Một hành trình mới mẻ nhưng đầy hy vọng đang được mở ra cho hàng trăm người bệnh. Những bản nhạc sâu lắng và sắc màu hội họa đã trở thành cầu nối cảm xúc, giúp người bệnh tìm lại chính mình trong cơn giông bão nội tâm.
Liệu pháp không lời – cánh cửa mở vào nội tâm
BS Nguyễn Thị Hoa – Phó phòng Tâm lý Viện Sức khỏe Tâm thần (SKTT) – cho biết điều trị rối loạn SKTT luôn dựa trên ba trụ cột chính: Thuốc, can thiệp điều biến não bộ và liệu pháp tâm lý.

Trong đó, liệu pháp tâm lý thường yêu cầu người bệnh chia sẻ bằng lời để diễn đạt những trải nghiệm, tổn thương, cảm xúc, suy nghĩ…. Nhưng, điều tưởng đơn giản ấy lại quá sức với những người trầm cảm, rối loạn lo âu hay rối loạn cảm xúc... Chính tại điểm giao giữa sự bất lực trong ngôn ngữ và khao khát được thấu hiểu, âm nhạc và hội họa đã bước vào như những liệu pháp không lời nhưng sâu sắc.
Theo BS Hoa, lần đầu tiên Viện SKTT đưa âm nhạc và hội họa vào trị liệu tâm lý. Dù mới triển khai, nhưng người bệnh đã có tiến triển rõ rệt. Liệu pháp hội họa như vẽ, tô màu khuyến khích khám phá và thể hiện cảm xúc cá nhân đặc biệt hữu ích cho những người gặp khó khăn trong giao tiếp bằng lời nói. Liệu pháp âm nhạc sử dụng các biện pháp can thiệp như lắng nghe, sáng tác nhạc, giúp người bệnh giảm triệu chứng lo âu, trầm cảm và sang chấn tâm lý.
Đặc biệt, liệu pháp này có thể áp dụng cho nhiều nhóm bệnh nhân: Rối loạn cảm xúc, trầm cảm, tự kỷ, người bị khuyết tật học tập, trẻ em bị bại não, người sang chấn sau chấn thương (PTSD).… giúp kết nối con người bên ngoài với “con người bên trong” của người bệnh.
“Cơ sở của liệu pháp nghệ thuật được thiết lập dựa trên ý tưởng mọi người có thể phục hồi thông qua việc thể hiện nghệ thuật. Cốt lõi của cả hai liệu pháp đều an toàn và không phán xét, thúc đẩy quá trình chữa lành và nhận thức bản thân”- BS Hoa thông tin.

Hội họa – đánh thức những cảm xúc sâu kín
Trong căn phòng nhỏ tràn đầy tiếng nhạc du dương, các bệnh nhân được khuyến khích vẽ theo cảm xúc – không có phán xét/đánh giá đúng - sai, đẹp hay không đẹp - chỉ cần chân thật.
Sau một giờ vẽ, chị T.H.X đã có một bức tranh đa sắc: Ngôi nhà với những quả bóng bay đủ màu. Còn bức vẽ của chị L.M là biển xanh sóng trắng mây hồng lãng mạn. Chàng trai trẻ N.V.N. thấy mình trên giảng đường…
Theo BS Hoa, khi cầm bút vẽ giữa nền âm nhạc nhẹ nhàng, người bệnh được thư giãn và bộc lộ cảm xúc chân thật trong từng gam màu, hình khối. Hội họa như "tấm gương màu" phản chiếu thế giới nội tâm, để người bệnh hiểu đúng con người thật của mình, đồng thời, giúp bác sĩ nắm được trạng thái tâm lý và có phác đồ điều trị hiệu quả.
“Đáng mừng là người bệnh đều hào hứng tham gia và bước đầu có những tiến triển tốt khi họ tìm thấy sự thư giãn và giải toả bản thân” - BS Hoa cho hay.

Chạm vào ký ức, chạm tới trái tim
Buổi chiều, ở phòng liệu pháp âm nhạc, khi TS Trịnh Thanh Hương - chuyên gia tâm lý - cùng những bệnh nhân lạc vào giai điệu nhẹ nhàng của ca khúc “Cha và con gái”, nữ bệnh nhân H.T.L bỗng oà khóc nức nở. L. nói rằng bài hát làm cô nhớ cha mình, nhớ những hình ảnh quen thuộc của ông ở nhà…
Âm nhạc đã khơi dậy ký ức thân thương và cảm xúc bị kìm nén bấy lâu của L. Đó là những bước đầu tiên của sự chữa lành, là dấu hiệu cho thấy bệnh nhân đang kết nối trở lại với chính mình – bước quan trọng trong hành trình điều trị.
“Một bản nhạc buồn giúp nhận diện nỗi đau, một giai điệu vui tươi có thể gieo hy vọng. Quan trọng nhất, âm nhạc khiến người bệnh cảm thấy được yêu thương” - TS Hương nhấn mạnh.
Theo TS Trịnh Thanh Hương, liệu pháp âm nhạc là một tiến trình có định hướng, nơi âm nhạc phản ánh nội tâm người bệnh, giúp họ đối diện với cảm xúc của chính mình. Với người mắc trầm cảm, rối loạn cảm xúc, tự kỷ – những người thường khép kín và bị tê liệt cảm xúc – âm nhạc không chỉ là phương tiện thư giãn mà còn đánh thức nội tâm đã ngủ quên. Âm nhạc không chỉ là phương pháp, mà còn là ký ức, là kết nối.

BS Hoa cho hay mỗi bệnh nhân là một “giai điệu” khác biệt nhưng đều có thể được đánh thức: Với người bệnh khó giao tiếp, hội hoạ - âm nhạc trở thành “ngôn ngữ thứ hai” giúp họ bày tỏ cảm xúc. Với người lo âu, âm nhạc - hội hoạ giúp thư giãn, ổn định tâm trí. Với người trầm cảm, âm nhạc - mỹ thuật đánh thức cảm xúc tích cực, khơi gợi ý nghĩa sống.
Việc đưa nghệ thuật vào điều trị ở Viện SKTT là một dấu mốc thể hiện tư duy toàn diện và nhân bản trong chăm sóc người bệnh, một hành trình đang âm thầm chuyển hóa nhiều cuộc đời bằng âm thanh, sắc màu và lòng nhân ái, để kết nối, xoa dịu và chữa lành, giúp người bệnh không chỉ giảm triệu chứng, mà còn tìm lại niềm vui, sự tự tin và cảm giác mình có giá trị.
Bởi, chữa lành không chỉ nằm ở y học, mà còn ở sự thấu hiểu bằng cả trái tim.

Nam sinh bị trầm cảm đến muốn tự sát, vì áp lực từ bố mẹ muốn con phải vào thẳng đại học

Rối loạn giấc ngủ triền miên - nguy cơ trầm cảm cao gấp 4 lần

Trầm cảm và tự sát - mối liên hệ “chết người” luôn rình rập trong mỗi gia đình
