Chưa công khai, minh bạch
Công khai, minh bạch là một trong tám nội dung mà các chuyên gia PAPI đã nghiên cứu khảo sát thường niên.
Chỉ số công khai, minh bạch của các tỉnh được thể hiện qua việc người dân có thể được tiếp cận các thông tin nhanh chóng và đáng tin cậy như kế hoạch sử dụng đất, khung giá bồi thường thu hồi đất, ngân sách cấp xã, danh sách hộ nghèo…
Chỉ số PAPI là khảo sát xã hội học lớn nhất Việt Nam do Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (VFF-CRT), Công ty Phân tích Thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) phối hợp tiến hành thường niên từ năm 2009 tới nay. Báo cáo PAPI năm 2019 được tổng hợp dựa trên khảo sát ngẫu nhiên 14.138 người dân trên cả nước. |
Những tỉnh có chỉ số cao cho thấy chính quyền ở đó đã công khai, minh bạch thông tin nhằm đáp ứng “quyền được biết” của người dân về những chính sách có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của họ.
Thang điểm các thành phần trong Chỉ số Công khai, Minh bạch cho thấy Hà Nội thuộc nhóm có điểm số yếu kém nhất, với điểm “Công khai minh bạch trong việc ra quyết định là 4,99/10, điểm “Tiếp cận thông tin” là 0,79/10, điểm “Công khai minh bạch danh sách hộ nghèo” là 1,62/10, điểm “Công khai minh bạch quy hoạch sử dụng đất” là 1,3/10, “công khai minh bạch ngân sách cấp xã, phường” là 1,28/10.
Báo cáo cũng cho thấy 15 tỉnh thành phố đã có mức cải thiện đáng kể so với năm 2018 ở chỉ số nội dung này, trong đó 3 tỉnh Hậu Giang, Hải Dương và Sơn La có mức cải thiện lớn nhất. Ngược lại, 4 tỉnh Đăk Nông, Kon Tum, Lạng Sơn và Thái Nguyên có sự sụt giảm mạnh so với kết quả năm 2018. Khánh Hòa tiếp tục là một trong 5 địa phương đạt điểm thấp nhất trên toàn quốc trong cả hai năm 2018 và 2019. Đáng chú ý là 10 trong số 16 địa phương trong nhóm đạt điểm cao nhất nằm ở phía Bắc.
Trách nhiệm giải trình với người dân
Đây cũng là một trong tám nội dung được nghiên cứu đánh giá. Trong nội dung này, các nhà nghiên cứu đã chia ra 3 nội dung thành phần là: mức độ và hiệu quả tương tác với chính quyền địa phương; giải đáp khiếu nại, tố cáo, khúc mắc; tiếp cận dịch vụ tư pháp.
Thống kê cho thấy 8 tỉnh đã đạt được những tiến bộ đáng kể, trong đó Thừa thiên – Huế là địa phương thuộc nhóm đạt điểm cao nhất ở cả 3 nội dung thành phần của Chỉ số này. Ngược lại, 12 tỉnh thành phố có mức giảm sút điểm đáng kể (giảm hơn 5% điểm so với năm 2018) trong đó có Lạng Sơn, Ninh Thuận và Thái Nguyên.
Vĩnh Long là tỉnh thuộc nhóm đạt điểm thấp nhất ở cả 3 nội dung thành phần. Trong khi đó, Hà Nội tiếp tục nằm trong nhóm có điểm số thấp nhất.
Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công
Đây cũng là một trong những nội dung trọng điểm của chỉ số PAPI thường niên. Các chuyên gia đã tiến hành khảo sát người dân về 4 nội dung thành phần bao gồm: kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương, kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công, công bằng trong tuyển dụng vào khu vực công và quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền.
Trên thực tế, tại nhiều địa phương vẫn còn tình trạng cán bộ phường, xã nhũng nhiễu người dân khi đi làm các thủ tục như xin cấp sổ đỏ, cấp phép xây dựng. Cũng không hiếm thực trạng người muốn xin việc tại các cơ quan nhà nước phải có “phong bì” hoặc là “con ông cháu cha”. Điều này khiến chất lượng nhân sự tại các cơ quan này không cao.
Biểu đồ cảm nhận về mức độ thay đổi của tham nhũng so với ba năm trước theo các cấp chính quyền, 2018-2019 (nguồn: PAPI 2019)
|
Nghiên cứu PAPI cho thấy các tỉnh phía Nam được đánh giá kiểm soát tham nhũng tốt hơn các tỉnh phía Bắc. 12 trong số 16 tỉnh có điểm cao nhất là các địa phương phía Nam (bao gồm Ninh Thuận, Đồng Nai và 10 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long). Đáng tuyên dương khi Bến Tre vẫn là tỉnh nằm trong nhóm đạt điểm cao nhất qua nhiều năm và năm 2019 tiếp tục tăng trưởng so với năm 2018.
Các tỉnh nằm trong nhóm thấp nhất đa phần ở khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc. Một lần nữa Hà Nội lại có mặt trong nhóm này.
Yên Bái và Lâm Đồng là hai tỉnh thuộc nhóm đạt điểm thấp nhất ở cả 4 nội dung thành phần của Chỉ số Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công.
"Thủ tục Hành chính công”, “Cung ứng dịch vụ công” và “Quản trị môi trường”, Hà Nội tiếp tục nằm ở nhóm trung bình thấp
Chỉ số “Thủ tục Hành chính công” đo lường chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công ở những lĩnh vực cần thiết nhất cho đời sống của người dân bao gồm dịch vụ chứng thực, xác nhận của chính quyền cơ sở; dịch vụ cấp giấy phép xây dựng; dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; dịch vụ hành chính công cấp xã phường.
Theo báo cáo PAPI 2019, Hà Nội có bước tụt lùi đáng kể so với 4 thành phố còn lại trực thuộc trung ương. Điểm số về Dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Hà Nội rất thấp, chỉ 1,69/10. Trong số các thành phố trực thuộc trung ương thì Đà Nẵng và Cần Thơ đứng trong nhóm đạt điểm cao nhất. TP.HCM và Cần Thơ có tên trong 10 địa phương được đánh giá tích cực về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khánh Hòa thuộc nhóm đạt điểm thấp nhất ở cả 4 dịch vụ thành phần.
Việc nghiên cứu, phân tích hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh không chỉ phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân, mà còn giúp cho các nhà hoạch định chính sách kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam |
Chỉ số “Cung ứng dịch vụ công” phản ánh mức độ hiệu quả của chính quyền tỉnh thành phố trong việc cung cấp dịch vụ công căn bản, bao gồm Y tế công lập, Giáo dục Tiểu học công lập, Cơ sở hạ tầng căn bản và An ninh trật tự tại địa bàn khu dân cư.
Theo nghiên cứu, Cần Thơ, Đà Nẵng và Hải Phòng được đánh giá có bước tiến đáng kể trong đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn khu dân cư. Thật ngạc nhiên khi Yên Bái và Đăk Lăk là hai tỉnh miền núi có tên trong 16 tỉnh đạt điểm cao nhất. Ngược lại, Hà Nội và Hải Phòng nằm trong nhóm trung bình thấp. Riêng Hải Phòng đạt điểm thấp nhất toàn quốc ở chi tiêu đánh giá về chất lượng trường tiểu học công lập và y tế công lập cấp huyện.
Đối với Chỉ số “Quản trị môi trường”, không có gì ngạc nhiên khi Hà Nội nằm trong nhóm trung bình thấp. Hà Nội là thành thị tập trung đông người, phương tiện lưu thông lớn nên mức độ ô nhiễm không khí cao. Nhưng trong Chỉ số này, các nhà nghiên cứu không chỉ đánh giá chất lượng không khí mà còn đánh giá chất lượng nguồn nước. Họ cũng lấy ý kiến của người dân về hiện tượng dự án hoặc doanh nghiệp đầu tư vào địa phương có trốn tránh nghĩa vụ bảo vệ môi trường hay không.
Nghiên cứu cho thấy người dân Thừa Thiên – Huế, Hưng Yên, Bình Định, Đăk Nông và Bạc Liêu đánh giá chất lượng không khí ở các địa phương này tốt hơn 2018. Người dân các tỉnh Hà Nam, Yên Bái, Lạng Sơn, Hà Nội và Bắc Ninh đánh giá chất lượng không khí ở địa phương mình kém hơn so với năm 2018. Chất lượng nguồn nước sinh hoạt vẫn là vấn đề người dân lo ngại nhất ở tất cả các tỉnh, thành phố.
Trên tất cả, người dân quan ngại nhất về nghèo đói, tăng trưởng kinh tế và môi trường
Báo cáo PAPI 2019 cho thấy ngay cả trước khi dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến Việt Nam thì nghèo đói, tăng trưởng kinh tế và môi trường là 3 vấn đề mà người dân quan tâm nhất.
Theo tiến sĩ Paul Schuler, thành viên nhóm nghiên cứu PAPI từ năm 2015, trong 5 năm qua nghèo đói luôn là mối quan ngại lớn nhất của người dân Việt Nam và năm 2019 cũng không phải là một ngoại lệ khi một phần tư số người được khảo sát nói rằng họ quan tâm đến xóa đói giảm nghèo. Mặc dù kinh tế Việt Nam đã liên tục tăng trưởng và nhiều việc làm mới được tạo ra (thể hiện qua việc gần đây Bộ Thương mại Mỹ đã đưa Việt Nam khỏi danh sách các quốc gia đang phát triển) nhưng người dân vẫn chưa thỏa mãn với những gì kinh tế đem lại. Theo tiến sĩ Schuler, có hai khả năng ở đây:
Thứ nhất, số lượng người được khảo sát phần lớn là những người trong khu vực nông nghiệp. Họ là những người có mức thu nhập thấp và luôn mong muốn cải thiện thu nhập của mình.
Thứ hai, trong số những người được khảo sát, 27% số người không có bảo hiểm xã hội, chỉ có 17% là có đóng bảo hiểm xã hội. Những người không có bảo hiểm xã hội đương nhiên sẽ lo lắng đến tương lai bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, nguy cơ mất việc làm. Tâm lý lo lắng này có khả năng sẽ tăng lên vì đại dịch Covid-19 đang xảy ra. Gói hỗ trợ an sinh xã hội chưa có tiền lệ ước tính 2,6 tỷ USD được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí dự kiến sẽ hỗ trợ khoảng trên 10% dân số sẽ giúp giải quyết phần nào vấn đề này.
Kết quả khảo sát PAPI về các vấn đề người dân quan ngại nhất bao gồm nghèo đói và mất việc làm, và đánh giá của người dân về những ưu tiên cải cách gần đây trong kiểm soát tham nhũng và quản trị điện tử cung cấp góc nhìn hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách khi Việt Nam bước vào giai đoạn hồi phục sau dịch Covid-19 bà Caitlin Wiesen, đại diện thường trú UNDP |
Những điểm sáng
Theo khảo sát của PAPI, trong năm 2019, cải thiện lớn nhất được ghi nhận ở lĩnh vực “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” (có tác động lớn nhất đến mức độ hài lòng của người dân) và nâng cao công khai, minh bạch trong ra quyết định. Kết quả này phù hợp với những nỗ lực cải cách thu hút sự quan tâm lớn của công luận với mũi nhọn là những đại án chống tham nhũng liên quan đến nhiều cán bộ chủ chốt.
Đấu tranh phòng chống tham nhũng là trọng tâm trong nỗ lực của Đảng và chính phủ với nhiều vụ đại án trong những năm qua. Báo cáo PAPI 2019 cho thấy tác động rõ nét của chiến dịch phòng chống tham nhũng lên cảm nhận của người dân. Lĩnh vực này nhận được sự hài lòng nhất của người dân ở cấp quốc gia và cấp phường, với tỷ lệ hơn 5% người dân so với năm 2018 cho biết tham nhũng ở hai cấp này đã giảm. Trải nghiệm thực tế của người dân về hiện trạng vòi vĩnh nhận hối lộ ở bệnh viện tuyến huyện và xin cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất đã cải thiện đáng kể. Tuy điểm của chỉ số kiểm soát tham nhũng đã cải thiện, cần lưu ý vẫn còn tỷ lệ đáng kể (từ 20-40%) người dân cảm nhận tham nhũng còn phổ biến trong một số dịch vụ công. Điều này cho thấy cần tăng cường nỗ lực kiểm soát tham nhũng trong những năm tới.