Công bố ba tiêu chuẩn mới về trí tuệ nhân tạo (AI) để bảo vệ loài người

VietTimes -- Hiện nay, trí tuệ nhân tạo và các hệ thống tự động bắt đầu thâm nhập vào mọi lĩnh vực trong cuộc sống hàng ngày, và đã có trường hợp mất kiểm soát dẫn đến tai nạn thương tâm. Đã đến lúc những nhà công nghệ phải cân nhắc những nguyên tắc đạo đức để đảm bảo sự an toàn của xã hội loài người.
Hình minh họa. Nguồn: iStockphoto/monsitj

Hôm thứ Sáu vừa qua, Viện các Kỹ sư điện và điện tử IEEE đã phát đi thông cáo báo chí công bố ba tiêu chuẩn mới về đạo đức trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo để đàm bảo cho sự an ninh, an toàn và thịnh vượng của loài người trong quá trình phát triển của các công nghệ này. Những tiêu chuẩn này sẽ trở thành một phần của ấn phẩm của IEEE: Thiết kế phù hợp về đạo đức: Tầm nhìn về ưu tiên cho sự thịnh vượng của loài người khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các hệ thống tự động. Đây là một tài liệu sống động khuyến khích các nhà công nghệ để ưu tiên xem xét những khía cạnh đạo đức khi làm việc với AI.

“Công nghệ robot và tự động được dự báo sẽ tạo ra nhiều đổi mới cho xã hội. Gần đây, công chúng ngày càng quan tâm tới những vấn đề xã hội phức tạp do trí tuệ nhân tạo gây ra, cũng như những lợi ích tiềm năng to lớn mà nó mang lại " - ông Satoshi Tadokoro, Chủ tịch của Hiệp hội Xã hội Robot và Tự động hóa của IEEE - viết trong thông cáo báo chí.  Theo ông, thật không may là trong số những vấn đề được đưa ra thảo luận có cả một số thông tin sai lệch từ các sách báo, phim ảnh khoa học viễn tưởng và sự tưởng tượng tầm thường. Với tư cách là tổ chức nghề nghiệp về kỹ thuật lớn nhất thế giới, IEEE sẽ giới thiệu kiến thức và sự thông thái dựa trên các dữ kiện đã được khoa học và công nghệ chấp nhận để đạt được các quyết định công cộng nhằm tối đa hóa lợi ích tổng thể cho nhân loại ".

Tác giả James Barrats cho rằng trí tuệ nhân tạo sẽ là phát minh cuối cùng của loài người. Ảnh TechRepublic

Ba dự án về tiêu chuẩn của IEEE do các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực nghiên cứu tương ứng đề ra. Bao gồm:

1. Tiêu chuẩn cho việc thúc đẩy đạo đức cho các hệ thống robot, thông minh và tự động

Tiêu chuẩn này xem xét các "động tác", mà theo thuật ngữ của trí tuệ nhân tạo là những đề xuất công khai hoặc được che giấu nhằm tác động đến hành vi và cảm xúc của con người. Trong đó giải thích khái niệm, chức năng và các lợi ích cần thiết để đảm bảo rằng các robot và hệ thống tự động luôn tuân thủ các nguyên tắc đạo đức và đạo lý trên toàn thế giới. Nhấn mạnh nhu cầu liên kết các cộng đồng kỹ thuật và đạo đức trong thiết kế và ứng dụng các hệ thống này.

2. Tiêu chuẩn thiết kế dự phòng đối với hệ thống tự động và bán tự động

IEEE lưu ý rằng, các hệ thống tự động và bán tự động khi vận hành sai có thể gây hại đến người dùng, xã hội và môi trường. Vì thế cần phải có các biện pháp dự phòng hiệu quả để giảm rủi ro liên quan đến các hệ thống bị hỏng và cung cấp cho các nhà phát triển, người cài đặt và người vận hành những hướng dẫn kỹ thuật rõ ràng để dừng các hệ thống bị hư hại một cách an toàn. Tiêu chuẩn này thiết lập các quy trình rõ ràng để đo đạc, kiểm tra và xác nhận khả năng của hệ thống tự động có thể được dừng một cách an toàn với thang đo các mức từ thấp đến cao, đồng thời cũng kèm theo hướng dẫn cải thiện hiệu suất vận hành. Tiêu chuẩn này cũng cung cấp những tri thức và kỹ năng cơ bản cho các nhà phát triển, người sử dụng và các nhà quản lý thiết kế các hệ thống dự phòng để nâng cao tính trách nhiệm.

3. Chuẩn mực về thước đo về phúc lợi của con người đối với trí tuệ nhân tạo có đạo đức và hệ thống tự động

Khi các hệ thống trí tuệ nhân tạo ngày càng được cải tiến, các lập trình viên, kỹ sư và các nhà công nghệ phải xem xét các sản phẩm và dịch vụ mà họ xây dựng có thể cải thiện phúc lợi của con người về tăng trưởng kinh tế và năng suất như thế nào. Tiêu chuẩn này xác định các chỉ số và chỉ số phúc lợi của con người có thể bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các hệ thống tự trị và thông minh và cung cấp một đường cơ sở để sắp xếp dữ liệu mà các hệ thống này nên bao gồm để chúng có thể được sử dụng để tăng phúc lợi cho con người.

Ông Konstantinos Karachalios, giám đốc điều hành IEEE-SA cho biết: "Khi công nghệ ngày càng phát triển, rõ ràng là các hệ thống tự động và thông minh sẽ đóng vai trò ngày càng tăng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Những nỗ lực mà chúng tôi đang thực hiện ngày hôm nay là rất cấp bách để đảm bảo rằng, tất cả các bên liên quan đều có thể yên tâm là các hệ thống này đã trải qua những tính toán thiết kế rất thận trọng và đã chứa đựng những cân nhắc về đạo đức. Những quy tắc đó nằm trong cốt lõi của các công nghệ này".

IEEE - một tổ chức danh giá của cộng đồng khoa học kỹ thuật hàng đầu thế giới. Tên đầy đủ của IEEE là Institute of Electrical and Electronics Engineers. Chính thức hoạt động từ ngày 1 tháng 1 năm 1963, IEEE đã có nhiều đóng góp cho cộng đồng khoa học thế giới.
IEEE ban hành hơn 30% văn bản liên quan đến các lĩnh vực điện, điện tử và khoa học máy tính trên thế giới, phát hành hơn 100 tạp chí khoa học.  Nội dung của những tạp chí này và nội dung của những hội thảo thường niên do IEEE tổ chức đều được đăng trên thư viện điện tử của IEEE – IEEE Xplore. Tuy nhiên, để xem được tài liệu cần phải trả phí. Bên cạnh đó, IEEE cũng ban hành các văn bản hướng dẫn và các tiêu chuẩn do ủy ban chuyên về tiêu chuẩn của IEEE xây dựng nên.
Hoạt động phổ biến nhất của IEEE đối với toàn thế giới đó là thiết lập nên những tiêu chuẩn hàng đầu về khoa học kỹ thuật. IEEE Standards Association là tổ chức thuộc IEEE đảm nhiệm vai trò này. Các tiêu chuẩn do IEEE thiết lập có phạm vi rất rộng: năng lượng, sinh học, sức khỏe, công nghệ thông tin, viễn thông, vận tải, công nghệ nano,… IEEE đã ban hành hơn 900 tiêu chuẩn và hơn 500 tiêu chuẩn đang được phát triển. Một trong những bộ tiêu chuẩn được biết đến nhiều nhất của IEEE là bộ chuẩn IEEE 802 LAN/MAN , trong đó có IEEE 802.3 cho mạng có dây và IEEE 802.11 cho mạng không dây.
Theo TechRepublic