Trước đó, trên báo chí, vào tối 20/10, ông Nguyễn Đức Truyền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP gốm sứ Thanh Hà (Phú Thọ) xác nhận, dầu thải mà các đối tượng đổ trộm vào đầu nguồn nước của Nhà máy nước sạch Sông Đà là của Công ty mình.
Ông Truyền cho biết, thời điểm xảy ra vụ việc, ông đang đi Đà Nẵng nên không hề biết việc các đối tượng vào Công ty lấy dầu thải và chỉ đến khi xem tivi mới biết sự việc.
"Sau khi xem tivi và bạn bè gọi điện tôi mới biết và lập tức gọi điện cho bảo vệ Công ty, được xác nhận đúng là có sự việc như vậy. Bảo vệ Công ty có trao đổi lại với tôi: có 1 xe ô tô tải đi vào Công ty và bộ phận kho đã xuất dầu thải vào các thùng nhựa cho các đối tượng trên, rồi cho xe đó ra khỏi Công ty", ông Truyền nói và khẳng định không có ai ký lệnh xuất dầu thải, thủ kho cũng không báo cáo với ông sự việc trên.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP gốm sứ Thanh Hà cho biết, bản thân ông không hề biết đối tượng Vũ và đồng phạm. Ông đã yêu cầu trưởng bộ phận kho làm báo cáo về vụ việc và sẽ có hình thức kỷ luật.
Theo Chủ tịch HĐQT Công ty CP gốm sứ Thanh Hà, số dầu đổ trộm xuống đầu nguồn nước của Nhà máy Nước sạch sông Đà chính là dầu thải của hệ thống máy móc của công ty.
|
"Sai đến đâu chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm đến đó", ông Truyền nói.
Theo thông tin ông Truyền cung cấp, dầu mà các đối tượng lấy là loại dầu thải từ máy ép và dầu nhờn thải từ máy ra. Theo chu kỳ 6 tháng phải thay dầu thải 1 lần.
Dầu thải của Công ty được chứa vào 2 téc đặt nổi trên nhà máy, việc xử lý do Công ty Môi trường Xanh thực hiện theo hợp đồng.
"Công ty Môi trường Xanh yêu cầu, lượng dầu thải tầm khoảng 15-20 khối mới đến chở đi, vì từng đó mới đủ một xe vào chở. Còn các đối tượng vào lấy dầu thải kia tôi không hề quen biết ai", ông Truyền nói.
Theo ông Truyền, Công ty chỉ ký hợp đồng xử lý chất thải với Công ty Môi trường Xanh, ngoài ra không ký kết với bất cứ ai khác.
Tuy vậy, đến sáng nay (21/10), Công ty CP gốm sứ Thanh Hà (Phú Thọ) - nơi Lý Đình Vũ khai nhận 10m3 dầu thải mang đổ xuống đầu nguồn Nhà máy Nước Sông Đà - có thông cáo lên án hành vi của Lý Đình Vũ và khẳng định "không liên quan tới hành vi xả thải dầu xuống đầu nguồn nhà máy nước sông Đà" của nhóm nghi phạm Vũ.
Gốm sứ Thanh Hà nhấn mạnh: "Hoàn toàn không biết và không tham dự vào việc Vũ và đồng phạm mang dầu thải đi đâu và xử lý thế nào".
Về nguồn thông tin lãnh đạo Công ty CP gốm sứ Thanh Hà đã thuê nhóm Vũ xả thải, Công ty CP gốm sứ Thanh Hà khẳng định đây là thông tin không chính xác, "Công ty không bao giờ chấp nhận và dung túng cho hành vi xả dầu thải hủy hoại môi trường".
Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà cũng khẳng định Công ty không ký lệnh xuất dầu thải ra bên ngoài cho Vũ và đồng phạm. Việc xuất dầu thải này là "hoàn toàn trái quy định của Công ty (…) và không hề biết việc này vì Công ty chỉ có giao kết hợp đồng với các đơn vị có đủ năng lực để xử lý dầu thải".
Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà cho biết đang phối hợp với cơ quan chức năng để làm sáng tỏ vụ việc và sẽ xử lý nghiêm minh những cán bộ vi phạm khi tự ý xuất dầu thải không được sự cho phép của công ty.
Trước đó, sau khi đầu thú tại Công an tỉnh Bắc Ninh lúc 11h trưa 20/10, Vũ khai có quen biết từ trước với một phụ nữ tên Trang ở công ty gạch tại thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Trang nói có dầu cặn thải và thuê Vũ đi đổ hộ với giá là 7 triệu đồng.