Ngày 24/3, thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội TP Hà Nội về đánh giá kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, định hướng kế hoạch 5 năm 2016-2020, các đại biểu tập trung vào các vấn đề liên quan đến phòng chống tham nhũng và sự vô tình, vô cảm của một bộ phận người dân trong xã hội hiện nay.
Đường dây nóng rất nhiều, hiệu quả không được bao nhiêu
Sau khi xem xét báo cáo, đại biểu Đỗ Kim Tuyến nhận thấy, kế hoạch phòng chống tham nhũng mới chỉ đặt nặng vấn đề “chống”, còn “phòng” thì chưa thấy rõ sự chủ động, ngăn ngừa. Theo ông Tuyến việc phòng ngừa lợi dụng cơ chế, chính sách như xin - cho cũng chưa thấy rõ trong kế hoạch. “Tôi thấy báo cáo vẫn nghiêng về vấn đề chống. Cơ chế chính sách đạt tương đối rồi nhưng vai trò của các cấp còn hạn chế”, đại biểu Đỗ Kim Tuyến đánh giá.
Liên quan đến vấn đề phát huy vai trò của người dân trong phòng chống tham nhũng, ông Tuyến cho biết, trong báo cáo cũng nêu cơ chế khuyến khích để người dân tố giác, trong đó có nhấn mạnh thực hiện nghiêm việc tiếp công dân. Tuy nhiên, đại biểu đoàn Hà Nội nhận thấy, không phải thực hiện nghiêm mà phải đảm bảo các cơ chế để người dân phát hiện, tố giác, không chỉ tham nhũng mà cả các tội phạm khác.
Tại đây, đại biểu Đỗ Kim Tuyến cho rằng, phải xem lại cách làm đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân ở các Bộ ngành, tỉnh thành. Qua tiếp xúc, ông Tuyến nhận được rất nhiều phản ánh của cử tri về vấn đề này. Cử tri cho rằng, “đường dây nóng rất nhiều nhưng hiệu quả không được bao nhiêu”. Mặc dù đoàn đại biểu Quốc hội đã giải thích rõ ràng, các vấn đề liên quan đến đường dây nóng nhưng cử tri vẫn rất băn khoăn.
Đại biểu Đỗ Kim Tuyến hoàn nghênh cách lập đường dây nóng của Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng. Qua đây, đại biểu Đỗ Kim Tuyến đề nghị cần phải có đánh giá, rút kinh nghiệm việc lập đường dây nóng; từ đó đưa ra cơ chế rõ ràng trong việc lập đường dây nóng, tiếp nhận phản ánh của nhân dân.
“Đây là vấn đề xã hội chứ không phải là vấn đề đồng chí Bí thư TP Hồ Chí Minh có khả năng làm được, còn các đồng chí khác không làm được. Tôi nghĩ rằng nếu anh Thăng làm tốt thì các địa phương phải vận dụng đường dây nóng cho tốt”, đại biểu Đỗ Kim Tuyến nói.
Cũng tại đoàn Hà Nội, đại biểu Chu Sơn Hà cho rằng, phòng chống được tham nhũng thì phải xóa bỏ xã hội tiền mặt, vì tiêu tiền qua thẻ, qua ngân hàng thì cán bộ, công chức mới không có cơ hội nhận hối lộ. Ngoài ra, phải quản lý thật chặt chẽ tài sản của cán bộ, công chức.
Đại biểu Chu Sơn Hà cũng nhấn mạnh tình trạng lãng phí còn diễn ra phổ biến. Điển hình trong đó là nhiều tỉnh nghèo, trung ương phải điều tiết ngân sách nhưng xây trụ sở rất hoành tráng.
“Hà Nội ít cướp giật vì mọi người sống trách nhiệm với nhau”
Vấn đề đạo đức, lối sống đi xuống ở một bộ phận nhân dân cũng được đại biểu tổ Hà Nội đặc biệt quan tâm. Đại biểu Chu Sơn Hà đánh giá, đạo đức, lối sống của một bộ phần người dân đang mai một dần, "được 50% như xưa đã là quý" - ông Hà so sánh.
Nói về nạn cướp giật tại Hà Nội "yên bình" hơn TPHCM, đại biểu Chu Sơn Hà cho rằng không phải do ngành công an Hà Nội làm tốt.
Đại biểu Chu Sơn Hà cho biết, ông từng bị cướp ở TP Hồ Chí Mình
Công an Hà Nội không nên tự nhận mình làm tốt là lý do ít cướp giật - ông Hà nói - Có được điều đó là do người Hà Nội và người dân sống trên địa bàn Hà Nội có trách nhiệm với nhau. Những kẻ đi cướp ngang đường sẽ bị nhân dân tóm gọn. Vì vậy, theo đại biểu Chu Sơn Hà, kẻ cướp không dám cướp ở Hà Nội.
“Tôi cũng từng bị cướp ở TP Hồ Chí Minh. Biết thành phố này có nhiều kẻ cướp, khi đi bộ trên đường, tôi dùng iPad để tìm đường đi gần nhất thì chúng chạy đến giật iPad nhưng không được. Khi tôi hô hào, mọi người vẫn tỉnh khô”, đại biểu đoàn thành phố Hà Nội kể.
Ông Chu Sơn Hà cho rằng, sự vô tình, vô cảm của người dân là cái rất đáng ngại. “Tôi cho rằng nếu không làm được việc giáo dục đạo đức xã hội, sống có cộng đồng, công an có tăng cường xong rút đi thì đâu lại vào đấy”, Phó đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Chu Sơn Hà nhận định.
Theo Dân trí