của nền kinh tế đang có nhiều khó khăn, dự báo tình hình tội phạm có tổ chức còn diễn biến phức tạp. Hiện tượng làm ăn thua lỗ, nợ nần, việc vay mượn qua “tín dụng đen” đang xuất hiện ngày càng nhiều dẫn đến những tranh chấp kinh tế, tranh chấp làm ăn, phát sinh mâu thuẫn không giải quyết theo khuôn khổ pháp luật mà giải quyết bằng bạo lực hoặc thuê mướn băng nhóm tội phạm thanh toán lẫn nhau hoặc thực hiện bằng việc đòi nợ thuê…

Các băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen ngày càng thâm nhập sâu vào các hoạt động kinh tế, núp dưới bóng doanh nghiệp, tăng cường móc nối với các cán bộ thoái hóa biến chất để phạm tội. Song dù vỏ bọc có kín đáo, hào nhoáng đến đâu thì hành vi của các  băng nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động theo kiểu  "xã hội đen" cũng có chỗ sơ hở bởi tự thân các hành vi phạm tội đã làm ảnh hưởng đến ANTT tại địa phương, đe dọa sức khỏe, tính mạng, tài sản của người dân.

Tuy nhiên, thực tế  thời gian qua, sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể nhiều nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa đồng đều; phong trào toàn dân phòng, chống tội phạm ở cơ sở còn chưa chuyên sâu và rộng khắp. Người dân bị tội phạm tấn công vì thế không dám trình báo, tố giác.

Do đó, quan điểm của lực lượng Công an trong đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức là phải quyết liệt phòng ngừa, xử lý nghiêm các hành vi bảo kê, tiếp tay, làm ngơ cho tội phạm có tổ chức hoạt động. Nếu phát hiện cá nhân, địa bàn nào có biểu hiện bảo kê, không quyết liệt đấu tranh triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức cộm cán thì phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị có liên quan.

Tính đến quý III-2014, lực lượng Công an toàn quốc đã triệt phá 3.407 băng nhóm tội phạm hình sự, khởi tố 8.164 bị can, trong đó triệt phá 3 băng nhóm hoạt động “xã hội đen”, 3 băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia, 523 băng nhóm tội phạm nguy hiểm. Hoạt động của các băng nhóm tội phạm có tổ chức đã giảm cơ bản, không để gây ra các vụ án nghiêm trọng.

Các băng nhóm, các vụ việc sử dụng súng quân dụng, súng tự chế để thanh toán nhau không còn phức tạp so với giai đoạn trước; đặc biệt, tình trạng tội phạm có tổ chức sử dụng vũ khí nóng để gây thanh thế, tội phạm sử dụng mìn, vật liệu nổ để gây án đã giảm hẳn.

Theo CAND