Cởi bỏ định kiến về giới

Việt Lâm
Việt Lâm

Nhà báo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes -- “Làm vợ, làm mẹ là thiên chức của người phụ nữ. Còn đàn ông đích thực thì phải ra ngoài làm việc, kiếm tiền nuôi gia đình”. Cho đến thế kỷ 21 này, người phụ nữ Việt Nam vẫn bị ghim chặt vào gia đình.

Những quan niệm ăn sâu của một xã hội gia trưởng vẫn hiện diện hàng ngày, và ngay trong chính tiềm thức của mỗi người phụ nữ, ngăn bước họ theo đuổi ước mơ, khẳng định năng lực và chỗ đứng trong cuộc đời.

Chị bạn tôi, một người phụ nữ thành đạt, đang làm quản lý cấp cao của một tập đoàn, bỗng một ngày gọi điện cho tôi khóc rưng rức. Giữa những tiếng nức nở ngắt quãng, chị nói rằng chị thấy thất vọng tột cùng vì thấy mình không hoàn thành tốt nghĩa vụ của một người mẹ.

Mỗi ngày chị rời khỏi nhà lúc 7h sáng, và trở về lúc 8h tối. Cuối tuần, nếu không phải đi công tác, chị cố gắng dành thời gian kèm con học, chơi với con. Nhưng người mẹ ấy vẫn luôn áy náy, day dứt vì nghĩ mình không dành đủ thời gian cho gia đình.

Ông chồng chị, ngày đi làm, tối về đi nhậu với bạn bè, cuối tuần đi đánh tennis cả ngày. Chị cứ gồng gánh như thế, cho đến một ngày thấy kiệt sức và muốn sụp xuống.

Anh bạn tôi, có cô con gái giỏi giang đi du học ở Mỹ. Học xong đại học, cô bé muốn ở lại học tiếp lên cao. Nhưng anh bạn tôi, một trí thức trung lưu, thương chiều con gái hết mức, lại nằng nặc bắt con về. Anh giải thích với chúng tôi: Con gái càng học cao càng khó lấy chồng.

Một cô bạn đồng nghiệp, thông minh, năng động, có một công việc đáng mơ ước với nhiều người. Mới ba mươi tuổi, cô đã tự mình mua được một căn hộ xinh xắn ở trung tâm Sài Gòn. Nhưng vài năm nay, cô luôn né tránh về quê thăm họ hàng, vì sợ hãi cái cảnh người người đổ xô vào hỏi “bao giờ lấy chồng?”.

Cô sợ cả những ánh mắt ái ngại, như thể cô là kẻ thất bại vì có giỏi đến mấy, kiếm tiền nhiều bao nhiêu nhưng vẫn là “gái ế”.

Phải chăng những người phụ nữ cứ phải gồng mình lên, để xứng với kì vọng của xã hội đặt lên vai: giỏi việc nước, đảm việc nhà?
Phải chăng những người phụ nữ cứ phải gồng mình lên, để xứng với kì vọng của xã hội đặt lên vai: giỏi việc nước, đảm việc nhà?

Ba câu chuyện nhỏ trên, tiếc thay không phải là cá biệt. Hãy thử Google hai chữ “thiên chức”, bạn sẽ thấy có 117 triệu kết quả xuất hiện trong vòng 0,35 giây. Nội dung của chúng sẽ đại loại như “Làm vợ, làm mẹ là thiên chức thiêng liêng nhất, vẻ vang nhất của phụ nữ Việt Nam”.

Niềm tin vào cái gọi là “thiên chức” làm vợ, làm mẹ của người phụ nữ đã nhào nặn nên người phụ nữ Việt Nam ngay từ tấm bé và khuôn chặt họ vào hai vai trò đó trong suốt cuộc đời.

Ngày nay, cho dù có nhiều thay đổi nhưng về bản chất cuộc sống của người phụ nữ không khác là bao, cả cuộc đời vẫn chỉ xoay quanh hai chữ chồng con. Cho dù có học vị thạc sĩ, tiến sĩ, cho dù có làm giám đốc công ty hay chủ tịch tập đoàn, bạn có khi chẳng được đánh giá cao nếu không có gia đình.

Hãy thử đọc những bài phỏng vấn các nhà lãnh đạo nữ nổi tiếng hiện nay mà xem. Thế nào bạn cũng sẽ bắt gặp những câu hỏi kiểu như: Công việc bận rộn như vậy, làm thế nào chị cân bằng giữa sự nghiệp và cuộc sống gia đình?...

Những người phụ nữ cứ phải gồng mình lên, để xứng với kì vọng của xã hội đặt lên vai: giỏi việc nước, đảm việc nhà.

Trong một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội với 8.424 phụ nữ và nam giới ở 11 tỉnh và thành phố năm 2014, hơn 30% đồng ý với quan điểm rằng phụ nữ chỉ cần học đến một trình độ nhất định để còn dành thời gian cho gia đình. Còn 40% đồng ý rằng nam giới thường không muốn yêu hoặc kết hôn với những người phụ nữ có học vấn cao hơn mình.

Điều đáng buồn là tỉ lệ phụ nữ đồng ý với những quan điểm như vậy lại cao hơn cả nam giới. Còn nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy phụ nữ Việt thường từ bỏ những công việc được trả lương cao hơn để làm việc trong các ngành nghề có phúc lợi tốt hơn, có thời gian nhiều hơn để chăm sóc gia đình.

Chỉ 25% các nhà quản lý là phụ nữ cho thấy phụ nữ chấp nhận đánh đổi đến mức nào để giữ gìn gia đình.

Những định kiến về giới tồn tại dai dẳng trong xã hội đến nỗi, khi một vị quan tòa phân xử vụ ly hôn đình đám của đôi vợ chồng đại gia, lớn tiếng khuyên người vợ: Chị lui về đi, rút lui khỏi công ty, quay về nhà chăm sóc chồng con, sống như bà hoàng không sướng hơn sao?…thì đáng buồn thay, những luận điệu phân biệt giới tính đó lại nhận được không ít tiếng cổ vũ từ đám đông trên mạng.

Câu hỏi đặt ra là chúng ta có thể làm gì để thay đổi thực trạng buồn này?

Sẽ chẳng có gì xảy ra nếu mỗi người phụ nữ không tự cởi trói khỏi những quan niệm trói buộc trong chính suy nghĩ của mình.

Thay vì cố gắng chứng minh mình là người vợ đảm mẹ hiền bằng cách thu mình lại, che giấu đi năng lực của bản thân, bạn có thể cho thấy rằng việc bạn là một người tài giỏi trong công việc không mâu thuẫn với việc bạn là người vợ, người mẹ tốt.

Bằng cách đó, bạn sẽ làm cho mọi người thay đổi cách nhìn nhận về giá trị của bạn, và thay đổi cách đối xử với bạn.

Trở lại câu chuyện của chị bạn tôi, sau cơn khủng hoảng, chị đã ngồi lại với chồng, nói rõ những khó khăn mình đang đối mặt và đề nghị chồng san sẻ gánh nặng công việc gia đình.

Thay đổi không đến ngay một đêm, nhưng số buổi chồng đi nhậu đã thưa hơn, mỗi cuối tuần anh đã chịu dành ra ít thời gian chơi cùng con.

Còn mỗi người phụ nữ, khi làm mẹ, dù có con trai hay con gái, hãy dạy chúng biết yêu bản thân, biết theo đuổi ước mơ và khẳng định giá trị độc lập của mình, mà không bị trói buộc bởi những định kiến “đàn ông phải thế này”, hay “đàn bà phải thế kia”.

Làm được như vậy, mỗi chúng ta đâu cần phải có một ngày dành riêng cho phụ nữ để nhắc nhau về nữ quyền./.