|
Grab đang chiếm thị phần lớn trong thị trường gọi xe công nghệ sau khi mua lại Uber (ảnh Dhaka Tribune) |
Vào ngày 25/3 năm ngoái, Grab Holdings Inc (gọi tắt là Grab) tuyên bố mua lại các tài sản, tiếp nhận người lao động, hợp đồng và dữ liệu của Uber International C.V (gọi tắt là Uber) tại thị trường Đông Nam Á. Hợp đồng giữa Grab và Uber cho phép Grab tiếp nhận mảng dịch vụ chia sẻ xe và giao nhận đồ ăn, không bao gồm nền tảng công nghệ của Uber. Đổi lại, Uber sẽ có 27% cổ phần của Grab.
Thương vụ Grab mua lại Uber đã hoàn tất vào tháng 4/2018. Ngay sau đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD) đã tiến hành điều tra vụ việc. Qua khảo sát việc mua bán cũng như tác động của hợp đồng này với thị trường vận chuyển Việt Nam, Cục CT&BVNTD kết luận rằng việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber đã tạo ra một thị phần vượt hơn 50%.
Theo điều 20 của Luật cạnh tranh, nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp khi tập trung kinh tế chiếm từ 30-50% mà không báo trước cho cơ quan quản lý cạnh tranh thì doanh nghiệp đã vi phạm luật. Ngoài ra, hành vi tập trung kinh tế của Grab và Uber cũng vi phạm điều 18 Luật Cạnh tranh – theo kết luận của Cục CT&BVNTD.
Cục này đã kiến nghị xử phạt Grab và Uber 5% tổng doanh thu trong năm tài chính 2017 cho hành vi không thông báo về tập trung kinh tế; phạt 5% tổng doanh thu trong năm 2017 cho hành vi mua lại doanh nghiệp bị cấm. Grab cũng bị yêu cầu áp dụng một số biện pháp khắc phục vi phạm như: đặt lại giá cước giống với trước thời điểm mua lại Uber, duy trì mức chiết khấu với lái xe như trước, thông báo với cơ quan quản lý cạnh tranh khi điều chỉnh giá cước...
Sau khi nhận được hồ sơ từ Cục CT&BVNTD, ngày 1/1/2019, Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh Trần Quốc Khánh đã ký quyết định thành lập Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh. Hội đồng Cạnh tranh đã tiến hành hai phiên điều trần xử kín vào ngày 11/6 và 17/6 dưới sự chủ tọa của Thứ trưởng Tư pháp Phan Chí Hiếu.
|
Văn bản kết luận của Hội đồng Cạnh tranh
|
Hội đồng Cạnh tranh kết luận rằng “ việc mua bán, chuyển nhượng và tiếp nhận nghĩa vụ giữa 2 công ty này không cấu thành hành vi tập trung kinh tế theo hình thức mua lại doanh nghiệp”, và do đó đã không chấp thuận đề nghị của Cục CT&BVNTD về việc áp dụng các hình thức xử phạt đối với Grab và Uber. Ngoài ra, Cục CT&BVNTD phải chịu mức phí xử lý vụ việc cạnh tranh là 100 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, sở dĩ Cục CT&BVNTD bị thua kiện là do họ đã khởi xướng điều tra sai đối tượng. Đối tượng thực hiện hành vi là Grab và Uber toàn cầu, nhưng Cục Cạnh tranh lại điều tra Grab Việt Nam và Uber Việt Nam – đây là hai công ty không có thỏa thuận tập trung kinh tế.