Đó là đánh giá của Thứ trưởng Phan Tâm tại cuộc tập huấn phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và sử dụng tên miền quốc tế tại Việt Nam do Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) tổ chức, vừa diễn ra sáng nay (26/5) tại Bộ Thông tin và Truyền thông.
Sử dụng tên miền quốc tế có “né” được pháp luật?
Thứ trưởng Phan Tâm cho rằng đến thời điểm hiện tại, Internet đã và đang phản ánh đầy đủ mọi mặt của đời sống xã hội trên môi trường mạng toàn cầu. Do tính hai mặt của mỗi sự việc, hiển nhiên, Internet phát triển cũng đồng thời làm gia tăng các vấn đề của xã hội trên đó, đặc biệt xảy ra ngày càng nhiều vụ việc vi phạm pháp luật trong việc sử dụng các website, đưa thông tin lên các trang mạng (trang thông tin điện tử tổng hợp, các mạng xã hội, các trang thông tin điện tử của các tổ chức, cá nhân) mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã phải xử lý trong thời gian vừa qua.
Tên miền Internet (cả tên miền quốc gia lẫn tên miền quốc tế), ngoài ý nghĩa về dấu hiệu nhận dạng, phản ánh tên gọi, thương hiệu, dịch vụ,... đi liền với chủ thể thì về mặt kỹ thuật, trên môi trường mạng chỉ được coi là công cụ để truy cập các nội dung đặt tại máy chủ được định danh bởi địa chỉ IP đi kèm theo tên miền.
Tuy nhiên, nhiều chủ thể đăng ký sử dụng tên miền quốc tế chỉ vì cho rằng việc đăng ký, sử dụng tên miền quốc tế tại Việt Nam là dễ dàng hơn, và không chịu sự quản lý, không bị kiểm soát bởi các quy định của pháp luật Việt Nam. Thực tế này dẫn đến trong thời gian qua phần lớn các vi phạm trang thông tin điện tử hoặc sử dụng các trang thông tin điện tử để thực hiện các hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật… đang chủ yếu rơi vào các trang sử dụng tên miền quốc tế.
Đặc biệt đối với các trường hợp có chủ ý đăng ký tên miền với dụng ý xấu, các chủ thể thậm chí đăng ký dịch vụ ẩn thông tin để né tránh các quy định quản lý. Điều này đang làm khó và làm liên đới, ảnh hưởng trực tiếp đến các Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam.
“Mặc dù, tên miền quốc tế được khai báo trên máy chủ của các nhà cung cấp dịch vụ tên miền quốc tế do Tổ chức quản lý tên miền quốc tế (ICANN) chỉ định, tuy nhiên các chủ thể sinh sống, làm việc tại Việt Nam khi tham gia kết nối mạng Internet thì sử dụng bất cứ loại tên miền nào (tên miền quốc gia Việt Nam ".vn" hay tên miền quốc tế) cũng đều cần phải tuân thủ theo luật pháp của Việt Nam”, ông Trần Minh Tân cho biết.
Phạt đến 10 triệu đồng nếu khai báo thông tin không chính xác
Ông Trần Minh Tân, Giám đốc Trung tâm VNNIC cho biết, theo thống kê của Tổng cục Thống kê, Việt Nam có hơn 500.000 doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử chiếm 45% (khoảng 220.000 doanh nghiệp). Số lượng tên miền được chủ thể báo cáo về việc sử dụng tên miền quốc tế trên website thongbaotenmien.vn chỉ có 157.464 tên miền, tính đến ngày 16/5/2017.
Số lượng tên miền quốc tế được nhà đăng ký báo cáo 236.663 tên miền, số liệu tính đến quý I/2017 với có 32 đơn vị báo cáo. Trong đó số chủ thể trên địa bàn Hà Nội thông báo sử dụng tên miền quốc tế trên trang www.thongbaotenmien.vn là 24.505 tên miền.
Nhiều tổ chức, cá nhân đăng ký, sử dụng tên miền quốc tế không tuân thủ các quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông về sử dụng tên miền quốc tế như không thông báo hoặc thông báo thiếu thông tin, thông tin không chính xác với Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định tại Điều 23 Luật Công nghệ thông tin. Mức xử phạt vi phạm hành chính với các hành vi này theo Điểm a Khoản 1 Điều 41 Nghị định 174/2013/NĐ-CP là từ 5 – 10 triệu đồng.
Đối với hành vi cung cấp dịch vụ tên miền quốc tế mà không đăng ký hoạt động, không đáp ứng một trong các điều kiện để trở thành nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam thì “án phạt” nặng hơn từ 50-70 triệu đồng theo quy định tại điểm b Khoản 5 Điều 41 Nghị định 174/2013/NĐ-CP.
Việc xử lý vi phạm trong thời gian vừa qua của các cơ quan chức năng vẫn còn đang tập trung thiên về xử lý những chủ thể sử dụng tên miền quốc gia ".vn" do dễ quản lý hơn mà bỏ qua các vi phạm trên tên miền quốc tế (đối tượng vi phạm chủ yếu, chiếm đa số). Điều này lâu dài dẫn đến hệ lụy xấu ảnh hưởng đến việc phát triển cân đối giữa tên miền quốc gia và tên miền quốc tế, tạo lỗ hổng cho các vi phạm về tên miền quốc tế ngày càng gia tăng.
Các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này đã có tính hệ thống cao, từ các văn bản quản lý cấp cao nhất là Luật (Luật CNTT) cho tới các Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ và các Thông tư của Bộ TTTT. Theo quy định tại Điều 23 Luật CNTT, các chủ thể đăng ký tên miền quốc tế phải có trách nhiệm thông báo đầy đủ thông tin với Bộ Thông tin và Truyền thông trước khi tên miền được đưa vào sử dụng. Nghị định số 72/2013/NĐ-CP cũng như Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT ngày 18/8/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet cũng đã quy định rõ việc chủ thể tại Việt Nam có nhu cầu sử dụng tên miền quốc tế phải đăng ký tại các Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam. Có nghĩa là chủ thể tại Việt Nam khi sử dụng tên miền quốc tế hay tên miền ".vn" đều phải tuân thủ các quy định như nhau về quản lý thông tin.
Được biết, hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiến hành rà soát sửa đổi, thay thế các văn bản pháp luật liên quan, không còn phù hợp với thực tế trong đó có Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện; theo đó, Nghị định thay thế, sửa đổi Nghị định số 174//2013/NĐ-CP sẽ bổ sung cơ chế quản lý chặt chẽ hơn đối với nhóm tên miền quốc tế để hoàn thiện và tăng cường công tác quản lý tên miền quốc tế trong giai đoạn tới đồng thời đẩy mạnh và tăng cường công tác thanh kiểm tra tên miền quốc tế trên diện rộng trong năm 2017.
Hiện nay, công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và sử dụng tên miền quốc tế tại Việt Nam trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. “Việc tuyên truyền, hướng dẫn đăng ký, sử dụng tên miền quốc tế cho đúng quy định; việc ngăn ngừa các hành vi vi phạm thông qua công tác thanh kiểm tra phải được thực hiện kịp thời, thể hiện ở chỗ đúng người đúng tội, mức độ xử phạt phù hợp với các hành vi vi phạm sẽ khiến đối tượng bị xử lý vi phạm tâm phục khẩu phục, qua đó nâng cao ý thức hiểu biết về các quy định của pháp luật và chủ trương của nhà nước trong lĩnh vực Internet”, Thứ trưởng Phan Tâm lưu ý thêm.