Bệnh viện có AI, bệnh nhân tay không đi khám bệnh
Giáp Tết, không khí hối hả trên khắp các nẻo đường, dòng người như len cả vào trong các bệnh viện (BV). Có lẽ, cuối năm, thời tiết khắc nghiệt hơn khiến nhiều người mắc bệnh, phần khác vì ai nấy đều muốn chăm lo sức khỏe thật tốt trước thềm Tết cổ truyền, dịp sum vầy trọng đại của mỗi gia đình, nên các BV thường đông đúc hơn.
BVĐK Đức Giang dịp này cũng thế, nhưng khác trước, số hóa y tế đã giúp cho việc đi khám, chữa bệnh (KCB) của người dân không mất nhiều thời gian đợi chờ và tốn kém như trước.
Bà Trần Hương Sen (Gia Lâm, Hà Nội) đến BVĐK Đức Giang để đăng ký khám mà không mang theo sổ khám bệnh. Ở sảnh đón tiếp, bà có hai lựa chọn: Đăng ký khám bệnh qua FACE ID hoặc ki-ốt tự động. Chỉ cần vài thao tác tại ki-ốt thông minh, bà đã lấy được số thứ tự mà không phải mất vài tiếng như trước.
Với bệnh án điện tử (EMR) và hệ thống PACS, bác sĩ có thể truy xuất được lịch sử KCB của bệnh nhân trên máy tính và chỉ định. Bệnh nhân không cần phải đi lấy kết quả xét nghiệm hay chụp chiếu, mà chỉ cần ngồi chờ tin nhắn báo kết quả vào điện thoại rồi quay lại phòng khám để bác sĩ đọc và kết luận.
Sau khi bác sĩ kê đơn thuốc điện tử, bà Sen sang phòng nhận thuốc. Ở đây, nhân viên Khoa Dược đã chuẩn bị thuốc sẵn theo đơn thuốc điện tử trên hệ thống, nên bệnh nhân gần như không phải chờ đợi.
Bà Sen chia sẻ: “Giờ đi khám bệnh không phải chờ đợi lâu, cũng không phải chạy chỗ nọ chỗ kia nhận kết quả như trước”.
“Quy trình KCB được rút ngắn là kết quả của quá trình chuyển đổi số, ứng dụng AI mạnh mẽ ở BV với hệ thống PACS, bệnh án điện tử, chụp X-quang không phim, trả kết quả xét nghiệm online cho bệnh nhân”, ông Nguyễn Văn Thường - Giám đốc BVĐK Đức Giang chia sẻ với VietTimes.
Theo ông Thường, mỗi ngày, BVĐK Đức Giang tiếp nhận 2.000 - 2.200 lượt bệnh nhân, trong đó, số bệnh nhân nặng nhiều hơn, nên yêu cầu về kỹ thuật cao, trang thiết bị hiện đại cũng tăng. Điều này đòi hỏi BV phải cải tiến chất lượng liên tục, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Đến nay, BV đã số hóa 166/197 (84%) quy trình vận hành KCB.
Ứng dụng AI toàn diện, hiệu quả trông thấy
Giám đốc BVĐK Đức Giang cho biết đơn vị cấp cứu của BV được triển khai số hóa đầu tiên để giảm thủ tục hành chính, nhằm tiếp nhận bệnh nhân nhanh nhất có thể. Mô hình “Khám bệnh thông minh” được phát triển với hàng loạt giải pháp như cải cách hành chính, phân luồng bệnh nhân và đặt lịch hẹn khám.
Ki-ốt tự động đón tiếp người bệnh (HIS) giúp việc khám đúng hẹn tới từng phút và đẩy mạnh đón tiếp người bệnh bằng CCCD gắn chíp. Hiện đã có tới 80% bệnh nhân đến khám đúng giờ, không phải chờ đợi.
Giải pháp cấp phát thuốc thông minh đã xóa bỏ hoàn toàn việc xếp số tại quầy và rút ngắn thời gian cấp phát thuốc từ 12,2 - 6,4 phút xuống còn 62,8 giây.
Vì thế, không còn tình trạng chen lấn, ùn ứ. Ứng dụng CNTT giúp việc chuẩn bị thuốc bắt đầu ngay khi có đơn thuốc từ phòng khám và phân bố nhân lực linh động theo giờ cao điểm.
Ông Thường cho biết với quy trình khám và phát thuốc giảm mạnh, chỉ trong buổi sáng, BV đã khám và cấp thuốc cho gần 1.000 bệnh nhân. Đơn thuốc điện tử của BV không chỉ kết nối với bệnh án điện tử (EMR), với nhà thuốc, mà còn được đẩy lên hệ thống của Cục Quản lý Dược.
BV còn ứng dụng AI trong chẩn đoán hình ảnh, giúp chụp X-quang không in phim, tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm. Việc thanh toán online đã giảm 50% quy trình với hình thức nộp tiền tạm ứng qua QR động, POS, chuyển khoản được bố trí tại các phòng khám, để thuận tiện nhất cho bệnh nhân.
Với ứng dụng AI, BV đã xây dựng phần mềm phù hợp để triển khai EMR, đơn thuốc điện tử, kết nối giữa các bộ phận tài chính, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, điều trị và quản lý dược. Đồng thời, BV xây dựng dữ liệu hồ sơ EMR mạn tính để quản lý hơn 13 nghìn bệnh nhân. BV cũng xây dựng quy trình an toàn phẫu thuật, quy trình làm việc của bác sĩ và điều dưỡng, quản lý nhân sự và quản lý tài sản công.
Toàn bộ chỉ định, phiếu làm việc và kết quả của hệ thống xét nghiệm được chuyển từ định dạng giấy sang số hóa, giúp quản lý hóa chất, vật tư tiêu hao, định mức xét nghiệm, phòng lấy máu ngoại trú và các modul lấy máu tại các khoa nội trú. Với sự hỗ trợ của AI, BV sử dụng Dashboard để quản lý và theo dõi thời gian chờ xét nghiệm.
Điều đáng nói, BVĐK Đức Giang là đơn vị công lập đầu tiên không thu thêm bất kỳ chi phí nào trong dịch vụ xét nghiệm mà vẫn áp dụng trả tin nhắn báo kết quả và web trả kếtquả - lưu trữ toàn bộ kết quả lịch sử của bệnh nhân online. BV cũng là đơn vị đầu tiên trả kết quả ký số (bản gốc) qua web.
Quy trình KCB nhanh gọn, hiệu quả giúp cho bệnh nhân nhận được các dịch vụ nhanh chóng. BV tăng năng suất và hiệu quả KCB, tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ. Vì thế, BV đã nhận được sự đánh giá cao của người bệnh.
Với ứng dụng của AI, BV đã số hóa toàn bộ quy trình chuyên môn, từ vào viện, khám, chỉ định xét nghiệm, kết quả xét nghiệm, quy trình phẫu thuật, thanh toán... Đặc biệt, với AI, hệ thống EMR giúp hỗ trợ chẩn đoán, giảm bớt công việc cho bác sĩ, tiết kiệm thời gian với chức năng cảnh báo tránh kê đơn các loại thuốc gây tác dụng phụ hoặc tương tác không mong muốn, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
Giám đốc BVĐK Đức Giang cho biết thêm: EMR còn giúp bệnh nhân dễ dàng lưu trữ hồ sơ y tế trên điện thoại và sử dụng khi đi khám ở các BV khác, giảm chi phí và thủ tục hành chính. Tất cả các dịch vụ KCB BHYT và tự nguyện đều phải đẩy lên hệ thống BHXH, làm tăng tính minh bạch về chi phí và dịch vụ y tế, đồng thời phân loại thông tin theo các dịch vụ khác nhau.
Việc số hóa bệnh án và đơn thuốc yêu cầu thông tin chi tiết các vật tư y tế, đơn vị đo lường, tên thuốc đến nguồn gốc và ngày sản xuất, giúp minh bạch từ doanh thu, đấu thầu đến quản lý thuốc.
Với AI, BV đã triển khai phần mềm HR24 sớm để quản lý nhân sự chính xác và công bằng. Việc số hóa trong quản lý tài sản công giúp BV quản lý chặt chẽ và phân loại tài sản để có chính sách đầu tư phù hợp.
“Tất nhiên, việc số hóa quy trình y tế đòi hỏi đầu tư cơ sở hạ tầng và buộc BV phải xem xét kỹ lưỡng về giá cả và chất lượng, đảm bảo sử dụng hợp lý nguồn kinh phí giữa thị trường thuốc và thiết bị y tế phức tạp. Tuy nhiên, có thể áp dụng các tiêu chuẩn y tế phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam, để giảm gánh nặng cho cả hệ thống y tế và người dân” - ông Thường chia sẻ.
Sau khi áp dụng chuyển đổi số, lượng bệnh nhân ngoại trú ở BVĐK Đức Giang đã tăng 200%, lượng bệnh nhân nội trú tăng 180%, chất lượng khám, chữa bệnh cũng tăng, mặc dù nhân lực và số lượng bàn khám không thay đổi.
Nhờ ứng dụng Công nghệ thông tin, doanh thu bệnh nhân tăng 170% và bình quân thu nhập của cán bộ, nhân viên tăng 200%.