Nhân chuyến công tác tham dự Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp thứ trưởng Nga-Việt lần thứ 2 tại Moskva, LB Nga, Thứ trưởng Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại LB Nga về triển vọng quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước cũng như đánh giá Nga-Việt về những thách thức trên Biển Đông. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
PV: Thưa Thượng tướng, xin Thượng tướng cho biết kế quả cuộc đối thoại chiến lược quốc phòng lần này, cùng như những điểm đặc biệt trong đối thoại chiến lược lần này
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Trước khi nói về kết quả đối thoại chiến lược lần này, chúng ta phải nói lại một chút về việc hình thành cơ chế đối thoại. Như các bạn đã biết mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây, nhất là trong thời gian chống Mỹ, là mối quan hệ đoàn kết chiến đấu anh em hết sức gắn bó, hết sức tốt đẹp. Ngày nay nước Nga kế thừa mối quan hệ truyền thống của Liên Xô trước đây với Việt Nam. Mối quan hệ giữa Nga với Việt Nam cũng hết sức tốt đẹp. Tuy nhiên cách thức và mô hình hỗ trợ, hợp tác với nhau cũng có những thay đổi theo biến đổi xã hội, và thế giới nói chung. Trong những năm vừa qua chúng ta có mối quan hệ quốc phòng rất tốt với Nga. Đặc biệt là quan hệ về trang bị, đào tạo. Nhưng tất cả chúng ta đều biết, trang bị của Việt Nam hiện nay chủ yếu là của Nga. Và những trang bị đó rất cần thiết cho công cuộc bảo vệ tổ quốc của chúng ta. Tuy nhiên quan hệ quốc phòng chỉ là quan hệ vũ khí, trang bị thì chưa đủ. Nó phải bắt đầu, và quan trọng hơn là quan hệ chiến lược. Mối quan tâm chung về an ninh, hòa bình, chiến tranh, xung đột. Làm sao hai nước nước hỗ trợ, hợp tác với nhau để củng cố hòa bình, ổn định của đất nước mình. Tuy nhiên phải đóng góp cho hòa bình, ổn định trong khu vực, nhất là khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi có nước ta cũng như nơi nước Nga có lợi ích chiến lược rất to lớn.
Với nhận thức như vậy, từ năm 2013, hai bộ quốc phòng thống nhất xây dựng cơ chế đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng. Đây là cơ chế hợp tác cao nhất về quốc phòng của tất cả các quốc gia trên thế giới về trao đổi chiến lược. Trong các cuộc trao đổi chiến lược ấy, trước hết chúng ta trao đổi với nhau về tình hình an ninh. Những mối đe dọa an ninh với nước mình cũng như khu vực. Chúng ta trao đổi những vấn đề, nội dung có thể hợp tác giữa hai bên, không chỉ về trang bị: hợp tác về an ninh, hợp tác trao đổi thông tin, đào tạo, huấn luyện... trong đó có hợp tác kỹ thuật quân sự. Cuộc đối thoại chiến lược lần 1 năm 2013 đã đem lại kết quả rất tốt. Tức là từ quan hệ quốc phòng chỉ trao đổi về kỹ thuật, chúng ta đã mở rộng ra quan hệ về chiến lược quốc phòng.
Năm nay chúng ta tổ chức lần 2 đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng tại Moskva. Cũng với tinh thần như vậy, nhưng trong tình hình mới. Đó là tình hình châu Âu có nước Nga, cũng như châu Á-Thái Bình Dương có những biến đổi sâu sắc về an ninh và quốc phòng. Bên cạnh những thuận lợi thì cả hai khu vực đều có những thách thức rất lớn. Chúng ta cần trao đổi với nhau những thách thức đối với nước mình cũng như đối với khu vực. Chúng ta cần tìm kiếm nội dung hợp tác đem lại sự vững mạnh về quốc phòng cho Việt Nam và Nga. Đồng thời cũng đảm bảo kiến tạo hòa bình cho những khu vực chúng ta đang sống. Sau đó chúng ta cùng Nga trao đổi những nội dung cụ thể về hợp tác quốc phòng trong năm tới. Đó là trao đổi về thông tin, trao đổi về chiến lược an ninh, đào tạo, huấn luyện chung, rồi kỹ thuật quân sự. Có những nội dung rất cụ thể, đặt ra kế hoạch từ nay cho đến năm 2017. Có thể nói cuộc đối thoại chiến lược Việt-Nga lần này đã thành công. Theo chúng tôi là tốt đẹp. Hai bên rất thẳng thắn với nhau, cả những thuận lợi lẫn những khó khăn của nước mình. Rồi trao đổi thẳng thắn với nhau trong hợp tác, chúng ta đã làm tốt những gì, những gì cần hoàn thiện. Và cũng rất thẳng thắn trong việc xây dựng một kế hoạch khả thi. Đã nói phải làm bằng được. Kết quả năm nay, chúng tôi và Thứ trưởng Quốc phòng Nga A. Antonov đã thống nhất với nhau. Chúng ta nói rất cụ thể, nói những điều có thể làm được và xây dựng cơ chế liên hệ thường xuyên với nhau để thực hiện cho được những gì hai bên đã cam kết.
Bên cạnh kết quả nội dung như vậy, chúng tôi cũng rất hài lòng trước sự đón tiếp thân tình, tin cậy và tôn trọng của phía nước bạn Nga. Tôi đã nói với ông Antonov rằng chúng ta không chỉ có quá khứ sau lưng rất tốt đẹp mà chúng ta còn có cả tương lai cũng rất tốt đẹp cho 2 nước về chiến lược. Vì vậy tôi cho là đối thoại chiến lược lần này đem lại niềm tin vững chắc hơn, lớn hơn trong hợp tác quân sự, quốc phòng với LB Nga.
PV: Triển vọng quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Nga, và đường hướng phát triển sẽ như thế nào sau cuộc đối thoại chiến lược lần này?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Có rất nhiều nội dung và rất nhiều dự án hai bên bàn bạc và sẽ đi vào tổ chức thực hiện. Nhưng theo tôi triển vọng lớn nhất là lợi ích chiến lược của Nga được thể hiện rất rõ ràng ở châu Á-Thái Bình Dương, nơi có Việt Nam chúng ta. Cũng như những lợi ích chiến lược của Nga ở châu Âu sẽ ảnh hưởng đến tình hình chúng ta. Cho nên hai bên đều tập trung bàn những thách thức an ninh và trên cơ sở đó chia sẻ kinh nghiệm để giảm thiểu xung đột, và kiến tạo hòa bình ở khu vực mình đang sống. Tôi cho rằng đấy là triển vọng đáng quan tâm nhất. Tôi cũng nói với người bạn Nga rằng các đồng chí rất nhiều vũ khí, vũ khí rất hiện đại, nhưng không vũ khí nào bằng không phải bắn, họ rất đồng tình.
PV: Thưa Thượng tướng, trong cuộc đối thoại chiến lược lần này Thứ trưởng Quốc phòng Nga A. Antonov có nhắc đến những thách thức tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Như vậy liệu cuộc họp có đề cập đến vấn đề Biển Đông và hai bên đã thống nhất những gì về vấn đề Biển Đông?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Như tôi đã nói lúc đầu, hai bên trao đổi về những thách thức an ninh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như châu Âu, nhưng tập trung vào châu Á-Thái Bình Dương, và nếu đã đặt vấn đề như thế thì không thể không nói vấn đề Biển Đông. Vì đây là thách thức quan trọng nhất, lớn nhất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trong khu vực, trong đó Nga có quyền lợi. Đây là chủ đề chúng tôi đều rất quan tâm. Hai bên đều đánh giá tình hình Biển Đông hiện nay càng ngày càng phức tạp. Nó không chỉ là vấn đề tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, không chỉ là hoạch định đường biên giới trên biển, mà giờ nó phát triển thành cọ sát chiến lược giữa các nước lớn. Nếu có sát chiến lược này đem lại lợi ích cho khu vực thì chúng ta rất ủng hộ. Nhưng nếu cọ sát làm tăng căng thẳng, tăng chạy đua vũ trang, làm tăng số lượng tàu bè, máy bay trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương thì đó là điều rất nguy hiểm cho khu vực. Hai bên cùng nhấn mạnh điều này.
Không chỉ như vậy, nay chúng ta thấy có những hành động rõ ràng đi ngược lại luật pháp quốc tế. Và không còn xa nữa những hành động đó làm ảnh hưởng tới an toàn hàng hải và hàng không. Tức là câu chuyện trên biển bây giờ thêm cả câu chuyện trên không. Động thái này cả thế giới ai cũng lo ngại không chỉ Việt Nam hay Nga. Chúng tôi trao đổi và thấy rằng những thách thức này cần đẩy lùi bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở lợi ích của tất cả các quốc gia, tôn trọng lẫn nhau. Và trên cơ sở luật pháp quốc tế. Nghĩa là hệ thống luật pháp đã được thừa nhận, được quốc tế áp dụng để duy trì kiến tạo hòa bình trong nhiều năm, chứ không phải luật pháp quốc tế do bất kỳ ai đặt ra, phục vụ cho lợi ích của họ. Chúng tôi rất nhất trí với nhau điều đó. Hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Nga cũng theo hướng đó, nghĩa là chúng ta hợp tác với nhau, nhưng không làm nóng tình hình, chúng ta không làm phức tạp thêm tình hình, mà chúng ta hỗ trợ lẫn nhau, nhưng phải làm cho tình hình dịu đi. Đây là vấn đề Biển Đông mà chúng tôi trao đổi, cũng mất tương đối nhiều thời gian cho vấn đề này.
PV: Gần đây có tin nói Việt Nam sẽ diễn tập quân sự với Nga. Điều này có đúng không? Thượng tướng có thể bình luận gì về điều này?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Cho đến nay Việt Nam chưa có chủ trương diễn tập quân sự, tác chiến với bất kỳ quốc gia nào. Cho đến nay cũng chưa có cuộc diễn tập nào như vậy. Tuy nhiên chúng ta sẵn sàng tổ chức các cuộc diễn tập mang tính nhân đạo để đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, kể cả song phương và đa phương. Hôm qua tôi cùng ông Antonov cũng đưa ra những dự kiến tập trung vào rà phá bom mìn, quân y, tìm kiếm cứu nạn trên biển, chống cướp biển. Đây là những diễn tập mang tính nhân đạo, và rõ ràng nó đem lại hòa bình và ổn định tốt hơn cho khu vực. Chúng tôi cũng sẵn sàng mời các nước khác tham gia diễn tập đa phương. Xin nói thêm vừa rồi Việt Nam cũng có những diễn tập chung với Ấn Độ rất thành công, mới tháng trước, về gìn giữ hòa bình và tìm kiếm cứu nạn tại Ấn Độ. Ngoài diễn tập chung về tìm kiếm cứu nạn và hoạt động nhân đạo như vậy, chúng tôi cũng cùng nhau xác định phải tăng cường hợp tác về quân y. Tăng cường hợp tác về gìn giữ hòa bình LHQ. Tăng cường hợp tác về đào tạo. Trong đào tạo, 2 bên cùng thấy ngoài đào tạo về quân sự-quốc phòng, lĩnh vực rất cần cho sĩ quan Việt Nam là tiếng Nga, văn hóa Nga. Không hiểu biết văn hóa thì không thể hợp tác tốt và lâu dài được. Và mặc dù về quân sự, song phải rất giỏi ngôn ngữ, văn hóa nước bạn. Ông Antonov hoàn toàn nhất trí và sắp tới chúng ta sẽ cử học viên sang học về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, ngôn ngữ của Nga. Tôi tin đó là cầu nối chúng ta với nước Nga trong tương lai.
Xin cảm ơn Thượng tướng đã trả lời phỏng vấn!
Theo TTXVN