Công nghệ có đang làm thú cưng của bạn phát điên hay không?

Rất ít người để ý tới những tiếng rì rì từ TV hay một bóng đèn điện chớp nháy. Nhưng đối với những chú thú cưng, có thể chúng đang phải chịu đựng khá nhiều.

Các giác quan của loài vật được đánh thức khác với con người và có thể phát hiện ra tạp âm và hiệu ứng nhấp nháy mà con người không thể, đặc biệt khi trong phòng chỉ toàn các thiết bị hi-tech. Chúng ta có thể điều chỉnh thiết bị cảm ứng khói đang rung chuông bằng cách thay pin, nhưng nó sẽ chuyển sang các âm thanh the thé mà chỉ có chó của chúng ta mới nghe thấy.

Giáo sư thần kinh học Sheila Carrera-Justiz của Khoa Thuốc thú y, Đại học Florida, cho biết thính giác của động vật khiến cho chúng cảm nhận về thế giới khác hoàn toàn loài người. Chúng có thể nghe thấy mọi thứ ta nghe được, mà còn hơn thế.

Bảng so sánh tần số âm thanh mà con người, loài chó và mèo nghe thấy (Nguồn: Cnet)

Theo Katherine Houpt, chuyên gia phân tích môi trường tại Đại học Cornell, thú cưng có khả năng nghe được các âm thanh có tần số cao hơn mức con người có thể nghe được, còn gọi là sóng siêu âm. Chuyên gia này cho biết: “Nhiều chú chó sợ chuông báo khói. Nên chúng trở nên cuồng loạn và chủ nhân không hề nhận ra lý do”.

Con người có thể nghe được các tần số âm thanh trong khoảng từ 20 Hz đến 20.000 Hz. Thực tế thì người trưởng thành có thể nghe được một nửa khoảng tần số đó, do tuổi tác làm giảm độ nhạy cảm với những âm cao. Trong khi đó, chó có thể nghe được âm thanh ở tần số lên đến 45.000Hz, còn mèo là 64.000Hz. Đối với chúng, sóng siêu âm với con người chỉ đơn giản là âm thanh, nhưng các đồ vật thiết kế gia dụng lại không chú ý tới khía cạnh này. Nhằm thu hút người tiêu dùng, các thiết bị điện tử chỉ bị loại bỏ những tiếng động có âm vực cao mà chúng ta nghe được. Đương nhiên những chú cún hay mèo không hề được xem xét trong việc thiết kế gia dụng của nhiều hãng công nghệ.

Dải băng tần màu xanh phía trên cho thấy những gì mà thú cưng có thể nghe thấy trong phòng, còn những biến động phía bên dưới là những gì con người nghe được (Nguồn: Cnet)

Mặc dù chúng ta biết được sự thực động vật bị ảnh hưởng bởi âm thanh con người không nghe thấy, phương thức tác động như thế nào vẫn chưa được làm rõ. Trong một nghiên cứu từ 2005 về tác động của âm thanh lên động vật trong phòng thí nghiệm, Giáo sư Jeremy G. Turner của Trường Đai học Southern Illinois tìm ra rằng tiếng động có thể làm thay đổi vòng tuần hoàn tim mạch, giấc ngủ và nội tiết ở động vật, khiến chúng trở nên mẫn cảm với các cơn co giật.

Một khảo sát được thực hiện bởi nhóm chuyên gia thú y tại Anh vào năm 2017 đã nhắc đến hội chứng có tên co giật phản ứng âm thanh ở mèo, gây ra bởi các âm có tần số cao. Những nguồn âm thanh trong nhà được liệt kê gồm có tiếng chuông điện thoại, máy in, máy tính, hay tiếng vò giấy thiếc nấu ăn.

Việc tránh những tiếng động nói trên là vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, việc đánh giá mức độ nghiêm trọng của vấn đề cũng không hề đơn giản, do không có hệ thống gắn nhãn cho sóng siêu âm được phát ra từ thiết bị điện tử gia dụng.

Trong khi chưa có giải pháp khoa học nào được đưa ra, bạn vẫn có thể giúp con vật cưng của mình giảm bớt áp lực từ những âm thanh khó chịu bằng cách: tắt các nguồn điện cho các thiết bị không được sử dụng và tháo ổ cắm điện (mặc dù việc này có thể ảnh hưởng tới chức năng của sản phẩm như DVR); thiết lập một căn phòng trong nhà hoàn toàn im lặng vì không có thiết bị điện tử nào, kể cả đèn LED; hay đặt bộ dàn âm thanh trong một không gian kín để hạn chế sóng siêu âm.

Sóng siêu âm trong phòng sẽ tăng lên sau khi một đèn LED được bât lên, và còn gia tăng khi TV được cắm điện, còn chưa cả bật lên (Nguồn: Cnet)

Thú nuôi trong nhà còn phải đối diện với cả tác động từ ánh sáng nhấp nháy từ bóng đèn mà con người không nhận ra. Đèn LED đang thống lĩnh thị trường điện chiếu sáng và được lắp đặt nhiều hơn trong nội thất. Nhưng vấn đề của loại thiết bị này là việc ánh sáng bật tắt từng thời điểm, lúc tối hơn lúc lại sáng ở mức lớn. Người bình thường sẽ khó có nhận ra sự nhấp nháy này với đèn LED hiện tại, nhưng con thú cưng thì lại hoàn toàn mẫn cảm với cả âm thanh, nay lại còn ánh sáng.

Ở người, khái niệm “critical flicker fusion” (CFF), hay tần suất để ánh sáng xuất hiện ổn định trước mắt người dùng, có thể thấp tới mức 24Hz, hay 24 lần nhấp nháy trên giây. Hầu hết các video trực tuyến đều được dựng trên cơ sở 30 khung hình trên giây. Đối với mắt người, tốc độ nhấp nháy như vậy đạt được chuyển động trôi chảy, liền mạch. Nhưng theo tác giả Alexandra Horowitz, loài chó có mức độ CFF nhạy cảm lên tới 80Hz hay 80 lần nhấp nháy trên giây. “Điều này có thể lý giải tại sao hầu hết các chú chó không thể ngồi im trước màn hình TV để theo dõi.”, Horowitz mô tả. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy ánh sáng nhấp nháy có ảnh hưởng xấu tới nhiều loài động vật, thậm chí sự sợ hãi với ánh sáng ở chó và mèo.

Người tiêu dùng được khuyên nên sử dụng loại đèn LED có mức độ nhấp nháy thấp hơn. Trừ khi bạn muốn thoát hoàn toàn khỏi đời sống công nghệ bạn sẽ không thể ngăn chặn được sự ô nhiễm âm thanh và ánh sáng trong nhà của bạn. Tuy vậy, bạn vẫn có thể bày tỏ sự quan tâm đối với vật cưng của mình bằng cách xem xét kỹ càng trước khi mua bộ dàn âm thanh hay đèn LED tiết kiệm cho ngôi nhà của mình.

Theo ICT News

http://ictnews.vn/cntt/cuoc-song-thong-minh/cong-nghe-co-dang-lam-thu-cung-cua-ban-phat-dien-hay-khong-166066.ict