Không có vùng cấm trong xử lý thuốc giả
Tại hội thảo “Thuốc giả - hệ lụy thật: Giải pháp nào ngăn chặn” tổ chức sáng nay, 26/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: Quan điểm của Bộ Y tế rất rõ ràng và nhất quán, phải đấu tranh quyết liệt, xử lý nghiêm khắc, không có vùng cấm với thuốc giả, đồng thời, phải xử lý cả hành vi bao che, tiếp tay, thiếu trách nhiệm trong quản lý, để thuốc giả tồn tại và len lỏi vào hệ thống phân phối thuốc.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, thuốc là mặt hàng đặc biệt, liên quan trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe con người. Bất kỳ hành vi sản xuất, buôn bán, lưu hành thuốc giả nào - dù chỉ là một viên thuốc - cũng vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội và cần bị lên án, xử lý nghiêm minh. Hệ lụy do thuốc giả gây ra là rất nghiêm trọng.
Thời gian qua, tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng, đặc biệt là thuốc cổ truyền, thuốc không rõ nguồn gốc vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều đối tượng sử dụng mạng xã hội, thậm chí cả danh xưng của bác sĩ, để quảng cáo thuốc giả như “thần dược”. Gần đây, nhiều vụ việc nghiêm trọng đã được phát hiện như vụ thuốc giả Tetracyclin, Clorocid tại Thanh Hóa, Hà Nam với quy mô lớn, có tổ chức.
Để ngăn chặn thuốc giả, ông Tuyên cho biết Bộ Y tế đã chủ động triển khai nhiều biện pháp, chỉ đạo thực hiện các công điện 41, 55, 65 và Chỉ thị 13 của Thủ tướng Chính phủ; thành lập tổ công tác chuyên trách phòng, chống thuốc giả do Thứ trưởng Bộ Y tế phụ trách.
Cuộc chiến chống thuốc giả còn nhiều thách thức
Trao đổi với VietTimes bên lề hội thảo, ông Tạ Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) – thông tin: Việt Nam cũng đối mặt với nhiều nguy cơ xâm nhập thuốc giả từ bên ngoài, và lan rộng thông qua các nền tảng mạng xã hội, thương mại điện tử xuyên biên giới.
Hệ thống pháp luật hiện hành đã thiết lập hành lang pháp lý tương đối đầy đủ nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, lưu hành, kinh doanh thuốc. Hoạt động kiểm soát được thực hiện đồng thời theo cơ chế tiền kiểm và hậu kiểm, với hệ thống kiểm nghiệm thuốc từ trung ương đến địa phương. Hàng năm, hàng chục nghìn mẫu thuốc được lấy kiểm tra chất lượng.
Nhờ đó, tỷ lệ thuốc giả và thuốc kém chất lượng tại Việt Nam trong những năm gần đây giảm. Đặc biệt, khả năng thâm nhập của thuốc giả vào cơ sở khám chữa bệnh rất thấp.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng chia sẻ về khó khăn trong đấu tranh phòng, chống thuốc giả: Các đối tượng sản xuất chui, không cần nhà xưởng, thiết bị hiện đại, sử dụng nhiều thủ đoạn che giấu. Trong khi nhiều cơ sở bán lẻ thuốc không tuân thủ quy định phải mua bán thuốc từ cơ sở được cấp phép, chứng minh nguồn gốc, đã tạo điều kiện cho thuốc giả vào hệ thống hợp pháp.
Tình trạng mua bán trực tuyến trên mạng xã hội rất phổ biến nhưng khó kiểm soát; nhiều người tự mua thuốc sử dụng thuốc theo truyền miệng hoặc quảng cáo (nhấtlà trên mạng xã hội) tạo cơ hội cho thuốc giả lưu hành.
Trong khi đó, năng lực hệ thống kiểm nghiệm thuốc chưa đáp ứng; chưa có thiết bị giám sát nhanh tại hiện trường để phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng kịp thời. Năng lực đội ngũ thanh tra, kiểm tra tại xã, phường còn hạn chế, nên nhiều vụ sản xuất thuốc giả trong thời gian dài không được phát hiện. Ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc (QR code, blockchain) còn hạn chế, khiến việc nhận dạng hàng giả, đặc biệt với công nghệ in ấn hiện đại, gặp khó khăn.
Ngoài ra, chế tài xử phạt hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả chưa đủ tính răn đe, nhất là các trường hợp chưa đến mức xử lý hình sự hoặc giá trị hàng hóa thấp. Quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN) cho phép quảng cáo công dụng gần giống thuốc chữa bệnh, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Việc phân định ranh giới giữa thuốc, TPCN, thiết bị y tế chưa rõ ràng, tạo kẽ hở để một số sản phẩm không phải thuốc được quảng cáo như thuốc chữa bệnh.
Bên cạnh đó, một số quy định tiền kiểm được chuyển sang hậu kiểm (như tự công bố sản phẩm) nhưng nguồn lực hậu kiểm chưa tương ứng, dễ bị lợi dụng. Quy định về kiểm nghiệm lại đối với mẫu hàng hóa chưa nhất quán.
Giải pháp đồng bộ và toàn diện
Ông Hùng cho biết Bộ Y tế xác định nhiều giải pháp trọng tâm để đẩy lùi thuốc giả: Tăng mức xử phạt, xây dựng quy định quản lý thuốc online, siết chặt kiểm soát quảng cáo và phân biệt rõ ranh giới giữa thuốc, TPCN và thiết bị y tế; tăng cường thanh tra, kiểm tra vào nguồn gốc thuốc, hóa đơn chứng từ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; nâng cao trách nhiệm chính quyền cơ sở và thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành.
Đẩy mạnh chuyển đổi số là một biện pháp quan trọng với việc phát triển cơ sở dữ liệu dược quốc gia, áp dụng truy xuất nguồn gốc bằng QR code, blockchain; phát hiện sớm các vi phạm qua mạng xã hội. Ngoài ra, cần đầu tư thiết bị hiện đại, giúp phát hiện thuốc giả tại chỗ; khuyến khích người dân tố giác vi phạm, tăng cường phối hợp giữa Bộ Y tế với các bộ, ngành, địa phương vv…
“Cuộc chiến chống thuốc giả là nhiệm vụ lâu dài, cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, từ cơ quan quản lý đến doanh nghiệp và người dân. Cục Quản lý Dược cam kết tiếp tục hoàn thiện chính sách, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và nâng cao năng lực chuyên môn để bảo vệ sức khỏe cộng đồng” – ông Hùng chia sẻ.