Lời tòa soạn: Nên hay không nên hợp pháp hóa tiền điện tử vẫn là một câu hỏi cần các nhà quản lý và nhà chuyên môn giải đáp. VietTimes xin trích đăng bài viết trên TechinAsia như là một góc nhìn về Tiền điện tử và chính sách đối với tiền điện tử
Sau thời kỳ khủng hoảng tài chính, chúng ta có thể thấy rõ quốc gia nào có những nỗ lực nhằm tránh đi vào vết xe đổ của năm 2008. Điều này thể hiện qua những chính sách và quy định tài chính linh hoạt.
Châu Âu và Hoa Kỳ đang sử dụng các quy định và luật lệ để giúp các công ty công nghệ có thể cải tiến các quy trình tài chính như gửi tiền, vay tiền và giao dịch trực tuyến. Nhưng một số quốc gia châu Á lại chưa đạt được những tiến bộ như vậy.
Châu Á đang tụt lại phía sau phương Tây trong việc áp dụng các công nghệ tài chính hữu ích như blockchain và tiền điện tử. Một số nước châu Á thậm chí còn coi nó là một mối đe dọa hơn là một giải pháp cho ngành tài chính.
Hai bộ luật ở châu Âu
Một số nước châu Âu đã ban hành các quy định đối với tiền điện tử. Khu vực kinh tế châu Âu (EEA) là một điển hình cho việc chấp nhận tiền điện tử, đặc biệt là các nước như Anh, Đức và Hà Lan. Các nước Đông Âu cũng tham gia khá tích cực vào lĩnh vực mới mẻ này.
Không có gì ngạc nhiên khi châu Âu chấp nhận blockchain và tiền điện tử để thúc đẩy hợp tác tài chính xuyên quốc gia, thúc đẩy đổi mới và tăng sức mạnh cho nền kinh tế.
Châu Âu đã ban hành hai bộ luật về tiền điện tử, giúp cho Fintech và blockchain phát triển mạnh trong EU:
- PSD2: Một bộ luật với nhiều quy định thống nhất giúp cho việc thanh toán trở nên thuận tiện hơn đối với các ngân hàng và các nước trong liên minh tiền tệ.
- MiFID2: Bộ luật giúp loại bỏ các rào cản đối với những công cụ tài chính minh bạch và đầy tính cạnh tranh như blockchain.
Cả hai bộ luật này đều giúp tạo ra một con đường rõ ràng cho sự đổi mới của Fintech, xóa nhòa biên giới các quốc gia, và cho phép blockchain phát triển.
Đức là một quốc gia coi Bitcoin là một “đơn vị tài khoản hợp pháp” từ năm 2013. Chính phủ Đức đang sử dụng hai bộ luật nói trên để hỗ trợ blockchain và xóa bỏ các rào cản đối với các công ty công nghệ tài chính.
Thả nổi tiền điện tử
Pháp và Hà Lan là ví dụ về cách quản lý tiền điện tử. Cả hai quốc gia này đều không đưa ra các quy định chặt chẽ đối với tiền điện tử mà thả nổi, cho phép nó lưu hành tự do và không giám sát. Bằng cách cho phép hạ tầng tiền điện tử phát triển một cách tự nhiên và đánh thuế các giao dịch tiền điện tử giống như giao dịch tiền thông thường, hai quốc gia này đã hợp pháp hóa sự lựa chọn đầu tư của người dân mà không làm ảnh hưởng đến ngân sách của nhà nước.
Một ví dụ cụ thể hơn là công ty quản lý tài sản Tobam của Pháp. Hồi đầu tháng này, Tobam đã ra mắt một quỹ tương hỗ để theo dõi đầu tư bitcoin. Mặc dù quỹ đầu tư tương hỗ ban đầu chỉ xuất hiện ở khu vực tư nhân, nhưng châu Âu đang tiến tới việc đối xử với đồng tiền điện tử như là một phương tiện đầu tư thực tế, cho phép các quốc gia này duy trì được lợi thế của họ trong hệ sinh thái tiền điện tử đang bùng nổ trên toàn cầu.
Các biện pháp nói trên đã giúp ích rất nhiều cho ngành công nghiệp tiền điện tử ở châu Âu, giúp các quốc gia duy trì lợi ích của họ mà không gây tổn hại cho danh tiếng.
Châu Á cần lưu ý về điều này.
Kiểm soát gắt gao
Trung Quốc là một quốc gia thường gặp khó khăn trong việc điều chỉnh nền kinh tế. Chính phủ Trung Quốc thường áp đặt các quy định chặt chẽ đối với giao dịch tài chính của người dân và tổ chức.
Chẳng hạn như Chính phủ Trung Quốc giới hạn trên mỗi đầu người số lượng Nhân dân tệ được phép trao đổi sang loại tiền tệ khác trong một năm. Trung Quốc đã từng đóng băng thị trường chứng khoán và hạn chế người dân duy trì quyền kiểm soát tiền của họ. Khi phát hiện ra rằng người dân đã lợi dụng bitcoin để tránh bị kiểm soát vốn, chính quyền Trung Quốc đã phản ứng nhanh chóng. Họ cấm các công ty kinh doanh bitcoin, buộc các giao dịch phải chấm dứt và xử phạt tất cả các ICO (tổ chức huy động vốn là tiền điện tử).
Tình hình này vẫn đang tiếp tục diễn ra và khó có thể nhìn thấy đầy đủ những gì xảy ra ở Trung Quốc từ bên ngoài. Nhưng có một điều chắc chắn: tâm thức của châu Á cần phải thay đổi. Nếu không, châu lục này có nguy cơ làm mất đi sự giàu có từ tiền điện tử.
Các nước châu Á phải chấp nhận tư duy quản lý của Châu Âu, đó là để cho tiền điện tử được phát triển mạnh trong môi trường có kiểm soát. Bằng cách hạn chế các mặt tiêu cực của tiền điện tử, các quốc gia châu Á có thể hưởng lợi từ loại tiền tệ không biên giới này.
Trong khi nhiều nước châu Á coi Bitcoin là một nguy cơ, chẳng hạn như Bangladesh, Nepal và Kyrgyzstan cấm “tiệt” tiền điện tử, thì vẫn có một ngoại lệ ở khu vực này, đó là Nhật Bản. Đất nước này là một trong những nơi tốt nhất trên thế giới cho sự tăng trưởng của tiền điện tử. Đầu năm 2017, Nhật Bản đã công nhận Bitcoin là một phương tiện thanh toán hợp pháp và đang tiến tới công nhận 11 loại giao dịch tiền điện tử khác trong tháng này.
Singapore cũng đang làm theo cách của châu Âu trong các chính sách đối với tiền điện tử.
Châu Á rõ ràng có một vài điều cần học hỏi từ các nước láng giềng phương Tây. Hạn chế người dân sử dụng tiền điện tử sẽ là sự mất mát.
Do tính chất phân cấp của tiền điện tử. Hầu như không thể nói cho mọi người biết phải làm gì với nó. Công nghệ này giống như một con sông chảy cuồn cuộn, ngăn dòng của nó là một công việc bất khả thi. Cách tiếp cận tốt nhất là sử dụng các quy định để hướng dẫn nó “chảy” một cách an toàn.
Phương Tây đang áp dụng cách tiếp cận này và đã đạt được một sự khởi đầu thuận lợi. Có thể khó để đo GDP bằng Bitcoin, nhưng khuyến khích việc sử dụng tiền điện tử trong biên giới châu Âu đã đem lại những lợi ích trực tiếp. Thị trường châu Âu có thể sẽ chứng kiến sự bùng nổ của tiền điện tử trong năm tới.
Theo TechinAsia