Giải mã ADN rất cần đến công nghệ thông tin. Ảnh: blogsinhhoc.com |
Bill Gates giải thích về trí thông minh nhân tạo là chúng ta chỉ mới bắt đầu trong việc biến nó trở thành một thứ có thể giúp con người có cuộc sống năng suất hơn và sáng tạo hơn. Tiếp đó là năng lượng, vì làm cho nó trở nên sạch sẽ hơn, giá cả phải chăng hơn và đáng tin cậy hơn sẽ là những điều thiết yếu để có thể đấu tranh chống lại đói nghèo và thay đổi khí hậu. Thứ ba là khoa học sinh học. Chúng ta đang nắm chìa khóa để mở ra một kỷ nguyên mới cho nhân loại, khi con người có thể có cuộc sống dài lâu và khỏe mạnh hơn.
Về trí thông minh nhân tạo, chúng ta hoàn toàn dễ hiểu về mối quan tâm này của Bill Gates vì đó là một thành tố của công nghệ thông tin. Còn năng lượng thì đó là thứ mà công nghệ thông tin phải sử dụng và càng ngày, người ta càng làm ra các thế hệ máy tính sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hơn. Riêng với khoa học sinh học, một lĩnh vực tưởng chừng chẳng liên quan đến công nghệ thông tin thì tại sao Bill Gates lại quan tâm?
Năm 2002, các nhà khoa học Mỹ đã giải mã thành công bản đồ gene người và trong các hình ảnh về sự kiện này được các phương tiện thông tin đại chúng truyền tải, người ta lại thấy toàn là máy tính xuất hiện chứ không phải là chai lọ, ống nghiệm. Qua thực tế này, có thể nói là công nghệ sinh học hiện đại đã và đang phát triển dựa vào các thành tựu của công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, theo GS TS Lê Đình Lương – Chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam, công nghệ thông tin và công nghệ sinh học khác nhau rất căn bản vì công nghệ thông tin là hệ quả của 2 trạng thái có điện (tương ứng với số 1) và mất điện (tương ứng với số 0) còn công nghệ sinh học được cấu thành từ 4 loại acid amin cơ bản. Vì thế, tiếng nói chung của công nghệ thông tin và công nghệ sinh học là không hề đơn giản. Dẫu vậy, công nghệ sinh học rất cần đến công nghệ thông tin để có thể phát triển và những ứng dụng cho nó như xác định huyết thống bằng ADN hoàn toàn có thể bằng những nguồn vốn đầu tư của tư nhân. Tuy nhiên, trên bình diện quốc gia, rất cần có những chủ trương, chính sách lớn về ứng dụng công nghệ thông tin cho công nghệ sinh học. Khi đó, nhờ biết trước các căn bệnh có thể có ở thế hệ tiếp theo do kiểm định gene của các cặp vợ chồng, chúng ta hoàn toàn có thể tránh được những hệ lụy xấu.
Đó chỉ mới chỉ là một thí dụ rất nhỏ trong những ứng dụng công nghệ thông tin cho công nghệ sinh học. Và một lần nữa phải nhắc lại rằng công nghệ sinh học của thế kỷ 21 đã và đang phát triển trên thành tựu của công nghệ. Vì thế, khoa học sinh học là một trong những mối quan tâm của ông Bill Gates cũng là điều hợp lý. Và một nước đang phát triển như Việt Nam cũng phải quan tâm đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin cho công nghệ sinh học vì lợi ích của con người cũng và nhu cầu của các lĩnh vực nông nghiệp.