Tuy nhiên đến nay, cơ quan quản lý và doanh nghiệp (DN) vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể. Ngày 25.12, tại hội nghị tổng kết ngành LĐ-TB-XH, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân cho hay hiện dự thảo Thông tư hướng dẫn cách tính đóng BHXH (mới) vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến của các bộ, ngành và các địa phương; Bộ còn lắng nghe ý kiến của các DN. Nhiều DN khó khăn đã đề xuất giãn lộ trình đóng BHXH, bởi trong 3 năm từ 2016 - 2018, ngoài áp lực tăng lương tối thiểu hằng năm, DN còn thực hiện dồn dập tăng mức đóng BHXH.
Ngoài ra, hiện vẫn chưa thống nhất được cách tính các khoản phụ cấp. Theo quy định mới, số tiền đóng BHXH của người lao động theo quy định là 8% và DN đóng 18% trên số lương và các khoản phụ cấp. Theo ông Huân, trên thực tế, các DN đặt các khoản phụ cấp với 30 - 40 tên khác nhau. Trước mắt, phải phân loại đóng BHXH theo mức lương cấp bậc, theo chức danh và phụ cấp mà hai bên thỏa thuận để làm căn cứ. Các khoản phụ cấp bổ sung khác sẽ đóng theo lộ trình đến năm 2018.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, Bộ đang bàn với BHXH VN để có hướng dẫn tạm thời. Ngày 1.1.2016, nếu các văn bản pháp luật chưa đồng bộ, tạm thời vẫn thu BHXH theo mức hiện hành (chỉ tính trên lương cơ bản).
Theo quy định của luật BHXH, từ 1.1.2016 đến hết năm 2017 đóng BHXH dựa trên mức lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng, người lao động đóng 8% và DN đóng 18%. Từ 1.1.2018 trở đi, người lao động đóng BHXH dựa trên mức lương, phụ cấp và nhiều khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động.
Trước lo ngại DN sẽ cắt bớt các khoản phụ cấp của người lao động và tìm cách “lách” các khoản tính đóng BHXH, bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết những khoản phụ cấp lương để tính đóng BHXH năm 2016 - 2017 được quy định tại điểm a, khoản 2, điều 4, Thông tư 47/20152017, gồm: tiền lương và phụ cấp lương. Những khoản không được cộng vào lương để tính BHXH, gồm: tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, hỗ trợ đi lại, điện thoại, nhà ở, nuôi con nhỏ… Bà Nga khẳng định, từ năm 2016, BHXH VN sẽ có thêm chức năng thanh tra việc đóng BHXH.
Theo Thanh niên