Công tác cán bộ không phải là nghệ thuật sắp đặt

VietTimes--“Công tác cán bộ không phải là nghệ thuật sắp đặt của những người có quyền lực. Đảng lãnh đạo Nhà nước để nhà nước có cơ chế tuyển dụng nhân tài công khai. Đảng bình đẳng như các tổ chức chính trị- xã hội khác, giới thiệu người cho dân lựa chọn những người thực sự xứng đáng để quản lý nhà nước".
Ông Vũ Ngọc Hoàng
Ông Vũ Ngọc Hoàng

Đó là chia sẻ của ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương với VietTimes.

Đảng trở thành lãnh đạo trước Cách mạng Tháng 8

Lâu nay chúng ta hay nói tới cụm từ “cải cách thể chế”(CCTC) là để chỉ việc cải cách phương thức lãnh đạo của Đảng. Tại sao không nói thẳng ra là cải cách Đảng mà lại phải là CCTC, thưa ông?

- Tôi nghĩ cải cách thể chế không đồng nghĩa với cải cách phương thức lãnh đạo của Đảng. Theo cách hiểu của tôi thì thể chế là một bộ phận của cơ chế nói chung, nhưng bộ phận ấy liên quan đến quyền lực thì gọi là thể chế. Đúng là lâu nay Đảng đã có chủ trương đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nhưng làm thế nào là đúng nhất, khoa học nhất thì phải bàn kỹ. Đảng chủ trương phải đổi mới phương thức lãnh đạo, nói lâu rồi, nhưng đến giờ này, sau nhiều năm, đổi mới được bao nhiêu rồi? Theo tôi, về cơ bản, không đáng kể. Có thể nói rằng, đổi mới ít, chỉ những vấn đề mang tính chất kỹ thuật, còn về cơ bản, phương thức lãnh đạo chưa đổi mới so với vài chục năm trước.

Thưa ông, lâu nay có không ít ý kiến cho rằng đã đến lúc cần phải có một bộ luật về Đảng để Đảng hoạt động thay vì Điều lệ Đảng như hiện nay. Ông nhận xét gì về vấn đề này?

- Theo tôi trước hết phải giải quyết cho tốt vấn đề nhận thức, tư duy rồi mới nói đến chuyện có luật hay không có luật. Việc có luật hay không có luật liên quan rất nhiều đến vai trò và cách lãnh đạo của Đảng. Luật pháp là do con người làm ra, có thể điều chỉnh, có thể thay đổi. Nhưng vấn đề cốt lõi ở đây là, như tôi đã nói, phải thay đổi tư duy. Trước tiên phải xem tại sao và bao giờ Đảng trở thành lãnh đạo?

Vậy theo ông thì tại sao?

-Tôi nghĩ thế này: Đảng trở thành đảng lãnh đạo trước cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945, khi mà Đảng chưa có quyền lực. Cũng có ý kiến cho rằng Đảng trở thành đảng lãnh đạo sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công. Theo tôi là không đúng. Sau cuộc Cách mạng Tháng 8, Đảng trở thành đảng lãnh đạo Nhà nước, chứ Đảng trở thành đảng lãnh đạo nhân dân là từ trước Cách mạng Tháng 8 rồi. Nếu không như vậy thì ai đã lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng 8? Cuộc Cách mạng Tháng 8 sở dĩ thành cộng là vì trước đó Đảng đã trở thành đảng lãnh đạo của nhân dân, nên khi Đảng hô hào làm cuộc Cách mạng Tháng 8 thì nhân dân cả nước ủng hộ, còn Đảng viên lúc đó chỉ có mấy nghìn.

Nhưng trước cuộc Cách mạng Thàng 8 Đảng lãnh đạo nhân dân bằng gì, theo ông?

- Theo tôi, có thể nói một cách khái quát là Đảng lãnh đạo toàn dân tộc bằng các giá trị văn hóa, những chủ trương đúng, hợp lòng dân, hợp với văn hóa dân tộc. Ngày ấy dân ta bị mất nước, bị nô lệ nên khao khát được độc lập, tự do, muốn lấy lại đất nước của mình đã mất. Như vậy, những chủ trương Đảng phát ra hợp lòng người. Khi những chủ chương ra rồi thì Đảng gương mẫu triển khai thực hiện để dân đi theo, làm theo. Những chiến sỹ cách mạng bước ra chiến trường, bước lên pháp trường với một bản lĩnh kiên cường, anh dũng, sẵn sàng “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Chính vì vậy, lý tưởng của Đảng, việc làm của Đảng đã có sức cổ vũ to lớn, lôi kéo thu hút mọi người vì nghĩa lớn. Và nữa, có thể nói, phương thức lãnh đạo của Đảng thời bấy giờ không bằng hành chính, không phải bằng quyền lực mà bằng thuyết phục, đối thoại chân thành, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không áp đặt và bằng hành động gương mẫu của mình. Có nghĩa là Đảng lãnh đạo bằng các giá trị văn hóa từ chủ chương đến phương thức lãnh đạo, chứ không phải bằng quyền lực hành chính áp đặt. Và nếu như vậy thì có luật để giải quyết vấn đề gì?

Quyền lực không được kiểm duyệt sẽ dẫn tới tha hóa

Ông Vũ Ngọc Hoàng nói tiếp: “Sau này khi đã có chính quyền rồi thì Đảng dần dần bị hành chính hóa. Nhiều chủ trương, đường lối đúng, nhưng khi thực hiện đã bị hành chính hóa, mang tính áp đặt; nhiều khi không chịu thuyết phục, đối thoại. Vì thế Bác Hồ luôn căn dặn: Đảng phải lắng nghe nhân dân, đi sâu, đi sát nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân. Quyền lực phải được giám sát. Bởi vì quyền lực không được giám sát sẽ dẫn đến tha hóa, đó là điều chắc chắn”.

Ông có thể nói cụ thể hơn được không?

-

Vấn đề tha hóa quyền lực đã có từ thuở xa xưa chứ không phải bây giờ mới có. Lịch sử nhân loại, lịch sử dân tộc ta đề đã  chứng kiến điều đó. 10 triều đại phong kiến Việt Nam đều bị thế. Họ đứng lên lãnh đạo nhân dân vì mục tiêu cao cả: hoặc là lật đổ chế độ đang suy tàn, thối nát để xây dựng một triều đại tốt đẹp hơn; hoặc là giải phóng dân tộc, đánh đuổi giặc ngoại xâm, xây dựng đất nước. Ban đầu họ đều được nhân dân ủng hộ, làm theo. Họ nắm chính quyền, điều hành đất nước, nhưng rồi dần dần dẫn đến tha hóa. Nếu triều đại nào có một minh quân thì đất nước khá lên, triều đại được kéo dài, nhưng cuối cùng vẫn bị tha hóa rồi sụp đổ và được thay bằng một vương triều khác, và sau đó cũng lặp lại sự tha hóa tương tự.

Nhà Ngô lên cầm quyền được 26 năm thì sụp đổ. Nhà Đinh lên thay cũng huy hoàng nhưng chỉ được không quá 15 năm thì sụp đỗ. Sau đó đến Tiền Lê tồn tại được 29 năm. Sau này có hai triều đại khá nhất là Nhà Lý và Nhà Trần mỗi triều đại trên dưới 200 năm, được lâu như vậy là do biết “lấy dân làm làm gốc” và tổ chức bộ máy cai trị điều hành đất nước tốt, nhưng cuối cùng cũng thoái hóa mà sụp đổ. Đến nhà Hồ chỉ được có 7 năm. Nhà Lê sơ với khởi nghĩa Lam Sơn rất huy hoàng nhưng cuối cùng cũng không quá 100 năm thì sụp đổ. Nhà Mạc được 65 năm. Nhà Tây Sơn lừng lẫy như thế rồi cũng sụp đổ sau khi Quang Trung mất và bị tha hóa, tham nhũng; rồi Nhà Nguyễn tính đến Tự Đức chỉ hơn 80 năm rồi bị Pháp xâm lược và đô hộ. Như vậy 10 triều đại Phong kiến Việt Nam hầu hết đã kết thúc do sự tha hóa quyền lực.

Đảng lãnh đạo bằng thuyết phục và gương mẫu

Như ông vừa nói trước Cách mạng Tháng 8 Đảng lãnh đạo bằng các giá trị văn hóa chứ không phải bằng hành chính, quyền lực. Còn sau Cách mạng Tháng 8 là Đảng lãnh đạo Nhà nước. Ông có thể lý giải vấn đề này không?

- Tôi nghĩ cái quan trọng nhất của việc Đảng lãnh đạo Nhà nước là làm sao để Nhà nước ấy thực sự là của dân. Đảng lãnh đạo cho nhà nước ấy trở thành và giữ được bản chất nhà nước của dân, chứ không phải của ai khác (kể cả của Đảng). Đảng CSVN đã khẳng bản chất nhà nước như vậy. Ai tư duy nhà nước không phải của dân, mà nhà nước của Đảng là tư duy sai. Còn nói và nghĩ đúng rồi mà làm chưa đúng là việc khác.

Ông Vũ Ngọc Hoàng:
Ông Vũ Ngọc Hoàng: "Quyền lực không được kiểm duyệt sẽ dẫn tới tha hóa"

Nhà nước của dân thể hiện trên cả mặt Hiến pháp, luật pháp và công tác cán bộ. Phải khắc phục cho được việc “Đảng cử dân bầu”. Công tác cán bộ không phải là cuộc sắp xếp, bố trí, càng không phải là nghệ thuật sắp đặt của những người có quyền lực. Đảng lãnh đạo nhà nước về công tác cán bộ có lẽ đầu tiên và quan trọng nhất là để cho nhà nước có một cơ chế tuyển chọn cán bộ tốt nhất. Tổ chức Đảng cũng bình đẳng như các tổ chức chính trị- xã hội khác là giới thiệu người ra để nhân dân lựa chọn được những người thực sự tài năng, xứng đáng để quản lý nhà nước. Khi ra tranh cử các ứng cử viên cũng phải trình bày cương lĩnh, chương trình hành động của mình.

Về phía Tổ chức Đảng, cũng chỉ nên giới thiệu để ứng cử vào các chức danh chủ chốt (và rất ít chức danh khác) thôi. Thậm chí các chức danh chủ chốt các cấp cũng tiến đến giới thiệu vài ba phương án.

Thưa ông, lâu nay chúng ta vẫn nói Đảng lãnh đạo toàn diện, trực tiếp và tuyệt đối, và trên thực tế đúng là như vậy. Vậy tại sao ta không nhất thể hóa bộ máy Đảng và Nhà nước, để người đứng đầu Đảng đồng thời đứng đầu Nhà nước?

- Tôi không nghĩ  rằng nên nhất thể hóa bộ máy Đảng và Nhà nước. Đảng là Đảng, còn Nhà nước là Nhà nước. Tại sao Đảng tự biến mình thành Nhà nước? Nhà nước là của dân, do dân bầu ra. Còn các cơ quan của Đảng thì do đảng viên bầu ra. Vì vậy vấn đề ở đây là Đảng lãnh đạo toàn diện có thể hiểu theo nghĩa là đưa ra lý lẽ thuyết phục, nhằm khai phá văn minh, bằng hành động gương mẫu, nếu “người ta” thấy phải thì “người ta” theo, không có áp đặt, không dùng biện pháp quyền lực để ép buộc. Bản thân cụm từ “Đảng lãnh đạo tuyệt đối”, theo tôi, nên xem xét lại, từ lâu tôi không dùng cụm từ đó. Tôi nghĩ Đảng chỉ nên tập trung trực tiếp làm một số việc quan trọng nhất, còn lại là việc của nhà nước; của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và của xã hội, họ tự xử lý theo tinh thần độc lập tư duy và trách nhiệm xã hội. Đương nhiên không ai ngăn cản việc Đảng lãnh đạo toàn diện (không giới hạn) nếu đó là thuyết phục, khai phá văn minh. Còn áp đặt, bảo phải làm thế này thế kia thì không đúng.

Có một thực tế là hiện nay các cấp ủy Đảng có vai trò rất lớn, rất quan trọng trong những vấn đề hệ trọng (và cả những vấn đề ít hệ trọng), nhưng dường như lại hầu như không phải chịu trách nhiệm gì trước những sai lầm của bên chính quyền. Vì vậy có ý kiến cho rằng “thành công thì do vai trò lãnh đạo của Đảng, còn thất bại là do Nhà nước quản lý yếu kém”. Là người làm công tác tuyên giáo lâu năm của Đảng ông suy nghĩ gì về vấn đề nay?

- Trong tư duy của tôi thì Đảng chỉ làm 4 việc thôi. Thứ nhất, chủ trương cho đúng, hợp lòng người. Thứ hai, phải gương mẫu. Thứ ba, phải thuyết phục chứ không phải bằng mệnh lệnh hành chính, áp đặt và thứ tư là, giới thiệu người tài ra ứng cử. Hiện nay các tổ chức của Đảng đang làm quá nhiều việc. Công việc của Đảng và nhà nước đang chồng chéo nhiều. Không nhất thiết cứ Nhà nước có bộ phận nào thì Đảng phải có bộ phận tương ứng. Cái này có người nói là lãnh đạo toàn diện đấy, nhưng tôi nghĩ không phải: Đảng lãnh đạo chứ Đảng không làm thay Nhà nước.

Tổng Bí thư có thể ứng cử chức Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ?

Ông nói là Đảng giới thiệu người ra ứng cử, mà cũng chỉ nên ứng cử vào các chức danh chủ chốt thôi. Vậy theo ông, đã đến lúc Đảng giới thiệu người đứng đầu Đảng ra kiêm chức Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng Chính phủ chưa?

- Trước hết nói về khái niệm “kiêm”. “Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước”. Từ “kiêm” trong trường hợp này là không đúng. Kiêm tức là trong cùng một hệ thống người đang giữ chức vụ to và thêm một hoặc nhiều chức nhỏ hơn mới gọi là kiêm. Từ “nhất thể hóa” cũng không phải vì không thể nhập Đảng với Nhà nước. Còn Đảng có thể giới thiệu Tổng bí thư ra để ứng cử chức danh Chủ tịch nước. Đây là vấn đề đã từng được bàn đến, nhưng vẫn còn có ý kiến khác nhau mà ý kiến nào cũng có lý lẽ phải suy nghĩ. Có ý kiến nói rằng  một người làm Tổng bí thư và Chủ tịch nước thì vừa làm cho bộ máy tinh gọn, mà công tác lãnh đạo, điều hành cũng thuận tiện và hiệu quả hơn như mô hình của Trung Quốc. Nhưng ý kiến khác lại không ủng hộ, vì cho rằng chuyện Trung Quốc làm là chuyện của Trung Quốc sao ta phải theo. Vấn đề là cơ sở khoa học như thế nào và tại sao cứ phải Tổng bí thư làm Chủ tịch nước; trong khi nếu tập trung nhiều quyền lực vào một người mà không kiểm soát được sẽ rất nguy hiểm, đó là chưa nói đến năng lực có đáp ứng được cùng lúc hai cương vị lãnh đạo quan trọng như vậy không. Còn câu chuyện đã từng có ý kiến định giới thiệu Tổng bí thư ra để Quốc hội bầu làm Thủ tướng thì tôi chưa từng nghe nói tới.

Có người nói hiên nay bộ máy nhà nước, nhất là ở cấp cao, đang được đảng hóa. Ủy viên Trung ương là điều kiện cần và đủ để trở thành một bộ trưởng. Theo ông có nhất thiết Bộ trưởng cứ phải là Ủy viên Trung ương không?

- Theo tôi thì không nhất thiết phải thế. Điều quan trọng là con người ấy có đảm nhiệm tốt công việc ấy hay không mà thôi. Ngày xưa Bác Hồ đưa cụ Huỳnh Thúc Kháng làm Phó Chủ tịch, quyền Chủ tịch nước. Cụ Huỳnh đâu có phải là đảng viên, chứ chưa nói gì tới Ủy viên Trung ương. Lúc ấy Bác Hồ thấy cụ Huỳnh là một hiền tài có năng lực, bản lĩnh và nhân cách tốt có thể đảm nhận tốt cương vị Phó Chủ tịch nước nên Bác giao. Bác Hồ đi nước ngoài, ở nhà cụ Huỳnh đã đảm nhiệm rất tốt công việc.

Xin cám ơn ông!