Theo The Guardian, hội đồng luật sư bào chữa cho CFO Huawei Mạnh Vãn Châu đã đệ trình yêu cầu bồi thường dân sự lên Tòa án Tối cao British Columbia. Bà Châu đã bị các nhà chức trách Canada bắt giữ tại sân bay Vancouver ngày 1-12, theo yêu cầu của Mỹ. Phía Mỹ cáo buộc bà Châu đã cố tình che giấu một số tài khoản ngân hàng, để thực hiện giao dịch ngầm với các công ty Iran.
Tuy nhiên, “công chúa Huawei” cho biết thay vì bắt giữ bà theo đúng quy trình, các nhà chức trách Canada đã tiến hành thẩm vấn bà dưới hình thức của một cuộc kiểm tra hải quan thường lệ, để buộc bà phải cung cấp bằng chứng và thông tin liên quan.
Hồ sơ kiện cũng nhấn mạnh đến tuyên bố của một nhân viên Cơ quan Dịch vụ Biên giới Canada về việc tịch thu thiết bị điện tử cá nhân, lấy mật khẩu và kiểm tra nội dung một cách bất hợp pháp mà không giải thích lý do.
Cố vấn pháp lý của bà Mạnh Vãn Châu nói: “Vụ việc này là một nỗ lực có chủ ý và được lên kế hoạch trước của cảnh sát để buộc nguyên đơn giao nộp bằng chứng và thông tin. Trong đó, bị đơn biết hành động của họ đã cấu thành vi phạm nghiêm trọng các quyền của nguyên đơn”.
Hiện tại, bà Mạnh Vãn Châu, con gái nhà sáng lập Nhậm Chính Phi, đang được tại ngoại ở nhà riêng tại Vancouver, trong khi chờ thủ tục dẫn độ.
Ngày 1-3, Bộ Tư pháp Canada đã cho phép phía Mỹ tiến hành thủ tục dẫn độ bà Châu. CFO Huawei sẽ phải xuất hiện trong phiên tòa tố tụng ngày 6-3 tới đây. Quá trình dẫn độ có thể kéo dài vài tháng hoặc nhiều năm, trước khi vụ việc được giải quyết.
CFO Huawei Mạnh Vãn Châu sẽ xuất hiện tại phiên tòa tố tụng vào ngày 6-3 tới. Ảnh: Toronto Star
|
Kể từ cuối năm ngoái, vụ bắt giữ bà Châu đã làm gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc. Bắc Kinh cáo buộc vụ bắt giữ bà Châu theo yêu cầu của Washington có động cơ chính trị, nhằm làm tổn thương công ty công nghệ cao Trung Quốc.
Để trả đũa, Trung Quốc đã bắt giữ cựu quan chức ngoại giao Canada Michael Kovrig và doanh nhân Micheal Spavor cùng trong tháng 12-2018. Đồng thời, tòa án Trung Quốc đã kết án tử hành một công dân Canada, đã bị tuyên án tù 15 năm trước đó, vì tội buôn lậu ma túy.
Trước thông tin nói trên, phát ngôn viên Cơ quan Dịch vụ Biên giới Canada cho biết họ không có thông lệ phải bình luận về các vấn đề pháp lý, trước khi phiên tòa diễn ra. Phát ngôn viên Bộ Tư pháp Canada cũng đưa ra tuyên bố rằng Cơ quan Dịch vụ Biên giới và Cảnh sát Hoàng gia Canada không được phép phản hồi.
Phó Hiệu trưởng trường Luật Hofstra, Julian Ku nhận định rằng vụ kiện dân sự hoàn toàn tách biệt với thủ tục dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu. Ông Ku nói rằng vụ kiện cho thấy quan điểm bà Châu bị bắt giữ là một phần trong âm mưu chính trị của Canada và Mỹ chống lại công ty Trung Quốc, Huawei là vô căn cứ.
Phó Giáo sư Khoa học Chính trị Lynette Ong tại Đại học Toronto cho rằng những công dân Canada bị bắt giữ cũng nên kiện Bắc Kinh vì vi phạm quyền nhân quyền, tương tự trường hợp của bà Mạnh Vãn Châu.
“Sự vi phạm nhân quyền của họ [Bắc Kinh] còn nghiêm trọng hơn nhiều so với những vi phạm các quyền theo hiến pháp của bà Châu”, PGS. Ong nói. “Tuy nhiên, họ không thể thực hiện điều đó [khởi kiện chính phủ Trung Quốc]. Việc họ bị từ chối mời luật sư ngay từ đầu đồng nghĩa với việc họ không được hưởng bất kỳ công lý nào”.
The The Guardian