Chiều nay, nhiều báo thông tin về việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Grab (trụ sở tại 268 Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10, TP. Hồ Chí Minh) 120 triệu đồng.
Sở dĩ bị phạt là do Grab đã không tuân thủ quy định về thời gian gửi hồ sơ đăng ký khoản vay nước ngoài ngắn hạn được gia hạn thành trung, dài hạn mà tổng thời hạn của khoản vay là trên 1 năm. Hành vi này vi phạm quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 13 Thông tư số 03/2016/TT-NHNN ngày 26/2/2016.
Trong quyết định, Thanh tra NHNN đã yêu cầu ông Lim Yen Hock là người đại diện cho tổ chức vi phạm phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt, với số tiền phạt là 120 triệu đồng.
Thanh tra NHNN cũng nêu rõ, nếu quá thời hạn mà Công ty TNHH Grab không tự nguyện chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành theo đúng quy định của pháp luật.
Trao đổi riêng với VietTimes về sự cố này, đại diện Công ty TNHH Grab cho biết: "Trong quá trình kinh doanh, tương tự một số doanh nghiệp khác đang hoạt động tại Việt Nam, Grab Việt Nam có huy động vốn vay từ nước ngoài. Chúng tôi cũng đã chủ động đăng ký với Ngân hàng Nhà nước theo đúng các yêu cầu của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, hồ sơ gia hạn khoản vay này được hoàn chỉnh trễ so với quy định".
Cùng với đó, doanh nghiệp này cho biết đã nhanh chóng làm việc với Ngân hàng Nhà nước để chủ động khắc phục đối với hồ sơ đăng ký và nghiêm túc chấp hành các yêu cầu từ phía Ngân hàng Nhà nước.
Trích Thông tư số 03/2016/TT-NHNN ngày 26/2/2016 Điều 13. Trình tự thực hiện thủ tục đăng ký Khoản vay 1. Chuẩn bị Đơn đăng ký Khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh: a) Trường hợp Bên đi vay lựa chọn hình thức trực tuyến: Bên đi vay thực hiện khai báo Đơn đăng ký Khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh trên Trang điện tử để nhận mã số Khoản vay, in Đơn từ Trang điện tử, ký và đóng dấu; b) Trường hợp Bên đi vay lựa chọn hình thức truyền thống: Bên đi vay hoàn thành mẫu đơn theo Phụ lục 01 kèm theo Thông tư này. 2. Gửi hồ sơ: a) Bên đi vay gửi hồ sơ đăng ký Khoản vay theo quy định tại Thông tư này qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan xác nhận đăng ký Khoản vay theo thẩm quyền quy định tại Điều 18 Thông tư này; b) Bên đi vay lựa chọn hình thức trực tuyến có thể lựa chọn việc gửi thêm hồ sơ trực tuyến theo hướng dẫn tại Trang điện tử. 3. Thời hạn gửi hồ sơ: Bên đi vay phải gửi hồ sơ trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày kể từ: a) Ngày ký thỏa thuận vay nước ngoài trung, dài hạn hoặc ngày ký văn bản bảo lãnh trong trường hợp Khoản vay có bảo lãnh hoặc ngày ký thỏa thuận rút vốn bằng văn bản trong trường hợp các bên thỏa thuận việc rút vốn trên cơ sở thỏa thuận khung đã ký và trước khi thực hiện rút vốn; b) Ngày ký thỏa thuận gia hạn Khoản vay nước ngoài ngắn hạn thành trung, dài hạn đối với Khoản vay tự vay tự trả quy định tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư này; c) Ngày tròn 01 (một) năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên đối với Khoản vay tự vay tự trả quy định tại Khoản 3 Điều 9 Thông tư này. 4. Ngân hàng Nhà nước có văn bản xác nhận hoặc từ chối xác nhận đăng ký Khoản vay trong thời hạn: a) 12 (mười hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của Bên đi vay trong trường hợp Bên đi vay lựa chọn hình thức trực tuyến; b) 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của Bên đi vay trong trường hợp Bên đi vay lựa chọn hình thức truyền thống; hoặc c) 45 (bốn mươi lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của Bên đi vay đối với trường hợp Khoản vay bằng đồng Việt Nam phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận theo quy định pháp luật hiện hành về Điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh; d) Trường hợp từ chối xác nhận đăng ký Khoản vay, Ngân hàng Nhà nước có văn bản nêu rõ lý do. 5. Đối với các Khoản vay bằng đồng Việt Nam phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép theo quy định của pháp luật hiện hành về Điều kiện vay nước ngoài, thủ tục đăng ký Khoản vay đồng thời là thủ tục đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét chấp thuận Khoản vay; văn bản xác nhận đăng ký Khoản vay đồng thời là văn bản chấp thuận Khoản vay của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. 6. Cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 18 Thông tư này có trách nhiệm: a) Kiểm tra tính thống nhất, chính xác của hồ sơ đăng ký Khoản vay và các thông tin khai báo trên Trang điện tử; cập nhật tình hình xử lý hồ sơ trên Trang điện tử để Bên đi vay kịp thời theo dõi trong trường hợp Bên đi vay lựa chọn hình thức trực tuyến; b) Tổ chức nhập các thông tin liên quan của Khoản vay trên Trang điện tử để tạo mã Khoản vay và lưu trữ thông tin vào cơ sở dữ liệu vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh trong trường hợp Bên đi vay lựa chọn hình thức truyền thống. |