|
Ảnh minh họa: Nikkei Asia Review |
Trước đây, Mỹ được coi là quốc gia đi đầu về công nghệ. Chỉ riêng các công ty tại Thung lũng Silicon đã đóng góp 257 tỉ USD cho tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ, cao hơn GDP của nhiều nước. Ngược lại, sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc và Nga thường bị đánh giá là các bản sao kém chất lượng.
Tuy nhiên, những thành tựu gần đây của các công ty Trung Quốc đã cho thấy chuyển biến trong ngành công nghệ cao. Đặc biệt khi Nga và Trung Quốc đã bắt tay để phát triển thế hệ kết nối di động tiếp theo thì Mỹ đang đứng trước nguy cơ bị bỏ lại phía sau.
Tâm điểm tranh cãi trong thời gian gần đây là Huawei, nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và sở hữu số lượng lớn bằng sáng chế 5G quan trọng. Washington đã cấm Huawei triển khai 5G tại Mỹ và đe dọa ngăn công ty Trung Quốc sử dụng phần mềm và linh kiện có nguồn gốc Mỹ để sản xuất smartphone và thiết bị viễn thông.
Hơn nữa, Mỹ đã nỗ lực thuyết phục các đồng minh hạn chế hoặc cấm Huawei tham gia triển khai 5G, cảnh báo rủi ro Bắc Kinh trích xuất dữ liệu từ cơ sở hạ tầng mạng. Huawei đã nhiều lần phủ nhận sản phẩm của công ty ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.
Giờ đây, khi dịch vụ 5G đã ra mắt thử nghiệm tại một số thành phố của Mỹ, giới quan sát vẫn lo ngại quyết định cấm Huawei có thể kéo dài quá trình phổ cập 5G, khiến Mỹ tụt hậu về công nghệ so với Trung Quốc và Nga.
Trong khi đó, quyết định dùng hay bỏ công nghệ Huawei đang trở thành “thuốc thử chính trị” tại nhiều quốc gia, tiềm ẩn khả năng hình thành nên ranh giới phân chia thế giới mở của Internet toàn cầu.
Vấn đề nan giải Huawei
Tuần qua, Huawei đã đạt được thỏa thuận với nhà mạng lớn nhất của Nga - MTS - để phát triển 5G và các công nghệ liên quan. Nhà mạng Nga dự kiến sẽ ra mắt dịch vụ 5G thương mại vào năm 2020. Bên cạnh đó, Trung Quốc phê duyệt đợt cấp phép 5G thương mại đầu tiên, hứa hẹn mở ra “một kỷ nguyên mới cho ngành viễn thông”.
Mặc dù vẫn tham gia vào tiến trình phát triển 5G với hơn 45 hợp đồng 5G ký kết tại 30 quốc gia, trong 2 tháng gần đây Huawei chỉ giành được 3 hợp đồng 5G so với 12 hợp đồng của đối thủ Phần Lan Nokia, bất chấp sản phẩm của công ty Trung Quốc có chất lượng tốt và giá thành rẻ hơn.
Hiện tại, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến đang mắc kẹt giữa cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Huawei đã phải hứng chịu hàng loạt đòn trừng phạt của chính phủ Mỹ, kể từ khi Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu bị bắt giữ tại Canada theo yêu cầu của Bộ Tư pháp Mỹ vào cuối năm ngoái. Ngoài cấm công ty hoạt động tại Mỹ, Washington đã liên tục gây sức ép để các đồng minh ngừng sử dụng công nghệ Huawei.
|
Mỹ, Đài Loan, Australia và New Zealand là các quốc gia đã ban hành lệnh cấm đối với Huawei. Ảnh: CNN
|
Tuy nhiên, khi thế giới tiến lên tiêu chuẩn 5G thì ranh giới mà công nghệ kết nối siêu tốc tạo ra sẽ ngày càng rõ ràng. Một bên là Bắc Kinh và các nước không có vướng mắc với Huawei như Nga, bên kia là Mỹ và các đồng minh đã tuyên bố sẽ đóng chặt cửa với công ty Trung Quốc.
Giữa ranh giới của chiến tranh lạnh công nghệ, vẫn có một số quốc gia có truyền thống thân Mỹ nhưng không sẵn sàng tăng mức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mạng hay chấp nhận chậm phổ cập 5G vì ảnh hưởng của lệnh cấm.
Theo CNN, Mỹ đang tụt lại phía sau Trung Quốc trong công nghệ 5G và chính sách cấm cửa nhà cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu như Huawei sẽ không thể giúp cho Mỹ thu hẹp khoảng cách đó.
Tất nhiên, Mỹ vẫn có thể bắt kịp nếu các công ty Mỹ nỗ lực cạnh tranh với Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc. Kịch bản xấu nhất là các chính phủ phải chọn phe và thiết lập ranh giới phân chia giữa Mỹ và Trung Quốc trên không gian mạng.
“Có những lĩnh vực công nghệ không chỉ đơn giản mô phỏng lại hoạt động của chuỗi cung ứng tại các lục địa khác nhau”, nhà phân tích Tim Cupain nói. “Thay vào đó, mọi quyết định đầu tư và kinh doanh đều trở thành công cụ chính trị của các quốc gia trên thế giới”.
Ranh giới trên Internet
Internet ban đầu được xây dựng như một nền tảng mở, cho phép người dùng tự do kết nối, nhưng những bất đồng về cách vận hành và kiểm soát đã nảy sinh trong quá trình phát triển.
Trung Quốc là đại diện cho nước áp dụng học thuyết về chủ quyền không gian mạng của Bắc Kinh, trong đó chính phủ bảo vệ chặt chẽ chủ quyền, thúc đẩy công nghệ trong nước và yêu cầu các đối thủ quốc tế phải tuân thủ nghiêm ngặt chính sách bản địa hóa dữ liệu.
Xu hướng gia tăng chính sách kiểm duyệt và giám sát kiểu Trung Quốc đang được áp dụng ngày càng nhiều, tác động mạnh mẽ đến sự tự do trên môi trường Internet. Năm ngoái, cựu Giám đốc điều hành Google Eric Schmidt cũng cảnh báo rằng thế giới sẽ bị chia rẽ thành “một mạng Internet do Trung Quốc lãnh đạo và 1 mạng Internet do Mỹ dẫn đầu”.
Chiến dịch của chính phủ Mỹ chống lại Huawei đã đẩy nhanh quá trình công nghệ 5G chia cắt thế giới. Lệnh cấm của Washington có thể gây tác động khó lường hơn việc nhà mạng chọn đối tác cung cấp thiết bị 5G nào. Ranh giới công nghệ thực tế đang hình thành trong nhiều lĩnh vực khiến hoạt động giao thương quốc tế và chuyển đổi giữa các hệ thống trở nên khó khăn.
Theo CNN