Có Sở chuyên ngành: Đà Nẵng vẫn khó quản Du lịch?

VietTimes – Doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên và cơ sở mua sắm thỏa thuận ngầm ăn chia, hàng không rõ xuất xứ, kém chất lượng, giá cao, giao dịch bằng ngoại tệ, thanh toán trái phép, không hóa đơn, thất thu thuế... - là nội dung cơ bản trong trả lời chất vấn đại biểu HĐND của Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Ngô Quang Vinh.
Ông Ngô Quang Vinh - Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng

Được mất của tour “0 đồng”

 Trước đó, tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 7, HĐND TP Đà Nẵng khóa IX mới diễn ra, đại biểu HĐND TP Đà Nẵng đã chất vấn Giám đốc Sở Du lịch về thực trạng tour 0 đồng, tình trạng hướng dẫn viên chui, tình trạng thất thu thuế tại các tour du lịch giá rẻ và giải pháp quản lý và xử lý về tour du lịch 0 đồng... trên địa bàn thành phố.

Dù đại biểu chất vấn trực tiếp tại hội trường, nhưng Giám đốc Sở Du lịch được phép trả lời bằng văn bản. Tới ngày 24/7, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng đã có trả lời ý kiến đại biểu về vấn đề này.

Theo đó, đại biểu Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng (Tổ đại biểu quận Cẩm Lệ) chất vấn: “Trong 6 tháng đầu năm 2018, thành phố đón hơn 1,6 triệu lượt khách quốc tế, tour du lịch giá rẻ có làm thất thu thuế không? Giải pháp quản lý và xử lý về tour du lịch 0 đồng?”.

Trả lời, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng Ngô Quang Vinh cho biết, bản chất của tour giá rẻ hay tour “0 đồng” là hình thức cạnh tranh bằng giá để thu hút khách của các công ty lữ hành. Phần landtour (ăn uống, lưu trú, hướng dẫn viên. ..) được bán cho khách với giá bằng, thấp hơn hoặc “bằng 0” so với chi phí thực tế công ty lữ hành tổ chức tour cho khách.

Tour giá rẻ chủ yếu xuất hiện ở thị trường khách Trung Quốc và một phần thị trường khách Hàn Quốc. Với tour gá rẻ, du khách chấp nhận vào một số điểm mua sắm hoặc sử dụng dịch vụ ngoài chương trình tour. Những chi tiêu ngoài tour nêu trên là nguồn thu chủ yếu bù lại chi phí tổ chức tour của công ty lữ hành - văn bản trả lời của ông Vinh cho biết. 

Để bù lỗ, có lợi nhuận, doanh nghiệp lữ hành có nhiều cách nhờ vai trò của nhà tổ chức tour đưa khách đến và nhận được phí hoa hồng cao của các nhà cung ứng dịch vụ thông qua việc đưa du khách đến các cơ sở mua sắm và bán option tour, dịch vụ…

Về mặt tích cực của mô hình tour 0 đồng, ông Ngô Quang Vinh cho rằng, tổng thu du lịch 6 tháng đầu năm 2018 của Đà Nẵng ước đạt hơn 13.925 tỷ đồng, tăng 52, 4% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng doanh thu các khu điểm du lịch trên địa bàn thành phố trong 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt gần 4 500 tỷ đồng, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm 2017…

 Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cũng thừa nhận những góc khuất của tour giá rẻ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, kém chất lượng với giá cao hơn so với giá trị thực tế, giao dịch bằng ngoại tệ trái phép; thanh toán qua máy chấp nhận thanh toán thẻ của ngân hàng nước ngoài 

Về hạn chế của tour giá rẻ, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, do tour giá rẻ chủ yếu phụ thuộc vào chi tiêu mua sắm từ du khách để thu lợi nhuận bù lại cho giá rẻ, nên có sự thỏa thuận ngầm giữa doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên (HDV) và cơ sở mua sắm.

“Một số cơ sở mua sắm bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng với giá cao hơn so với giá trị thực tế, giao dịch bằng ngoại tệ trái phép; thanh toán qua máy chấp nhận thanh toán thẻ của ngân hàng nước ngoài (POS) hoặc ứng dụng thanh toán điện tử trên thiết bị di động (Wechatpay… ), không xuất hóa đơn tài chính... gây thất thu thuế nhà nước” - Văn bản trả lời của ông Ngô Quang Vinh nhấn mạnh. 

Nguyên nhân chủ yếu là khách quan ?

Theo văn bản trả lời đối với cả 2 ý kiến chất vấn từ đại biểu HĐND Đặng Thị Kim Liên và đại biểu Lê Xuân Hòa, ông Ngô Quang Vinh phân trần, tình trạng kinh doanh lữ hành trái phép, hướng dẫn viên xuyên tạc lịch sử, tour giá rẻ gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch Đà Nẵng… là do “doanh nghiệp lữ hành tại Đà Nẵng với quy mô nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, chưa trực tiếp khai thác khách từ thị trường quốc tế, do đó chịu sự ép giá, chi phối nguồn khách từ đối tác nước ngoài”.

Những nguyên nhân khách quan tiếp tục được nối dài tại văn bản trả lời này. Cụ thể: “Một số doanh nghiệp lữ hành ý thức pháp luật chưa đầy đủ, cạnh tranh không lành mạnh, tiếp tay cho người Trung Quốc, Hàn Quốc kinh doanh lữ hành và hoạt động hướng dẫn du lịch trái pháp luật. Một số bộ phận HDV tiếng Trung, tiếng Hàn còn yếu về kỹ năng và ngoại ngữ, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và thị trường, có biểu hiện xuống cấp về đạo đức, nặng về lợi ích kinh tế, chèn ép khách vào các điểm mua sắm; chưa nỗ lực tu dưỡng học tập nâng cao kiến thức, kỹ năng phục vụ; gần đây nổi lên tình trạng một số HDV sử dụng bằng cấp giả, thẻ giả để hoạt động gây ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ…”.

Còn tại trả lời chất vấn đại biểu Lê Xuân Hòa, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng nhấn mạnh thêm, sự phát triển nóng của thị trường khách đã dẫn đến tình trạng hướng dẫn viên (HDV) phục vụ còn thiếu và yếu. Bên cạnh tình trạng HDV tiếng Trung, Hàn có biểu hiện xuống cấp về đạo đức thì các tổ chức xã hội nghề nghiệp về du lịch chưa kết nối được các doanh nghiệp để nâng cao năng lực kinh doanh, thu hút nhiều nguồn khách có chất lượng cao đến Đà Nẵng, chưa chú trọng quản lý, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, giáo dục nâng cao nhận thức cho HDV… 

Với từng ấy nguyên nhân khách quan, theo Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, trong thời gian qua, Thanh tra Sở đã tiến hành hơn 120 lượt kiểm tra, ban hành 28 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 tổ chức vi phạm trong kinh doanh lữ hành, 6 người nước ngoài hướng dẫn du lịch trái phép tại Việt Nam, 18 trường hợp người Việt Nam vi phạm trong hoạt động hướng dẫn,… với tổng số tiền xử phạt là 197, 2 triệu đồng.

Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2018, Công an TP Đà Nẵng phối hợp với Thanh tra Sở Du lịch kiểm tra, phát hiện 23 người nước ngoài (20 người Trung Quốc, 3 người Hàn Quốc) có hoạt động điều hành, hướng dẫn khách du lịch người nước ngoài trái phép. Qua đó, xử phạt vi phạm hành chính 20 người với tổng mức phạt là 322,5 triệu đồng, hủy thị thực, buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam và đưa vào diện chưa cho nhập cảnh 11 trường hợp. 

Chủ quan sẽ "làm gì"?

Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, để ngăn chặn tình trạng người nước ngoài hoạt động du lịch trái phép trên địa bàn, UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các ngành Công an, Lao động TB-XH, Cục Thuế, Sở Công thương, Ngân hàng nhà nước,…tăng cường công tác rà soát, kiểm tra và xử lý hoạt động của người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam tạm trú trên địa bàn thành phố hoạt động trái phép; kiểm tra tình hình sử dụng lao động người nước ngoài tại các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch trên địa bàn; tăng cường kiểm tra các cửa hàng mua sắm, nhà hàng để chống thất thu thuế, xử phạt các vi phạm về xuất xứ hàng hóa, không rõ nguồn gốc, niêm yết giá công khai… kiểm soát xử lý vi phạm trong khâu thanh toán. 

Bên cạnh đó, Sở Du lịch phát huy vai trò của Trung tâm Hỗ trợ du khách, Tổ phản ứng nhanh gắn với hoạt động thanh tra, kịp thời xử lý khi có thông tin phản ánh từ người dân và du khách. Đồng thời tuyên truyền số điện thoại đường dây nóng Tổng đài 1022, tuyên truyền Bộ Quy tắc ứng xử đến các đơn vị kinh doanh du lịch, du khách và người dân trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, quầy thông tin du lịch. Sở cũng vận động các đơn vị lữ hành, vận chuyển du lịch lắp đặt camera quan sát trên xe và triển khai ký kết quy chế phối hợp trích xuất hình ảnh để xử lý…

Đặc biệt, Sở Du lịch sẽ xây dựng nội dung thuyết minh chuẩn về TP Đà Nẵng và các điểm đến, dịch sang các ngôn ngữ Trung Quốc, Hàn Quốc..., phát cho các công ty lữ hành, đối tác và hướng dẫn viên.... Mục tiêu là để tránh tình trạng xuyên tạc văn hóa, lịch sử Việt Nam.

Sở cũng khuyến khích các doanh nghiệp quan tâm đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới, chất lượng sản, đảm bảo kinh doanh cạnh tranh lành mạnh. Trong thời gian tới, ngành du lịch Đà Nẵng tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch để khai thác có hiệu quả hơn nữa các dòng khách Hàn Quốc, Trung Quốc, hướng đến loại khách có khả năng chi tiêu cao. 

Giải pháp nào để kiểm soát những bất cập của tour giá rẻ tại Đà Nẵng 

Trả lời của Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng nêu khó khăn như sau: “Quản lý hoạt động kinh doanh du lịch có tính chất liên ngành liên vùng. Trong đó, ngành du lịch chỉ trực tiếp quản lý doanh nghiệp lữ hành, HDV, khách sạn.. ..Đối với hoạt động kinh doanh tại các nhà hàng, cơ sở mua sắm và hoạt động của người nước ngoài nhập cảnh trên địa bàn thành phố thuộc phạm vi quản lý của các Sở, ngành chức năng khác. Một số lĩnh vực chưa có chế định cụ thể, dẫn đến việc xử lý chưa tạo được sự răn đe cao đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm”.

Được biết, Đà Nẵng là một trong số ít địa phương thành lập sở Du lịch để chuyên trách với nhiệm vụ quản lý, phát triển du lịch tại địa phương.

Tuy nhiên, với những gì Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng trả lời đại biểu HĐND TP, có thể thấy vấn đề là việc thành lập Sở này dường như không quan trọng bằng việc tạo hành lang pháp lý và thẩm quyền quản lý cho cơ quan chuyên ngành này. 

Qua những trả lời này, những hành động của Sở Du lịch để tạo lập môi trường kinh doanh du lịch của thành phố cho thấy còn khá do dự vì sự giằng néo, chồng lấn với các ngành khác.

Liệu đây có phải là nguyên nhân dẫn đến những gì đã và đang xảy ra đối với môi trường du lịch Đà Nẵng thời gian qua ? Đà Nẵng cần làm gì để lành mạnh môi trường kinh doanh du lịch của thành phố, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển, trong tương quan đảm bảo an ninh tiền tệ, trật tự xã hội và an ninh văn hóa...? 

Đó dường như là câu hỏi khó trả lời chỉ bằng việc thành lập Sở Du lịch và bộ máy hành chính đi kèm, để hoạt động cho ra dáng sở quản lý chuyên ngành.