
Do cuộc nội chiến kéo dài, Myanmar không được chuẩn bị tốt để đối phó với sự tàn phá do trận động đất lớn gây ra vào ngày 28/3. Trận động đất mạnh 7,7 độ richter đã đổ bộ vào miền Trung Myanmar, giết chết hơn 1.600 người và phá hủy hàng nghìn ngôi nhà.
Cuộc xung đột đẫm máu do cuộc đảo chính quân sự năm 2021 gây ra đã khiến cơ sở hạ tầng, hệ thống chăm sóc sức khỏe và mạng lưới điện của đất nước này bị sụp đổ. Sau đây là một số thách thức mà các nỗ lực cứu trợ phải đối mặt ở Myanmar:
Khủng hoảng nhân đạo
Liên hợp quốc (LHQ) và các cơ quan cứu trợ đã cảnh báo rằng hàng triệu người đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo khủng khiếp trước khi trận động đất xảy ra và hiện đang rất cần thêm viện trợ.
Phần lớn đất nước Myanmar đã phải chịu đựng nỗi thống khổ do sự kết hợp của các yếu tố như xung đột, nghèo đói và bất ổn sau cuộc nội chiến khiến 3,5 triệu người phải di dời, nền kinh tế bị tàn phá.
"Chúng tôi ước tính rằng khoảng 19,9 triệu người đang cần viện trợ nhân đạo và đó là thời điểm ngay trước trận động đất", điều phối viên nhân đạo của LHQ tại Myanmar, Marcoluigi Corsi, cho biết. "Tình hình sẽ còn trầm trọng hơn nữa".
Trước trận động đất, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho biết hơn 15 triệu người trong tổng số 51 triệu dân Myanmar không được đáp ứng nhu cầu lương thực hàng ngày của họ.
Chỉ 2 ngày sau trận động đất, LHQ cho biết nỗ lực cứu trợ đang bị cản trở do thiếu hụt nghiêm trọng vật tư y tế, trong khi lực lượng cứu hộ trên thực địa đã xin thêm thiết bị để rà soát các tòa nhà bị phá hủy nhằm tìm kiếm những người sống sót.
Trận động đất cũng xảy ra ở Myanmar ngay vào thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cắt giảm việc làm và tài trợ cho cơ quan viện trợ nước ngoài của Washington.
Ông Trump đã cam kết sẽ hỗ trợ công tác khắc phục thảm họa ở Myanmar sau trận động đất, nhưng 1 triệu thường dân ở nước này vẫn phải đối mặt với việc cắt giảm viện trợ của WFP sau khi lãnh đạo Mỹ chỉ trích Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
Các quốc gia trên thế giới đã bắt đầu gửi các đội cứu hộ và lô hàng viện trợ.

Chính quyền quân sự
Chính quyền quân sự, do Tướng Min Aung Hlaing lãnh đạo, đã mất quyền kiểm soát phần lớn Myanmar trong suốt cuộc xung đột, mặc dù vẫn nắm quyền kiểm soát các thành phố lớn, bao gồm cả Mandalay – thành phố gần tâm chấn động đất nhất và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Nhưng nhiều công chức đã chọn đổi phe sau cuộc đảo chính quân sự và tham gia kháng chiến chống lại chính quyền quân sự.
Việc mất nhân sự này đã làm suy yếu thêm một chính quyền dân sự vốn đã lỗi thời, khiến việc quản lý và phân phối các nỗ lực cứu trợ trở nên khó khăn hơn.
Như một dấu hiệu cho thấy thảm họa vừa xảy ra có tính chất cực kỳ nghiêm trọng – và có lẽ là sự thừa nhận ngầm rằng nhà nước không có khả năng ứng phó – ông Min Aung Hlaing đã đưa ra lời kêu gọi viện trợ nước ngoài hiếm hoi trong hôm 28/3.
Điều này đánh dấu sự thay đổi lớn so với những người cai trị quân sự trước đây, những người thường từ chối mọi sự hỗ trợ quốc tế.
Nghèo đói tràn lan, nền kinh tế tan vỡ và các lệnh trừng phạt quốc tế kết hợp với chi phí chiến đấu trong cuộc nội chiến đã làm cạn kiệt ngân khố của chính quyền quân sự.
Sự kiểm soát bị phân tán
Phần lớn Myanmar được kiểm soát bởi một nhóm chắp vá gồm các lực lượng quân phiệt, các nhóm vũ trang sắc tộc và các đảng phái ủng hộ dân chủ.
Bức tranh phức tạp về quyền kiểm soát trên thực địa, thường liên quan đến các nhóm đối đầu với các chương trình nghị sự khác nhau, có thể làm cản trở thêm các nỗ lực di chuyển nguồn lực cứu trợ đến nơi cần thiết trên khắp đất nước Myanmar.
Thành phố Sagaing – gần tâm chấn của trận động đất – đã chứng kiến một số cuộc giao tranh dữ dội nhất giữa các lực lượng quân phiệt và các nhóm kháng chiến vũ trang.
Các nhóm vũ trang sắc tộc, dân quân biên giới và quân đội đều đang tranh giành quyền kiểm soát các nguồn lực địa phương, làm dấy lên lo ngại sẽ có một cuộc đấu tranh tương tự để giành viện trợ.

Cơ sở hạ tầng nghèo nàn
Cơ sở hạ tầng và hệ thống y tế của Myanmar đã bị tàn phá bởi cuộc nội chiến.
Chính quyền quân sự đã ném bom các bệnh viện ở những khu vực do phiến quân chiếm giữ và nhiều bác sĩ đã từ bỏ các cơ sở y tế của chính phủ để tham gia vào cuộc nổi loạn.
LHQ cho biết các bệnh viện ở Mandalay, Magway và thủ đô Naypyidaw "đang phải vật lộn để đối phó với dòng người bị thương".
Đất nước này vốn đã bị mất dịch vụ điện thoại và Internet, và trận động đất vừa qua đã làm tổn hại thêm đến hoạt động thông tin liên lạc cũng như khả năng phân phối hàng viện trợ đến những người cần nhất.
Thông tin liên lạc qua Internet ở Mandalay bị gián đoạn và các tuyến đường bộ và đường hàng không bị gián đoạn nghiêm trọng sau khi trận động đất làm các tuyến đường bị cong vênh. Với nhiều ngôi nhà bị sập, LHQ và các tổ chức phi chính phủ khác cho biết cần có giải pháp cho những người vô gia cư.

Những công nghệ giúp Nhật Bản giảm thiểu thiệt hại do động đất và thảm họa thiên nhiên

Động đất Myanmar-Thái Lan: Số người chết vượt quá 1.600, lực lượng cứu hộ chạy đua với thời gian

Tại sao động đất ở Myanmar, Thái Lan gây ra thiệt hại thảm khốc, giới khoa học nói gì?
Theo AFP, CNA