Cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến bỗng dừng trở nên khốc liệt sau nhiều thập kỷ (ảnh: Barrons)
Cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến bỗng dừng trở nên khốc liệt sau nhiều thập kỷ (ảnh: Barrons)

E-magazine "Cơn sốt" AI gây chấn động Phố Wall: Giới đầu tư nhập cuộc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, trí tuệ nhân tạo (AI) đã tạo nên một cuộc ganh đua khốc liệt trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến.

Đã trải qua hơn 70 năm kể từ khi nhà khoa học máy tính người Anh Alan Turing viết một nghiên cứu đặt nền móng cho Phép thử Turing để đánh giá xem liệu máy móc có thể suy nghĩ hay không.

Nhưng hóa ra câu hỏi nên đặt ra là, liệu chúng có thể bán quảng cáo hay không?

Phố Wall “phát sốt” vì ChatGPT

Trong suốt 2 tháng qua, Phố Wall dường như bị chiếm đóng bởi ChatGPT, tên của chatbot mà giờ nổi như cồn, một sản phẩm của startup OpenAI. ChatGPT ra mắt vào ngày 30/11 như một dịch vụ miễn phí, và cả thế giới choáng váng bởi khả năng trả lời câu hỏi cũng như tạo ra các chất liệu của nó, từ viết thư cho tới mã máy tính. ChatGPT đã thu hút được hơn 100 triệu người dùng trong tháng 1, vượt kỷ lục mà TikTok từng đạt được trước kia.

Sự thành công rực rỡ của nó làm dấy lên câu hỏi trên khắp Phố Wall rằng, những “gã khổng lồ” công nghệ sẽ phản ứng như thế nào. Microsoft mới đây tuyên bố chi thêm 10 tỉ USD để tăng cổ phần của họ trong OpenAI, khiến nhiều người đồn đoán về việc công ty này có thể thêm cái gọi là “generanative AI” vào các sản phẩm của họ.

Ngay trong tuần này, Microsoft đã đưa ra câu trả lời chính thức. Họ công bố một phiên bản của bộ máy tìm kiếm Bing, tích hợp nó với khả năng ngôn ngữ tự nhiên do OpenAI phát triển. Động thái mới sẽ gây tác động lớn tới thị trường, đặc biệt là với công ty mẹ của Google, Alphabet, do thế thống trị của họ trong tìm kiếm trực tuyến lần đầu tiên bị thách thức sau nhiều thập kỷ.

“AI về cơ bản sẽ thay đổi mọi danh mục phần mềm, bắt đầu với danh mục lớn nhất trong tất cả: tìm kiếm,” CEO Microsoft Satya Nadella phát biểu trong tuần này.

Một ngày trước khi Microsoft đưa ra tuyên bố trên, Google công bố chatbot AI của riêng họ có tên Bard. Công ty này cũng có ý định thêm chức năng AI vào bộ máy tìm kiếm lõi của họ. Trong tuần trước, Alphabet tổ chức một sự kiện ít được biết đến ở Paris để công bố một số cập nhật với bản đồ, tìm kiếm hình ảnh và dịch thuật liên quan tới AI. Nhưng dường như thị trường không mấy mặn mà.

Nhiều nhà quan sát nhấn mạnh chi tiết nhỏ rằng, trong khi CEO Microsoft Nadella làm chủ tọa trong buổi ra mắt tính năng mới của Bing, thì CEO Alphabet Sundar Pichai không tham gia vào sự kiện của Google ở Paris. Đó chính là lý do mà Bard không thu hút được nhiều sự quan tâm.

Nhiều nhà phân tích và đầu tư đã bỏ ra nhiều thời gian trong tuần này để bàn về một việc: liệu Bing phiên bản mới có thể làm thay đổi cán cân sức mạnh trong thị trường tìm kiếm trực tuyến hay không?

Google hiện nay kiểm soát tới 93% thị trường tìm kiếm, trong khi Bing chỉ chiếm được 3%, theo dữ liệu của Statcounter. Như vậy, Google đang ở thế gần như thống trị hoàn toàn ngành kinh doanh quảng cáo liên quan tới tìm kiếm. Công ty này hiện đang tham gia một số vụ kiện tụng, trong đó bên nguyên cáo buộc rằng hoạt động kinh doanh quảng cáo và tìm kiếm của Google vi phạm luật chống độc quyền liên bang.

Vụ kiện đầu tiên, bắt đầu từ năm 2020, tập trung vào lĩnh vực tìm kiếm. Nó được đem ra xét xử tại tòa trong năm sau đó. Chỉ cách đây vài tuần, vụ kiện thứ hai xuất hiện, và lần này liên quan tới thị trường quảng cáo trực tuyến. Tuy nhiên, các nhà đầu tư dường như ít lo ngại hơn về điều đó, trong khi quan tâm nhiều hơn tới khả năng Google bị mất thị trường vào tay phiên bản Bing được AI hỗ trợ.

Lịch sử lâu đời của AI

Ý tưởng tạo ra một cỗ máy tìm kiếm tích hợp với ngôn ngữ tự nhiên đã xuất hiện từ nhiều thập kỷ trước; đó là mục tiêu của bộ máy tìm kiếm có tên Ask Jeeves, ra mắt năm 1996, và sau biến thành Ask.com và giờ là một phần của công ty internet IAC.

“Ask Jeeves là bên cung cấp các dịch vụ hỏi/đáp ngôn ngữ tự nhiên trên internet để phục vụ người tiêu dùng và doanh nghiệp, đưa ra một cách thức mới để tương tác với World Wide Web,” công ty này tuyên bố trong đợt IPO năm 1999.

Thế nhưng Ask Jeeves không thực sự hiệu quả, do cơ sở hạ tầng chưa phát triển trong những ngày đầu của internet. Công ty này chưa từng là mối đe dọa với Google. Nhưng công nghệ máy tính đã thay đổi đột biến trong 25 năm qua – Microsoft, Google và nhiều công ty khác đều hưởng lợi từ những bộ vi xử lý và thuật toán mạnh mẽ hơn, những bước tiến trong AI và học máy, cùng nhiều khả năng mới của điện toán đám mây.

Sáng tạo quan trọng nhất chính là sự phát triển của generative AI dựa trên các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), các thuật toán có thể tổng kết, dịch, dự đoán và sinh ra văn bản hay các loại nội dung dựa trên những bộ dữ liệu khổng lồ.

Công nghệ này đã tạo cho Microsoft một cơ hội để chính thức chen chân vào thị trường tìm kiếm trực tuyến.

Trong cuộc hội thảo trực tuyến với các nhà phân tích sau khi Bing phiên bản mới ra mắt, Giám đốc Tài chính của Microsoft Amy Hood đưa ra ước tính rằng quảng cáo từ tìm kiếm chiếm 40% trên tổng giá trị thị trường quảng cáo số 500 tỉ USD, tương đương 200 tỉ USD. Phần lớn số tiền này đi vào túi của Alphabet, khoảng 163 tỉ USD doanh thu quảng cáo tìm kiếm trong năm ngoái, chiếm gần 60% tổng doanh thu của công ty này.

Cũng trong sự kiện, Philippe Ockenden, Giám đốc Tài chính mảng Windows, Thiết bị và Tìm kiếm của Microsoft, chỉ ra rằng “cứ mỗi 1 điểm phần trăm thị trường quảng cáo tìm kiếm, tương đương với 2 tỉ USD doanh thu cho hoạt động quảng cáo.”

Và đó chính là điều khiến cho các nhà đầu tư của Alphabet lo ngại. Giá cổ phiếu của công ty này sụt giảm 12% ngay sau ngày mà Microsoft ra tuyên bố, làm bốc hơi 160 tỉ USD giá trị thị trường.

Nói ngắn gọn, cả Phố Wall đều tập trung vào màn thể hiện của Bing, lắng nghe phản ứng của Google, và kết luận rằng Google cuối cùng đã có một đối thủ thực sự trong lĩnh vực tìm kiếm.

Những khoản đặt cược béo bở

Cho đến mãi tuần trước, phần lớn những hoạt động của AI dường như đều nằm ngoài thế giới của Big Tech, khi các nhà đầu tư đang ra sức tìm ra những cách trực tiếp hơn để khiến nó nổi bật hơn. Cơn sốt do ChatGPT tạo ra đã đẩy giá cổ phiếu Smallcap (thuật ngữ đề cập những công ty có mức vốn hóa với giá trị thấp trên thị trường) không khác gì thời kỳ mà tiền mã hóa, in 3D hay thịt giả mới xuất hiện.

C3.ai, nhà cung cấp các công cụ phần mềm AI cho doanh nghiệp, có giá cổ phiếu tăng 101% trong năm nay, do công ty có kế hoạch đưa ra một giao diện tìm kiếm cho phần mềm của họ, trong đó bao gồm công nghệ từ cả OpenAI lẫn Google.

Giá cổ phiếu của BuzzFeed tăng 145% trong năm nay, nhờ thông tin họ có kế hoạch sử dụng ChatGPT để tạo nội dung cho website của mình.

Nhưng các nhà đầu tư cần phải thận trọng. Nghiên cứu phần mềm AI đã diễn ra trong nhiều thập kỷ. Công nghệ này hết sức phức tạp và đòi hỏi nhiều nguồn lực. Trong trường hợp của Alphabet, việc khởi động Bard chỉ là một phần của nỗ lực nhiều năm của họ.

Alphabet đã mua công ty phần mềm AI trụ sở tại London, có tên DeepMind, vào năm 2014 với giá hơn 500 triệu USD. Google đã nỗ lực tích hợp AI và máy học trong nhiều sản phẩm phần mềm của họ trong suốt hơn 2 thập kỷ. AI được ứng dụng vào Google Translate, trong dịch vụ tìm kiếm lõi của họ, trong Google Lens, Google Maps và cả Gmail…

“AI là công nghệ phức tạp nhất mà chúng tôi nghiên cứu hiện nay,” CEO Pichai viết trên một bài đăng về Bard. “Điều chủ chốt là chúng tôi mang những trải nghiệm về mô hình này cho toàn thế giới theo cách táo bạo và có trách nhiệm.”

Tuyên bố này được cho là nhằm vào ChatGPT, bởi có nhiều lời chỉ trích rằng chatbot này không phải lúc nào cũng đưa ra được thông tin chính xác – và vì tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên ở mọi độ tuổi gian lận trong các kỳ thi.

Danh mục đầu tư AI

Đối với các nhà đầu tư, có nhiều cách để tham gia vào lĩnh vực AI chứ không nhất thiết phải hứng rủi ro khi đầu tư cho các công ty nhỏ.

IBM mới đây chỉ ra rằng AI là 1 trong số 2 ưu tiên của họ. Công ty này không có ý định xây dựng một bộ máy tìm kiếm hay những ứng dụng chat cho người dùng, thay vào đó tăng cường nỗ lực biến AI và học máy trở thành những yếu tố phổ biến trong hệ thống máy tính doanh nghiệp.

Sriram Raghavan, Phó giám đốc phụ trách nghiên cứu AI của IBM, cho hay công ty của ông đã phát triển “các mô hình nền tảng,” một hướng tiếp cận có thể ứng dụng AI rộng rãi trong các lĩnh vực. Nói cách khác, IBM đang muốn ứng dụng cùng loại công nghệ được sử dụng để tạo ra các LLM – có trong các chatbot – trong nhiều lĩnh vực khác, như viết mã máy tính, phân tích dữ liệu không gian địa lý, khám phá phân tử hay tự động hóa trong doanh nghiệp.

Sự phức tạp của AI cũng sẽ tăng nhu cầu phần cứng cho điện toán đám mây, và cả những con chip vận hành chúng. David Readerman, ông chủ của quỹ bảo hộ Endurace Capital Partners, tin rằng Nvidia sẽ là bên hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc đua AI. Ông dự đoán rằng 75% khối lượng công việc của AI sẽ được thực hiện trên các server sử dụng các bộ vi xử lý đồ họa của Nvidia.

Xu hướng AI này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho Advanced Micro Devices. Trong bài phát biểu quan trọng tại triển lãm công nghệ CES tổ chức trong tháng 1, CEO của AMD Lisa Su tuyên bố “AI là xu hướng định hình trong công nghệ.”

“AI đã tồn tại trong một khoảng thời gian khá dài,” Su nói trong cuộc phỏng vấn với Barrons hồi tháng trước. “Nhưng chúng ta đang ở trong giai đoạn bước ngoặt. Bạn cần có khả năng của AI trong mọi thiết bị.”

Adobe – công ty đang thống trị thị trường công cụ sáng tạo như InDesign, Photoshop và Illustrator – cũng nhận ra rằng xu hướng của generative AI – bao gồm cả hình ảnh và văn bản – đang giúp họ mở rộng thị trường, khi ngày càng có nhiều người trở thành người sáng tạo nội dung. “Chúng ta đang trong thời hoàng kim của sáng tạo nội dung, và generative AI sẽ chỉ làm tăng tốc tiến trình đó,” Giám đốc Tài chính của Adobe, Dan Durn, nói.

Trong khi đó, công ty mẹ của Facebook, Meta Platforms, đã hứa hẹn sẽ cho ra mắt bộ công cụ generative AI của họ vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, tất cả những diễn biến trên đều là nhỏ nếu như đem so với thị trường tìm kiếm trực tuyến bất ngờ trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn bao giờ hết.

Cơn sốt AI xuất hiện vào một thời điểm đáng chú ý đối với các công ty công nghệ, khi mà giá cổ phiếu của họ suy giảm mạnh trong năm 2022. Đà tăng trưởng chậm lại, thị trường IPO gần như biến mất, trong khi các quy định pháp lý thắt chặt thêm. Lĩnh vực công nghệ cần có một liều thuốc kích thích, và AI có thể là liều thuốc phù hợp.

Theo Barrons