Công nghiệp không khói và 6 chữ: Vào sâu - ở lâu - ra chậm

VietTimes -- Xoay quanh cuộc Hội thảo: “Kết nối doanh nghiệp với làng nghề truyền thống trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa thủ đô” rất nhiều đại biểu đã khẳng định cần phải phát triển du lịch gắn với làng nghề, phát triển nền công nghiệp không khói với tiêu chí: Vào sâu - ở lâu - ra chậm.
Hội thảo: “Kết nối doanh nghiệp với làng nghề truyền thống trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa thủ đô”.
Hội thảo: “Kết nối doanh nghiệp với làng nghề truyền thống trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa thủ đô”.

Có rất nhiều vấn đề được đặt ra trong cuộc hội thảo nhưng nổi bật nhất là câu chuyện phát triển du lịch làng nghề trong thời đại mới. Đây được xem là điểm nhấn của việc phát triển công nghiệp văn hóa của thủ đô Hà Nội hay nói cách khác là phát triển nền công nghiệp không khói thành phố. Bởi so với cả nước, tiềm năng của Hà Nội về lĩnh vực du lịch làng nghề chiếm ít nhất là 50% - mà như Tiến sĩ Nguyễn Vi Khải, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Hiệp hội làng nghề Việt Nam đã nói: “Hà Nội đi đầu ở đâu không biết nhưng chiến lược phát triển kinh tế nên phải gắn làng nghề với du lịch”.

Đừng tự hào với nền du lịch “0 đồng”…

Trao đổi trong Hội thảo, chuyên gia cao cấp Vũ Quốc Tuấn - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Hiệp hội làng nghề VN cho biết: “Chúng ta đừng tự hào với con số thống kê mấy vạn khách nước ngoài vào du lịch hàng năm. Trong mấy vạn đó con số khách du lịch 0 đồng chiếm phần nhiều có nghĩa rằng chúng ta chưa có thu ở lĩnh vực này.

Trong khi đó Chính phủ khẳng định: mũi chủ công là du lịch văn hóa với hai nội dung: du lịch di sản và du lịch tâm linh. Với các làng nghề chúng ta có cả hai loại hình này. Đồng thời, việc phát triển du lịch văn hóa làng nghề còn tạo điều kiện tăng thu nhập của người dân, tăng nguồn thu đầu tư cho du lịch”.

Để bổ sung thêm vào ý kiến của mình, ông Vũ Quốc Tuấn còn đưa ra ý kiến về việc làm sao Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung có được chính sách cởi mở hơn với việc miễn thị thực (visa) cho nhiều nước hơn nữa để tăng thêm lượng khách du lịch. Ông Vũ Quốc Tuấn nói: “Hiện tại nước ta mới miễn visa cho 22 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khi đó Indonesia miễn thị thực cho 169 vùng lãnh thổ, Malaysia miễn thị thực cho 160 quốc gia. Như vậy với chính sách này chúng ta đang còn quá khắt khe”.

Nói về việc phát triển làng nghề để gắn liền với việc phát triển du lịch ông Vũ Quốc Tuấn khẳng định: “Chúng ta phải nâng cao văn hóa làng nghề truyền thống bằng cách giữ gìn bản sắc, đào tạo nghệ nhân và làm ra các sản phẩm đặc sắc”.

Cần phải cải tạo cơ cấu chi tiêu của khách du lịch

Phát biểu tại Hội thảo ông Trần Đức Hải - Giám đốc sở Du lịch Hà Nội cho biết: “Hiện tại, cơ cấu chi tiêu của khách du lịch Quốc tế đến Hà Nội là: 70% dành cho các chi phí: lưu trú - ăn uống - vận chuyển. Còn 30% là dành cho y tế, thăm quan… Trong khi đó không ai ăn quá ba bữa, không ai nghỉ lại tới hai lần như thế đủ thấy việc chi tiêu của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là rất thấp và chúng ta làm sao phải thay đổi cơ cấu chi tiêu này?”.

Nhưng muốn thay đổi cơ cấu chi tiêu của khách du lịch thì chúng ta phải đầu tư, sự đầu tư đó thế nào, theo ông Trần Đức Hải cho biết thì: “Muốn xác định điểm đến du lịch cần phải tạo được sự thu hút, phải đầu tư cơ sở vật chất thế nào: hạ tầng, cảnh quan, môi trường? Các dịch vụ hỗ trợ ra sao: chất lượng, số lượng, nhân lực? Một điểm đến chất lượng cần được nghiên cứu thị hiếu du khách, cần phải quảng bá và quản lý cảnh quan môi trường ra sao?”.

Về phía Sở Du lịch Hà Nội, với những hỗ trợ ban đầu, ông Trần Đức Hải cho biết: "Hiện tại Sở Du lịch Hà Nội đã có biện pháp hỗ trợ cụ thể như: xúc tiến tại chỗ, kết nối các điểm du lịch với thị trường du lịch; hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá với nhiều ngôn ngữ cho các điểm đến du lịch, trong đó có các làng nghề truyền thống”.

Theo báo cáo số 474/BC- SCT của Sở Công Thương TP Hà Nội về tình hình phát triển nghề và làng nghề trên địa bàn năm 2017 thì tổng doanh thu từ 297 làng nghề truyền thống và một số làng nghề của Thành phố đạt trên 20.000 tỷ đồng.Một số làng nghề thủ công mỹ nghệ có doanh thu cao như làng nghề điêu khắc mỹ nghệ, sơn son thếp vàng Sơn Đồng đạt 2.850 tỷ đồng; làng nghề đồ mộc thôn Hữu Bằng đạt gần 1.000 tỷ đồng; làng nghề gốm sứ Bát Tràng đạt gần 2.000 tỷ đồng.

Nhưng cho tới nay, theo ông Trần Đức Hải thì phần lớn các sản phẩm của chúng ta vẫn đang đáp ứng các nhu cầu đại trà mà chưa đầu tư mạnh để tạo ra những sản phẩm thực sự đặc biệt và nổi trội để hướng tới thị trường tiêu thụ của khách du lịch.

Cùng với quan điểm này, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam nêu ra: Nhiều năm qua, sự phối hợp giữa các làng nghề, Hiệp hội của nghành TCMN Hà Nội và các cơ quan như Văn hóa, Du lịch, Khoa học, Công nghệ chưa được mặn mà. Hà Nội tuy đã làm được nhiều việc cho làng nghề và nghệ nhân nghành TCMN nhưng chưa đồng bộ, thiếu tầm chiến lược, bài bản lâu dài.

Nếu chúng ta muốn xây dựng những điểm đến hấp dẫn, những khu du lịch làng nghề xanh- sạch- bền vững để du khách có thể dành thời gian và tiền bạc, sẵn lòng vào sâu- ở lâu- ra chậm như ông Đào Xuân Dũng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết và được phần đông các đại biểu tại Hội thảo tán đồng thì rõ ràng chúng ta cần phải có sự đầu tư bài bản và đây là cơ hội hay thách thức thì còn tùy vào suy nghĩ của các nhà chức trách. 

Cần phải đầu tư bài bản để làm “điểm”

Khẳng định tại Hội thảo, ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết:

“Nhằm phát triển, bảo tồn làng nghề truyền thống, di tích văn hóa gắn với du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong thời gian tới đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các Sở, Ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung triển khai một số chương trình sau: Xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá việc phát triển, bảo tồn làng nghề truyền thống, di tích văn hóa gắn với du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội; nghiên cứu, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội; lập quy hoạch và triển khai dự án: Bảo tồn một số làng nghề truyền thống, di tích văn hóa gắn với du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Theo ông Đàm Tiến Thắng chúng ta cần chọn và phải đầu tư- xây dựng bài bản một vài làng nghề cho thật “chuẩn” để làm điểm. Còn hiện tại chúng ta đang có rất nhiều giới hạn, trong đó giới hạn về quy mô là điểm nổi trội: cùng với sự phát triển mạnh của một số làng nghề thì diện tích sinh sống của người dân bị thu hẹp lại, thậm chí bị đè nén.

Vậy làm sao chúng ta có thể đẩy phần phát triển công việc làng nghề ra một khu riêng, tạm gọi là khu công nghiệp làng nghề để tiện cho công việc quản lý nhà nước, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường…nhưng vẫn phải đảm bảo được sự quy hoạch chung cho việc bảo tồn và phát huy làng nghề vì hầu hết các làng nghề thủ công mỹ nghệ đều gắn với truyền thống, với địa danh, với các thế hệ nghệ nhân.

Về phía Sở Công Thương, ông Đàm Tiến Thắng cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của công tác phát triển nghề, làng nghề, trong những năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố đã ban hành nhiều văn bản hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong các làng nghề phát triển, cụ thể: Nghị quyết số 25/2013/NQ- HĐND ngày 04/12/2013 có chính sách khuyến khích phát triển làng nghề thành phố Hà Nội; Quyết định số 14/QĐ- UBND ngày 02/01/2013 của UBND Thành phố về việc phê duyệt quy hoạch phát triển nghề, làng nghề Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 6230/QĐ- UBND ngày 18/11/2015 của UBND Thành phố Hà Nội về phê duyệt kế hoạch thực hiện chính sách khuyến khích phát triển làng nghề thành phố Hà Nội giai đoạn 2016- 2020…

Các cơ chế, chính sách tập trung vào: Hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu làng nghề; Hỗ trợ về xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch làng nghề; Hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, hỗ trợ tập huấn nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ sản xuất trong các làng nghề…/.