Cơn sốt “nước thần” trị COVID-19 làm khuynh đảo người dân Indonesia

VietTimes -- Trong bối cảnh số ca nhiễm virus corona chủng mới ở Indonesia tăng cao, nhiều người dân nước này vẫn bất chấp các khuyến cáo y tế mà đổ đến một số quán nước, nơi tụ tập đông người. Tất cả đều vì một thứ đồ uống truyền thống có tên gọi “Jamu”.
Khách nườm nườm tới mua Jamu tại cửa hiệu Jamu Bukti Mentjos, Jakarta (Ảnh: SCMP)
Khách nườm nườm tới mua Jamu tại cửa hiệu Jamu Bukti Mentjos, Jakarta (Ảnh: SCMP)

Một ngày trong tuần, dù trời đổ mưa, thời tiết ấm nóng nhưng quán Jamu Bukti Mentjos, một quán bán Jamu ở thủ đô Jakarta, Indonesia vẫn đông khách.

Bất chấp số ca nhiễm COVID-19 đang có chiều hướng tăng ở Indonesia, nhiều khách hàng vẫn sẵn sàng ngồi kề vai với những người khác trong quán nước nằm trên phố Salemba Tengah. Đứng sau họ là những tài xế chuyển phát đồ ăn nhanh, liên tục giơ mẩu giấy order hàng của khách và điện thoại di động.

2 nhân viên đứng sau quầy bar làm việc luôn tay, múc ra từng muỗng bột màu nâu từ những chiếc lọ thủy tinh đặt trên kệ gắn tường phía sau, đổ bột vào những chiếc cốc lớn và đổ nước nóng vào. Một mùi khá nồng của nghệ và riềng tỏa ra không khí.

Trong suốt nhiều thế kỷ, người Indonesia đã có một niềm tin rằng thứ đồ uống có tên Jamu có thể ngăn chặn và chữa trị được đủ loại bệnh tật – từ những bệnh nhẹ như cảm cúm cho tới các khối u hay ung thư. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng sâu rộng tới nước này, người dân bắt đầu đổ xô tìm về thứ đồ uống lâu đời này với hy vọng cải thiện hệ miễn dịch của họ.

Ông Horatius Romuli, chủ cửa hiệu Jamu Bukti Mentjos ở Jakarta (Ảnh: SCMP)
Ông Horatius Romuli, chủ cửa hiệu Jamu Bukti Mentjos ở Jakarta (Ảnh: SCMP)

Vào ngày 23/3, Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu trước báo giới rằng ông chưa cân nhắc về thực thi lệnh phong tỏa. Và kể từ đó trở đi, Indonesia chứng kiến số ca bệnh COVID-19 tăng đột biến, giờ đã vượt trên con số 700.

Chưa rõ tác dụng thực sự của Jamu đối với việc ngăn chặn virus corona chủng mới, nhưng người dân Indonesia rất tin vào khả năng kỳ diệu của thứ đồ uống này.

“Tôi thường xuyên đến quán Jamu mỗi khi cảm thấy không khỏe” – Ambar, một nữ khách hàng 45 tuổi, cho hay – “Đến nay, Jamu luôn có tác dụng. Hơn nữa Tổng thống cũng uống nó mỗi ngày để tránh virus corona”.

Được biết, phát biểu tại Diễn đàn Nông nghiệp và Thực phẩm châu Á tổ chức tại Jakarta ngày 12/3, Tổng thống Widodo từng nói ông uống Jamu 3 lần mỗi ngày để tránh bị nhiễm virus corona chủng mới.

Một cốc đựng thứ đồ uống truyền thống có tên Jamu (Ảnh: SCMP)
Một cốc đựng thứ đồ uống truyền thống có tên Jamu (Ảnh: SCMP)

Sau khi uống xong cốc Jamu của mình, Ambar rời đi cùng với 3 chai đựng thứ đồ uống này. “Chúng dành cho chồng và con trai út của tôi. Bọn họ đang bị sốt và ho suốt 2 ngày nay” – bà nói.

Ngay khi Ambar vừa rời khỏi, một cặp đôi trẻ đeo khẩu trang đã lập tức tuồn vào vị trí ngồi mà bà để lại để tránh bị cướp chỗ.

“Chúng tôi chưa từng thấy lượng khách hàng đông đến vậy trước đây” – ông Horatius Romuli, chủ cửa hiệu  Jamu Bukti Mentjos, cho hay – “Kể từ đầu tháng 3, lượng khác đã tăng 50%. Phần lớn khách hàng mới là người trẻ tuổi, thanh niên và thậm chí cả trẻ con cũng đến cùng cha mẹ chúng”.

Bản thân ông Horatius cũng tin rằng COVID-19 – căn bệnh gây nên bởi virus corona chủng mới – có thể được ngăn chặn nhờ uống Jamu. “Những người có thói quen uống Jamu không cần sợ virus corona, bởi thành phần chính của Jamu – nghệ và gừng – vốn là những thảo dược nổi tiếng là trị được virus” – ông nói.

Món Jamu mà ông Horatius thường uống là Jamu Sambiloto, trong đó thành phần có thêm vỏ và lá của cây Sambiloto. Vị đắng của loài cây này được tin là giúp tăng cường hệ miễn dịch, giải cảm cúm, chữa sốt, và chống ung thư.

Wagirah, người bán Jamu rong trên phố Ampera, phía Nam thủ đô Jakarta, cho hay doanh thu của bà đã tăng gấp 3 lần kể từ khi COVID-19 bùng phát ở Indonesia. “Trước đây tôi thường thu được khoảng 50.000 rupiah (3 USD) một ngày, nhưng trong những ngày này, tôi thường kiếm được tới 150.000 rupiah” – bà nói.

Người bán hàng rong 60 tuổi luôn giữ 12 chai Jamu trong chiếc xe hàng của mình. Món Jamu đắt khách nhất trong những ngày này là Jamu cabe puyang – có thành phần gồm nghệ, gừng đắng, ớt dài vùng Java và hạt cây thì là. Bà tin rằng vị đắng và cay của nó sẽ chữa lành cơn sốt, ho và làm sạch phổi.

Nhưng liệu Jamu có thực sự ngăn chặn được COVID-19?

Nguồn cung nguyên liệu làm Jamu đang cạn dần do nhu cầu tăng mạnh (Ảnh: SCMP)
Nguồn cung nguyên liệu làm Jamu đang cạn dần do nhu cầu tăng mạnh (Ảnh: SCMP)

“Nếu nói trực tiếp ngăn bệnh (COVID-19) thì không” – Tiến sĩ Jerry Eddya Poetra, chuyên ngành nội khoa thuộc thuộc Bệnh viện Agung nằm ở trung tâm thủ đô Jakarta, khẳng định – “Nhưng nếu chúng ta có hệ miễn dịch khỏe mạnh, chúng ta sẽ không bị nhiễm”.

Theo ông Poetra, Jamu có nhiều yếu tố giúp cải thiện hệ miễn dịch của chúng ta, nhưng “bạn phải đảm bảo rằng loại Jamu mà bạn uống còn tươi nguyên và không bị nhúng qua hóa chất”.

Tiến sĩ Zubairi Djoerban, chuyên gia về huyết học-ung thư tại Bệnh viện Kramat 128 nằm ở trung tâm Jakarta, còn lên tiếng cảnh báo về những tin đồn sai sự thực đang lan rộng liên quan tới khả năng trị bệnh của Jamu.

“Jamu không thể giúp chúng ta miễn nhiễm với virus corona chủng mới. Nó cũng không thể trị bệnh COVID-19 nếu đã bị mắc” – ông Djoerban nói.

“Ngay cả khi bạn khỏe mạnh, bạn vẫn bị nhiễm (COVID-19) như thường. Một ví dụ điển hình là các cầu thủ đá bóng (như Paulo Dybala và Paolo Maldini). Họ rất khỏe mạnh và cân đối, nhưng rồi vẫn bị nhiễm virus corona chủng mới”.

Tuy nhiên, nếu chúng ta thực sự có thể hình cân đối và sức khỏe, các triệu chứng bệnh của COVID-19 sẽ nhẹ hơn, ông Djoerban nói thêm. Biện pháp ngăn chặn bệnh hiệu quả nhất vẫn là ở trong nhà. Mang khẩu trang nếu bạn thực sự cần phải đi ra ngoài và duy trì vệ sinh cá nhân tốt.