Công tác Công an thời cách mạng công nghiệp 4.0

Trong thời gian vừa qua, các cuộc tấn công trên không gian mạng với quy mô lớn, gây ra rủi ro, mất an toàn, an ninh thông tin có diễn biến hết sức phức tạp. Điều đó đã cho thấy, việc đổi mới toàn diện công tác Công an đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh, trật tự thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước đang là một đòi hỏi tất yếu.
Do bị tấn công mạng, hành khách dồn ứ tại sân bay Tân Sơn Nhất vì chưa thể làm được thủ tục bay - Ảnh: TT (nguồn Báo CA TP HCM)
Do bị tấn công mạng, hành khách dồn ứ tại sân bay Tân Sơn Nhất vì chưa thể làm được thủ tục bay - Ảnh: TT (nguồn Báo CA TP HCM)

Ngày 13/10/2014, Trung tâm dữ liệu của Công ty CP Truyền thông Việt Nam gặp sự cố kéo dài hơn 1 tuần, làm ảnh hưởng đến hàng trăm trang tin thông tin điện tử ở Việt Nam, gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Ngày 29/7/2016 trang chủ Việt Nam Airlines bị thay đổi nội dung, tại sân bay Tân Sơn Nhất nhiều màn hình hiển thị thông tin bị chiếm đoạt quyền điều khiển, thay đổi thông điệp, nội dung âm thanh. Cơ sở dữ liệu khách hàng bị xâm phạm, hàng trăm chuyến bay trễ giờ nghiêm trọng, hàng ngàn khách hàng không kịp làm thủ tục lên máy bay.

Cũng trong thời gian qua, đã có hàng trăm vụ việc các đối tượng xấu lợi dụng mạng Internet để tán phát thông tin, tung tin đồn thất thiệt, gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và các đồng chí lãnh đạo.

Rõ ràng là khi công nghệ thông tin, intenet phát triển như vũ bão và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội thì cũng đặt ra những thách thức trong công tác đảm bảo an ninh mạng.

Thượng tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: Thực trạng trên đòi hỏi từng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân phải có nhận thức đúng đắn và được trang bị đầy đủ kỹ năng bảo đảm an ninh mạng. Chủ động tăng cường các biện pháp tự bảo vệ, quản lý bảo mật, nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp bảo vệ an ninh mạng một cách phù hợp nhất. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng thực thi trong đảm bảo an ninh mạng và đấu tranh với các loại tội phạm mạng. Bên cạnh đó cần có sự chung tay của các nước trong khu vực và trên thế giới với các tập đoàn liên quan đến công nghệ thông tin, tạo ra khuôn khổ pháp lý song phương, đa phương thiết lập các quan hệ quốc tế chặt chẽ trên các lĩnh vực để đảm bảo an ninh mạng, phòng, chống tội phạm mạng.

Theo báo cáo tổng quan về tình hình an ninh mạng của Cục An ninh mạng, Bộ Công an, hoạt động tấn công mạng vào các cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu ngày càng gia tăng về quy mô và tính chất nguy hiểm. Mỗi năm, có hàng nghìn trang mạng bị tấn công, chỉnh sửa, chèn nội dung, cài mã độc, trong đó có hàng trăm tên miền .gov.vn của các cơ quan nhà nước.

Trong bối cảnh đó, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao đã làm rõ hàng chục vụ việc, phát hiện nhiều đối tượng tấn công chiếm quyền điều khiển máy tính, đánh cắp nhiều dữ liệu quan trọng của các doanh nghiệp, cơ quan viễn thông, điện lực, ngân hàng, báo điện tử trong và ngoài nước. Cùng với đó, Lực lượng An ninh mạng cũng đã đấu tranh, vạch trần thủ đoạn của nhiều đối tượng xấu lợi dụng mạng internet để hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước.

Có thể khẳng định trên mặt trận không tiếng súng này, lực lượng Công an nhân dân đã và đang quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong đó, đặc biệt chú trọng ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến, mở rộng hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, huy động sức mạnh tổng hợp, thiết lập thế trận an ninh liên hoàn bên trong và bên ngoài biên giới quốc gia, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống./.

Theo ANTV

http://www.antv.gov.vn/tin-tuc/xa-hoi/cong-tac-cong-an-thoi-cach-mang-cong-nghiep-40-214718.html