Con đường học vấn của PGS.TS Phạm Thu Hương - Tân hiệu trưởng Đại học Ngoại Thương

PGS.TS Phạm Thu Hương vừa được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương và trở thành nữ Hiệu trưởng thứ hai trong lịch sử 65 năm của trường sau 30 năm bà gắn bó. Bà là người thúc đẩy ứng dụng công nghệ và AI vào quản lý đào tạo.
PGS.TS Phạm Thu Hương bám sát phương châm “khác biệt để dẫn đầu” nhằm thúc đẩy văn hoá đổi mới sáng tạo tại trường Đại học Ngoại Thương.

Trưởng thành từ chính mái trường Ngoại Thương

Ngày 2/7, Trường Đại học Ngoại Thương công bố Quyết định công nhận Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thu Hương giữ chức Hiệu trưởng nhà trường.

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn thay mặt Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi lời chúc mừng tới các thầy cô giáo, các em học viên, sinh viên và đặc biệt là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thu Hương - tân Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương.

"Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt nhiều kỳ vọng và tin tưởng vào tân Hiệu trưởng - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thu Hương - một người trưởng thành từ chính mái trường này, có nền tảng chuyên môn vững vàng, được đào tạo bài bản ở trong nước và quốc tế, có kinh nghiệm thực tiễn phong phú và tinh thần đổi mới mạnh mẽ", Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn bày tỏ.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn PGS.TS Phạm Thu Hương tiếp tục kế thừa những giá trị cốt lõi của Nhà trường, phát huy những thành quả đã có, cùng tập thể lãnh đạo và toàn thể giảng viên, sinh viên xây dựng Trường Đại học Ngoại Thương phát triển lên một tầm cao mới - vững chắc về chuyên môn, đột phá về tư duy, hội nhập về tầm nhìn.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn trao quyết định công nhận Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương nhiệm kỳ 2020-2025 cho PGS.TS Phạm Thu Hương.

PGS.TS Phạm Thu Hương là hiệu trưởng thứ 9 của trường Đại học Ngoại Thương, kể từ khi thành lập vào năm 1960. Bà cũng là nữ hiệu trưởng thứ hai của nhà trường, sau bà Nguyễn Thị Mơ - người đảm nhiệm vai trò Hiệu trưởng nhà trường từ năm 1998 đến khi nghỉ hưu, năm 2005.

Khác biệt để dẫn đầu

Theo thông tin của VietTimes, PGS.TS Phạm Thu Hương sinh ngày 28/12/1977, quê gốc tại xã Quang Lịch thuộc huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình (nay thuộc tỉnh Hưng Yên). Bà là cựu sinh viên khóa 34, chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại của Trường Đại học Ngoại Thương. Sau khi tốt nghiệp đại học, bà được giữ lại trường, làm trợ giảng tại Khoa Quản trị Kinh doanh – mở đầu cho hành trình hơn 25 năm cống hiến tại ngôi trường này.

Sau 2 năm làm trợ giảng, bà nhận học bổng chương trình đào tạo Thạc sĩ Kinh tế tại Trường Đại học Tổng hợp Aarhus (Đan Mạch), một trong những đại học danh tiếng hàng đầu Bắc Âu.

Trở về Việt Nam vào năm 2004, bà tiếp tục theo đuổi con đường học thuật và nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế, chuyên ngành Kinh tế thế giới và Quan hệ Kinh tế quốc tế năm 2012 tại trường Đại học Ngoại Thương.

PGS.TS Phạm Thu Hương (áo đỏ) và các sinh viên trong một hoạt động ngoại khóa tại trường Đại học Ngoại Thương.

Từ giảng viên, bà dần đảm nhiệm nhiều cương vị quản lý tại trường: Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo và Phó Hiệu trưởng nhà trường. Với mỗi vị trí, bà đều để lại dấu ấn về sự chuyên nghiệp, tinh thần đổi mới và tư duy quản trị hiện đại.

Đặc biệt, trong vai trò Phó Hiệu trưởng, bà là người tiên phong trong việc triển khai các chương trình đào tạo song bằng, mở rộng mạng lưới đối tác quốc tế, đồng thời thúc đẩy ứng dụng công nghệ và AI vào quản lý đào tạo.

Trong suốt quá trình học tập, nghiên cứu, giảng dạy tại trường Đại học Ngoại Thương, bà hướng tới nghiên cứu chung là phát triển kinh doanh thương mại và dịch vụ.

Trong lĩnh vực nghiên cứu, PGS.TS Phạm Thu Hương tập trung vào 3 mảng chủ đạo: Phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; Quản trị tinh gọn trong hoạt động kinh doanh thương mại và dịch vụ; Phát triển giáo dục đại học trong điều kiện tự chủ từ cách tiếp cận của phát triển dịch vụ giáo dục có tính thương mại.

Về kết quả nghiên cứu khoa học, PGS.TS Phạm Thu Hương đã hoàn thành rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, công bố nhiều bài báo trong nước và quốc tế. Bà Hương chủ biên nhiều cuốn sách chuyên khảo như Phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử tại Việt Nam, Quản trị tinh gọn trong hoạt động ngân hàng Kinh nghiệm từ các ngân hàng trên thế giới, đồng thời bà là đồng tác giả của các Giáo trình Quản trị tài chính và Giáo trình Kế toán quản trị.

TS. Hương còn tham gia biên soạn sách phục vụ đào tạo và các chuyên khảo như: Quản trị đại học tại Ôxtrâylia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và quá trình tái cơ cấu kinh tế tại các quốc gia Đông Á, Kinh nghiệm Quản trị đại học công lập tại một số quốc gia trên thế giới,…

Thông điệp đầu tiên của tân Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương Phạm Thu Hương

Trong thông điệp đầu tiên với vai trò Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương, PGS.TS Phạm Thu Hương nhắc tới tư duy “không có gì là không thể” và phương châm “khác biệt để dẫn đầu” đã thấm nhuần vào trong chiến lược phát triển, chương trình hành động và trong cách giáo dục người học của Nhà trường.

Bà bày tỏ rằng việc khơi dậy sự xuất sắc và thúc đẩy tư duy đổi mới sáng tạo, rèn luyện bản lĩnh và nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm, chấp nhận sự đa dạng và tăng cường sự hoà hợp chính là giá trị riêng có của Ngoại Thương đã được hình thành trong suốt 65 năm phát triển.

"Ở Ngoại Thương, chúng tôi đều nỗ lực mỗi ngày để có thể thẳng thắn nhìn vào hạn chế của chính mình, không ngại chia sẻ để tìm kiếm giải pháp và đồng hành để cùng nhau đi tới tận cùng của vấn đề", tân Hiệu trưởng bày tỏ.

PGS.TS Phạm Thu Hương nhấn mạnh rằng cho dù bạn là ai, từ đâu đến, một khi đến với Ngoại Thương bạn sẽ có thể cảm nhận được rõ nét về sự gắn kết, cởi mở và bao trùm của cộng đồng Ngoại Thương và sẽ cảm thấy mình là một phần ở trong đó.

Hành trình từ sinh viên tới Hiệu trưởng của PGS.TS Phạm Thu Hương là minh chứng cho sự bền bỉ, trách nhiệm, tình yêu dành cho nghề giáo và còn là hình mẫu cho tinh thần học thuật và sự chuẩn mực trong nghiên cứu. Chính sự nghiêm cẩn ấy tạo nên uy tín học thuật và góp phần xây dựng môi trường giáo dục đại học thực sự chất lượng, nơi tri thức được tôn trọng và tiếp nối một cách bền vững.