
Nhiễm khuẩn nguy hiểm từ vết gai đâm
Ông T. đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương với lo ngại về mức độ nguy hiểm của viêm mô bào – một bệnh nhiễm khuẩn mô mềm có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được điều trị kịp thời.
Ba ngày trước khi nhập viện, ông T. lội xuống đầm tôm thì bị gai nhọn đâm vào cẳng chân trái. Ban đầu, vết thương chỉ là một nốt tròn nhỏ, tưởng chừng vô hại. Tuy nhiên, chỉ sau hai ngày, vùng da xung quanh bắt đầu sưng to, phù nề, bề mặt sần sùi và xuất hiện nhiều bóng nước.
Tình trạng lan nhanh đến mức bệnh nhân khó thở, tụt huyết áp, phải thở máy và được đưa đến viện trong trạng thái sốc nhiễm khuẩn và suy hô hấp nặng.
Tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các bác sĩ xác định ông T. đã rơi vào tình trạng nhiễm khuẩn huyết, viêm mô bào lan tỏa, sốc nhiễm khuẩn và suy đa tạng. Da vùng tổn thương không chỉ lan rộng ở chân trái mà còn xuất hiện ở chân phải và tay. Đáng chú ý, bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường nặng, vốn là yếu tố nguy cơ khiến bệnh diễn tiến nhanh và trầm trọng hơn.
Xét nghiệm phản ánh mức độ nguy kịch rõ rệt: tiểu cầu giảm chỉ còn 50 G/L (bình thường 150–450) cho thấy tình trạng rối loạn đông máu; men gan AST vượt quá 200 U/L (bình thường <40), biểu hiện suy gan; CK – chỉ dấu hoại tử cơ – tăng đến 4.000 U/L, cao gấp 40 lần bình thường; Procalcitonin đạt 60 ng/mL (bình thường <0,05) – mức cao điển hình trong nhiễm trùng huyết nặng. Kèm theo đó là tình trạng toan chuyển hóa nặng, thiểu niệu và suy thận cấp.
Toàn bộ chân trái của bệnh nhân đã hoại tử lan rộng, chuyển sang màu tím đen – dấu hiệu điển hình của hoại tử mô sâu. Cẳng chân sưng phù gấp rưỡi kích thước bình thường, bề mặt da căng bóng, loang lổ các mảng da tím đen. Các ngón chân đã co quắp, đổi màu, móng dày sừng – dấu hiệu hoại tử kéo dài. Trong chưa đầy 24 giờ, hoại tử đã lan từ cổ chân vượt qua đầu gối lên đến vùng đùi. Chi còn lại cũng đã xuất hiện mảng da sẫm màu, báo hiệu nguy cơ hoại tử toàn thân nếu không kiểm soát được tình trạng nhiễm khuẩn.
Hiện tại, ông T. đang được điều trị tích cực bằng lọc máu liên tục, kháng sinh phổ rộng liều cao, thở máy và thuốc vận mạch. Tuy nhiên, tiên lượng bệnh vẫn rất dè dặt, nguy cơ tử vong cao.

Bác sĩ cảnh báo
ThS.BS Lê Sơn Việt, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cảnh báo: “Viêm mô bào là bệnh nhiễm khuẩn mô mềm nguy hiểm, có thể xuất phát từ những vết thương nhỏ nhưng diễn tiến cực nhanh, đặc biệt với người có bệnh nền như đái tháo đường. Vi khuẩn xâm nhập qua da và lan nhanh qua mô dưới da và hệ bạch huyết, gây viêm lan tỏa, hoại tử cơ – gân – mô mềm. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, suy đa tạng và tử vong.”
Ông cũng cho biết hiện nay chưa có vaccine hay thuốc dự phòng đặc hiệu cho viêm mô bào, do đó phòng ngừa vẫn là yếu tố then chốt. Người dân, đặc biệt là những người có bệnh nền như tiểu đường, tim mạch, suy giảm miễn dịch, cần thận trọng khi tiếp xúc với môi trường tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn như đầm lầy, ao hồ, bùn đất.
Khi làm việc ở những nơi này, nên mặc đồ bảo hộ, ủng cao su và tuyệt đối sát trùng kỹ nếu có vết thương ngoài da. Nếu thấy các dấu hiệu bất thường như đỏ, sưng, nóng, đau, nổi bóng nước, lan nhanh, cần đến cơ sở y tế ngay.
“Viêm mô bào không thể xem nhẹ. Nếu phát hiện muộn, hậu quả có thể là hoại tử, cắt cụt chi, thậm chí tử vong do sốc nhiễm khuẩn” - bác sĩ Việt nhấn mạnh.