|
PGS. TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế. Ảnh: Minh Thúy |
+ Việt Nam đã áp dụng kinh nghiệm điều trị dịch SARS – CoV trong điều trị dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV như thế nào thưa ông?
- Kinh nghiệm từ dịch SARS – CoV cho thấy việc cách ly sớm, điều trị kịp thời đóng vai trò quan trọng giúp giảm tối đa các trường hợp tử vong. Ngay khi phát hiện bệnh nhân nhiễm nCoV, bệnh viện đã lấy mẫu xét nghiệm, đưa vào 3 khu vực cách ly gồm: Khu vực cách ly bình thường, khu vực cách ly khi người bệnh mắc bệnh (phát hiện dương tính với nCoV, điều trị chưa cần dùng tới máy thở) và cách ly điều trị bệnh nhân nặng.
|
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Minh Thúy
|
Hiện, các trường hợp người bệnh ở độ tuổi trẻ, khỏe mạnh được đưa vào khu vực cách ly khi phát hiện mắc bệnh (khu vực 2).
Các phòng cách ly, điều trị bệnh nhân nhiễm nCoV đều đảm bảo thông thoáng, được khử trùng hàng ngày, không mở điều hòa để ngăn ngừa nguy cơ virus xâm nhập. Cùng với đó, các cán bộ y tế được trang bị các biện pháp phòng hộ để tránh lây nhiễm chéo với người bệnh, đồng thời, theo dõi sát tình hình người bệnh 24/24 để chủ động ứng phó với mọi trường hợp có thể xảy ra.
+ Có ý kiến cho rằng nên bật điều hòa nhiệt độ trên 25 độ C để ngừa nguy cơ nhiễm nCoV vì ở nhiệt độ này virus có thể bị bất hoạt. Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?
- Cục Quản lý Khám, chữa bệnh không khuyến khích sử dụng điều hòa tại các bệnh viện khi điều trị cho bệnh nhân nhiễm nCoV.
Tuy nhiên, trong khuyến cáo của các nhà khoa học, ở điều kiện nhiệt độ trên 25 độ C thì hoạt động của nCoV sẽ bị hạn chế. Do đó, người dân có thể áp dụng việc sử dụng điều hòa trên 25 độ C tại nhà theo lời khuyên của các nhà khoa học.
|
PGS. TS. Lương Ngọc Khuê trao đổi tại cuộc họp chiều ngày 5/2. Ảnh: Minh Thúy
|
Ngoài ra, người dân có thể sử dụng khẩu trang, giữ ấm cơ thể, rửa tay sạch, ăn các món ăn giàu chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Người dân cũng có thể sử dụng các vị thuốc đông y để phòng bệnh. Khi sức đề kháng được nâng cao, cơ thể chúng ta sẽ có sức đề kháng để chống chọi với bệnh tật. Đây là một nguyên lý cơ bản của y học và dự phòng.
+ Hiện, Trung Quốc đã có trường hợp phải thử đến lần thứ 4 mới phát hiện nhiễm nCoV trong khi 3 lần trước kết quả đều âm tính. Vậy Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã có biện pháp gì để ứng phó với tình huống như trên thưa ông?
- Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã có các hướng dẫn về lâm sàng và xét nghiệm nCoV. Trong hướng dẫn đã chỉ rõ những đối tượng cần xét nghiệm, các điều kiện cần phải xét nghiệm. Điển hình như trường hợp của bệnh nhân người Trung Quốc (người con) đã được ra viện, cứ sau 2 ngày bệnh nhân lại được xét nghiệm để xem xét mức độ nhiễm nCoV.
Các bệnh viện đã có kinh nghiệm thực hiện xét nghiệm nCoV để đảm bảo bệnh nhân khi ra viện có kết quả xét nghiệm âm tính với virus theo đúng quy định của Bộ Y tế.
+ Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều người dân đã vội vã tìm đến các loại thực phẩm chức năng để sử dụng. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?
- Bộ Y tế đã chỉ rõ bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV chưa có thuốc điều trị và chưa có vaccine phòng bệnh. Do đó, các biện pháp dự phòng đóng vai trò quan trọng giúp người dân đẩy lùi bệnh dịch. Các phương pháp dân gian, đông y, dùng thực phẩm chức năng để nâng cao thể trạng của cơ thể và trong phác đồ điều trị của Bộ Y tế cũng không cấm người dân sử dụng các sản phẩm này.
Tuy nhiên, người dân phải lựa chọn những sản phẩm có chất lượng để tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Tính đến 20h ngày 5/2, toàn thế giới đã có 493 ca tử vong cùng 24.582 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, trong đó: Lục địa Trung Quốc: 491 người tử vong; Phillippines: 1 người tử vong. Hồng Kông (Trung Quốc): 1 người tử vong. Tại Việt Nam đã ghi nhận 10 người nhiễm nCoV gồm: - 2 cha con người Trung Quốc (1 người đã khỏi và xuất viện); Hiện 3người đã được điều trị khỏi và xuất viện. |